Thai 22 tuần: Bé đang học cách nắm tay

Ngày 22/05/2020 14:04 PM (GMT+7)

Ở giai đoạn thai 22 tuần, bé đã biết làm nhiều thứ chẳng hạn như nắm tay, cảm nhận ánh sáng.

Nếu đang bước vào tuần 22 của thai kỳ thì em bé sẽ cảm thấy chật chội hơn trong bụng mẹ, vì bé đang phát triển và chiếm nhiều không gian hơn. Vậy thai 22 tuần là mấy tháng? Thai ở tuần 22 là đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Ở giai đoạn này, em bé của bạn đã hoạt động nhiều hơn và mẹ bầu có thể cảm nhận rõ ràng hơn từng chuyển động của con yêu.

Sự thay đổi của thai nhi 22 tuần tuổi

Thai 22 tuần nặng bao nhiêu gram?

Thai ở tuần 22 có kích cỡ ngang một củ cà rốt, với trọng lượng khoảng 478g và dài gần 11,2cm. Vì chưa có các mô mỡ nên em bé trông vẫn rất nhỏ, những hình ảnh thai 22 tuần thông qua việc siêu âm sẽ giúp mẹ bầu biết chính xác con yêu của mình trông như thế nào.

Thai 22 tuần: Bé đang học cách nắm tay - 1

Thai 22 tuần có kích cỡ tương đương một củ cà rốt. (Ảnh minh họa)

Thai 22 tuần phát triển như thế nào?

Các cơ quan nội tạng của bé đang phát triển nhanh chóng, da vẫn còn nhăn nheo và được bao phủ bởi lớp lông tơ. Mí mắt và lông mày của bé rõ ràng hơn.

Đôi mắt được hình thành nhưng mống mắt (phần màu của mắt) vẫn thiếu sắc tố. Mắt của bé vẫn nhắm nhưng ở thời điểm này, bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng và bóng tối.

Đôi tai của bé cũng bắt đầu tiếp nhận, xử lý âm thanh từ bên trong cơ thể mẹ, chẳng hạn như hơi thở, nhịp tim, tiếng lưu thông của máu... Hệ thần kinh phát triển hơn giúp các giác quan nhạy bén hơn và em bé đang học cách nắm lấy tai, mũi và dây rốn của mình.

Những thay đổi điển hình của cơ thể mẹ

Thai 22 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg? Mặc dù 3 tháng giữa sức khỏe và tâm trạng của mẹ bầu đã tốt hơn nhiều, ăn uống ngon miệng hơn nhưng chị em vẫn cần phải kiểm soát cân nặng của mình. Mức tăng cân hợp lý cho mẹ bầu ở thời điểm này là 3-5kg.

Ngoài cân nặng tăng lên, mẹ bầu còn đối mặt với một số thay đổi trên cơ thể như:

1. Đau bụng

Đây là một triệu chứng bình thường ở giai đoạn thai 22 tuần, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nếu bạn cảm thấy đau nhói, đau âm ỉ. Vì vậy mẹ bầu nên học cách phân biệt giữa cơn đau bình thường và cơn đau bất thường để biết khi nào nên gọi bác sĩ.

Thai 22 tuần: Bé đang học cách nắm tay - 2

Đau bụng là triệu chứng bình thường khi mang thai. (Ảnh minh họa)

2. Táo bón

Mức progesterone cao hơn tăng cao trong giai đoạn này khiến mẹ bầu dễ chứa nhiều khí trong bụng và bị táo bón. Hơn nữa, tử cung ngày càng lớn hơn sẽ gây thêm áp lực lên ruột của bạn, khiến việc di chuyển chất thải ra khỏi hệ thống tiêu hóa gặp khó khăn. Mẹ bầu nên ăn những thực phẩm lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động.

3. Suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Có 2 nguyên nhân dẫn tới triệu chứng này, một là do sự giãn của cơ trơn tĩnh mạch, hai là sự tăng áp lực nội mạch, gây tăng huyết áp tĩnh mạch.

