Tiền sản giật: Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa

Ngày 15/05/2020 09:30 AM (GMT+7)

Tiền sản giật là biến chứng nguy hiểm khi mang thai, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề cho mẹ và thai nhi nếu không được điều trị kịp thời.

Tiền sản giật là một trong hội chứng bệnh lý nguy hiểm nhất trong thai kỳ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi hoặc để lại những biến chứng nghiêm trọng. Vậy tiền sản giật là gì, nguyên nhân của hội chứng này và cách phòng ngừa thế nào? 

1. Tiền sản giật là gì?

Theo WebMD, tiền sản giật trước đây được gọi là nhiễm độc máu, dùng để chỉ tình trạng người phụ nữ mang bầu có huyết áp cao, protein trong nước tiểu và sưng phù chân tay. 

Tiền sản giật xảy ra ở khoảng 5% phụ nữ mang bầu, thường trong giai đoạn cuối của thai kỳ nhưng cũng có khi sớm hơn hay thậm chí là sau khi sinh. 

Hội chứng bệnh lý này có thể dẫn đến sản giật, tình trạng nghiêm trọng hơn, gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì sản giật là biến chứng hiếm gặp. 

Tiền sản giật: Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa - 1

Tiền sản giật xảy ra ở khoảng 5% phụ nữ mang bầu. (Ảnh minh họa)

2. Nguyên nhân 

Thông tin trên Healthline cho biết, các chuyên gia chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật nhưng một số yếu tố dưới đây đang được đặt trong vòng nghi ngờ: 

- Yếu tố di truyền;

- Vấn đề mạch máu;

- Rối loạn tự miễn dịch. 

Bên cạnh đó, những yếu tố rủi ro làm gia tăng tỉ lệ bị tiền sản giật bao gồm: 

- Mang bầu đa thai; 

- Mẹ mang bầu ở tuổi thiếu niên hoặc trên 35 tuổi; 

- Mẹ béo phì;

- Mẹ có tiền sử huyết áp cao;

- Mẹ có tiền sử bệnh tiểu đường; 

- Mẹ có tiền sử rối loạn thận. 

3. Dấu hiệu và triệu chứng 

3.1 Dấu hiệu ban đầu 

Ban đầu, tiền sản giật thường chưa có triệu chứng gì nhưng có thể có một vài dấu hiệu đầu tiên bao gồm huyết áp cao và protein trong nước tiểu (protein niệu). 

Theo Medical News Today, có khoảng 6-8% phụ nữ mang thai bị huyết áp cao nhưng không có nghĩa là tất cả đều bị tiền sản giật. Protein trong nước tiểu là dấu hiệu đáng nói và đặc trưng hơn của tình trạng bệnh lý này. 

Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, mẹ bầu sẽ không tự nhận thức được hai dấu hiệu này mà chỉ được phát hiện khi khám bởi bác sĩ chuyên khoa. 

3.2 Triệu chứng rõ ràng 

Triệu chứng của tiền sản giật rõ ràng hơn và mẹ bầu có thể nhận ra là ứ nước (phù) tay, chân, mắt cá chân và mặt. Tuy nhiên, sưng phù là vấn đề khá phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng cuối nên mẹ có thể bị nhầm lẫn.

Để so sánh, sưng phù thông thường sẽ nhẹ hơn vào buổi sáng và tích tụ dần trong ngày còn sưng phù khi là triệu chứng của tiền sản giật sẽ xảy ra đột ngột và có xu hướng nghiêm trọng hơn. 

Bên cạnh đó, các triệu chứng dưới đây có thể xuất hiện. 

- Tầm nhìn mờ, đôi khi thấy bị nhấp nháy như đèn chớp;

- Đau nặng đầu; 

- Hụt hơi; 

- Đau ngay dưới xương sườn bên phải; 

- Tăng cân đột ngột (do giữ nước); 

- Nôn;

- Đi tiểu ít hoặc thậm chí cả ngày không đi. 