4. Phù chân

Khi mang thai, sự gia tăng chất lỏng trong cơ thể tăng lên vì vậy sưng nhẹ ở chân và tay là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu sưng to bất thường thì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một biến chứng thai kỳ nguy hiểm.

5. Tăng ham muốn tình dục

Khi thai 22 tuần, một số mẹ thực sự cảm thấy nhu cầu tình dục tăng lên. Điều này là do hormone trong cơ thể đang sản xuất khá nhiều vào thời điểm này.

6. Tăng tiết dịch âm đạo

Lưu lượng máu trong cơ thể tăng lên có thể dẫn tới tăng tiết dịch âm đạo. Tuy nhiên, nếu dịch âm đạo có mùi hoặc có màu sắc bất thường thì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

7. Chuột rút

Ở giai đoạn thai nhi 22 tuần tuổi, chuột rút có thể là do đau dây chằng tròn – một cơ nâng đỡ tử cung và khi nó căng ra, mẹ bầu có thể cảm thấy đau nhói hoặc đau âm ỉ ở bụng dưới. Một số chuyên gia lại cho rằng chuột rút ở chân khi mang thai có thể là do thiếu magie hoặc canxi trong chế độ ăn uống.

Thai 22 tuần: Bé đang học cách nắm tay - 3

Chuột rút khi mang thai có thể là do thiếu canxi, magie. Ảnh minh họa

8. Rốn lồi ra

Khi mang thai, trọng lượng của mẹ tăng đáng kể và tử cung cũng mở rộng hơn khi em bé phát triển. Hơn nữa, cơ thể mẹ lúc này đang tích trữ nhiều chất lỏng. Những điều này sẽ khiến bụng mẹ to lên, rốn lồi ra.

Lời khuyên dành cho mẹ bầu ở tuần 22

1. Ăn thực phẩm lành mạnh

Mang thai 22 tuần nên ăn gì để tốt cho cả mẹ và con? Khi mang thai ở tuần 22, mẹ bầu nên bổ sung những thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau củ, thực phẩm từ sữa ít béo, đậu nành, bánh mì, ngũ cốc, cá, thịt nạc vào thực đơn hàng ngày.

Đừng ăn cá chứa nhiều thủy ngân như cá kiếm, cá thu vua, hãy chọn cá có lượng thủy ngân thấp như cá hồi, cá tuyết, cá ngừ, tôm. Uống nhiều nước mỗi ngày và giảm lượng caffeine xuống dưới 200mg/ngày.

Tuyệt đối không uống rượu để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ bé và có thể gây ra hội chứng FAS – hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi.

Thai 22 tuần: Bé đang học cách nắm tay - 4

Việc ăn uống của mẹ bầu có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số thai nhi 22 tuần. (Ảnh minh họa)

2. Bổ sung vitamin

Các mẹ bầu đừng quên bổ sung vitamin, khoáng chất trước khi sinh nhé. Việc uống các vitamin cần thiết sẽ giúp giảm nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh.

3. Cai thuốc lá

Nếu bạn là một người hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc lá ngay lập tức. Các chất độc hại trong khói thuốc lá sẽ làm tăng khả năng sảy thai và gây ra một số vấn đề về sức khỏe trong thai kỳ. Hút thuốc cũng có thể gây sinh non, thai nhẹ cân.

4. Tập thể dục

Tập thể dục khi mang thai không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ bầu mà còn rất tốt cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là não bộ của bé.

Thai 22 tuần là bước ngoặt rất lớn để chứng minh cho việc bé yêu đang phát triển như thế nào. Vì vậy mẹ bầu hãy cố gắng bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, có thói quen sống lành mạnh để giúp con phát triển khỏe mạnh. 

NGUỒN THAM KHẢO

- 22 weeks pregnant - Flo Health 

- Pregnancy week by week - The Bump

- 22 Weeks Pregnant - What To Expect

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu, giữa, cuối nên ăn gì và ăn bao nhiêu?
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu, 3 tháng cuối, 3 tháng giữa có sự khác nhau bởi sự phát triển của thai nhi nhanh theo từng tháng. Vậy, bà bầu...

Hà Phương (Dịch từ Flo)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sự phát triển thai nhi