Lưu ý: Một số phụ nữ bị tiền sản giật không có bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy, việc kiểm tra huyết áp và xét nghiệm nước tiểu đầy đủ trong mỗi lần khám thai là rất cần thiết.

4. Biến chứng của tiền sản giật 

Tiền sản giật nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. 

4.1 Biến chứng ở mẹ 

Sinh non

Nếu mẹ bầu bị tiền sản giật có các triệu chứng nghiêm trọng như tiểu cầu trong máu giảm, suy gian, khó thở, dịch tràn phổi, huyết áp tăng cao… thì sẽ được chỉ định mổ lấy thai sớm để tránh nguy cơ tử vong ở mẹ và bé.

Trẻ sinh non, thiếu tháng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh lý.

Hội chứng HELLP

HELLP - Hội chứng thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu, tăng men gan. Hội chứng này khá nguy hiểm với mẹ và bé, biến chứng này có thể xảy ra ở tháng cuối thai kỳ hoặc sau sinh vài tuần. Mẹ bầu sẽ có các dấu hiệu buồn nôn và nôn, đau đầu và đau bụng bên phải mẹ cần lưu ý.

Nhau bong non

Tiền sản giật không được xử lý, ổn định huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ vỡ nhau thai, nhau thai rời ra khỏi thành trong tử cung trước sinh. Nhau bong non diễn ra đột ngột có thể gây chảy máu nặng, đe dọa tính mạng của mẹ và bé.

Sản giật

Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm của tiền sản giật. Khi các cơn co giật xảy ra mạnh, nhiều liên tiếp bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai dù thai chưa đến ngày dự sinh.

Tử vong

Nguyên nhân sản phụ tử vong do các biến chứng của sản giật, vỡ bao gan dẫn đến chảy máu, tan huyết, đông máu, phù phổi, suy thận… Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm của bệnh. Nếu không được xử lý, phát hiện sớm sẽ đe dọa tính mạng mẹ.

Bệnh tim mạch

Sản phụ bị tiền sản giật tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch về sau, hoặc lần thai nghén sẽ có nguy cơ tiếp tục bị tiền sản giật.

Các bệnh lý khác 

Ảnh hưởng từ tiền sản giật, mẹ bầu sẽ có nguy cơ tổn thương các cơ quan như thận, phổi, tim, mắt, não hoặc gây đột quỵ. Mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ tùy thuộc vào sự tình trạng sức khỏe, bệnh lý mẹ mắc phải.

Tiền sản giật: Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa - 2

Tiền sản giật nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề cho mẹ và thai nhi. (Ảnh minh họa)

4.2 Biến chứng ở thai nhi 

Thai chết lưu

Mẹ bị tiền sản giật, các động mạch mang không đủ máu đến nhau thai, thai nhi có nguy cơ không nhận đủ máu, oxy dẫn tới hiện tượng thai chết lưu trong bụng mẹ.

Trẻ sinh non, thiếu tháng

Nếu mẹ bầu được chẩn đoán bị tiền sản giật tuần 37 sẽ được chỉ định mổ lấy thai sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Sinh thường với bà bầu bị sản giật sẽ cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng 2 mẹ con.

Suy dinh dưỡng, chậm phát triển

Từ sau tuần thai 20, nếu mẹ bị tiền sản giật, cơ thể sẽ hấp thụ các dưỡng chất kém hơn. Bé hấp thụ các dưỡng chất qua dây rốn kém, dẫn đến tình trạng thai bị nhẹ cân, thiếu cân, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

Tử vong sau sinh

Khi mẹ bị sản giật, các cơn co giật tác động mạnh đến tử cung và vùng xương chậu. Trong quá trình chuyển dạ sinh, trẻ dễ bị ngạt, chấn thương, chảy máu não thất, chảy máu ở phổi, bệnh màng trong…và có thể dẫn đến tử vong sau sinh. 

5. Cách điều trị tiền sản giật 

5.1 Điều trị khi mang thai 

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho chứng tiền sản giật trong thai kỳ chính là sinh con. Trong hầu hết các trường hợp, sinh con sẽ ngăn ngừa hội chứng bệnh lý này tiến triển. 

Thông thường, nếu mẹ phát hiện tiền sản giật ở giai đoạn sau 37 tuần thì các bác sĩ sẽ kích thích chuyển dạ và cho sinh ngay lập tức. Tại thời điểm này, em bé đã phát triển đầy đủ và không bị tính là sinh non. 

Trong trường hợp mẹ có triệu chứng tiền sản giật trước 37 tuần thì bác sĩ sẽ xem xét tình hình sức khỏe của mẹ và em bé, tình trạng tiền sản giật nặng hay nhẹ và nhiều yếu tố khác để quyết định thời điểm sinh con. 

Nhiều mẹ bầu đưa ra thắc mắc "Tiền sản giật có cần dùng thuốc không?", và câu trả lời là có. Trong một số trường hợp bệnh chưa nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho mẹ bầu dùng thuốc giảm huyết áp, thuốc chống co giật hoặc tiêm steroid để tăng trưởng thành phổi cho thai nhi. 

5.2 Điều trị sau khi sinh 

Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, hầu hết phụ nữ sẽ có chỉ số huyết áp bình thường trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Đồng nghĩa với việc các triệu chứng tiền sản giật sẽ biến mất. 

Ngoài ra, ResearchTrust Source đã phát hiện ra rằng đối với hầu hết phụ nữ bị tiền sản giật, các triệu chứng sẽ hết và chức năng gan và thận trở lại bình thường trong vòng vài tháng sau sinh. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, huyết áp có thể tăng trở lại một vài ngày sau khi sinh. Vì lý do này, theo dõi sức khỏe và kiểm tra huyết áp thường xuyên là việc rất quan trọng đối với mẹ đã có dấu hiệu tiền sản giật từ trước.

Đặc biệt, trong một số tình huống hiếm gặp, mẹ còn có thể bị tiền sản giật sau khi đã sinh con dù trước đó thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh. Lúc này các bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ nhập viện để theo dõi, điều trị bằng thuốc giảm huyết áp và chống co giật. 

6. Cách phòng ngừa tiền sản giật 

Hiện tại vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa tiền sản giật hiệu quả. Một số bà bầu uống aspirin mỗi ngày từ lúc thai được 14 tuần để phòng ngừa. Nhưng việc này chỉ có tác dụng ở một số người và cần có chỉ định từ bác sĩ. 

Tiền sản giật: Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa - 3

Theo dõi sức khỏe và khám thai đầy đủ, bao gồm kiểm tra huyết áp và xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp mẹ bầu phát hiện tiền sản giật và điều trị sớm. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra cũng có nghiên cứu cho rằng bổ sung thêm can-xi trong chế độ ăn có thể giúp phòng ngừa tiền sản giật.

Tốt nhất, để đảm bảo giảm nguy cơ tiền sản giật xuống mức thấp nhất và sớm phát hiện để đối phó với hội chứng này, mẹ bầu cần:

- Khám thai định kỳ đúng lịch và đầy đủ, bao gồm cả đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu. 

- Xây dựng chế độ ăn uống cần được đảm bảo, ăn đủ dưỡng chất đặc biệt là protein, vitamin D, canxi, omega 3, chất xơ, ăn nhạt.

- Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật khi thai sang tuần 12 - 14. Trường hợp nghi mắc sẽ được chỉ định dùng thuốc dự phòng.

- Uống đủ nước mỗi ngày (từ 2 - 3l nước/ngày).

Ngay khi có những dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật như ở mục 3, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị sớm nhất.

NGUỒN THAM KHẢO:

Preeclampsia - Healthline - 04/09/2018. 

- Preeclampsia - WebMD.

- Everything you need to know about preeclampsia - Medical News Today - 22/12/2017. 

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không, chỉ số thế nào là nguy hiểm?
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không là một trong những điều mà các mẹ bầu đều thắc mắc. Tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm cho mẹ và thai nhi trong...

Hường Cao (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tiền sản giật