Nhà đầu tư chứng khoán tiếp tục lo lắng khi rất nhiều cổ phiếu trên cả 2 sàn đua nhau giảm sàn.
Sàn thành phố Hồ Chí Minh
Phiên phục hồi cuối tuần trước chưa đủ sức củng cố tâm lý nhà đầu tư. Chào tuần mới, hai sàn tiếp tục lao dốc mạnh. Rất nhiều cổ phiếu đua nhau giảm sàn. Nỗi lo lắng bao trùm toàn thị trường khiến nhà đầu tư e dè đặt lệnh mua.Ngay từ đầu phiên, lệnh bán giá thấp, thậm chí giá sàn đã ồ ạt xuất hiện, tràn ngập bảng giao dịch điện tử. Cổ phiếu lớn, cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu tốt, cổ phiếu xấu đồng loạt giảm mạnh. Rất ít mã giao khớp lệnh trong sắc xanh. Có thời điểm, thị trường mất gần 30 điểm.
Tới cuối phiên, tình hình không có nhiều cải thiện. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 25,41 điểm, tương ứng 4,68% và dừng ở mức 517,05 điểm. Mặc dù giảm thê thảm nhưng sàn thành phố Hồ Chí Minh có một điểm lạc quan chính là thanh khoản được cải thiện.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn thành phố Hồ Chí Minh đạt 99.260.848 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.670,628 tỷ đồng, cải thiện so với cuối tuần trước nhưng vẫn khiêm tốn so với phiên “bắt đáy” ngày 8/5. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 4.236.448 cổ phiếu, tương ứng 139,65 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận có 24 mã tăng giá, 16 mã đứng giá và 239 mã giảm giá.
VN30-Index có tốc độ rơi tương tự VN-Index. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/5, VN30-Index giảm 24,61 điểm, tương ứng 4,19% và dừng ở mức 563,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41.981.908 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 977,42 tỷ đồng, đứng ở mức khá cao. Nhóm VN30-Index có 1 mã tăng giá, 0 mã đứng giá và 29 mã giảm giá.
Trong nhóm blue-chip, chỉ có duy nhất 1 mã tăng giá. Đó là MSN. MSN tăng 1.000 đồng/CP lên 91.000 đồng/CP. Trong phiên, có thời điểm MSN giảm xuống 86.500 đồng/CP. Tuy nhiên, dư mua MSN vẫn rất yết ớt. Vì vậy, đà tăng của cổ phiếu này không được đánh giá cao.
Ở chiều ngược lại, rất nhiều blue-chip giảm sàn. Có lẽ, chưa khi nào trong năm nay, số blue-chip đồng loạt giảm sàn lại nhiều đến vậy. FPT mất nhiều nhất khi giảm 3.200 đồng/CP xuống 43.100 đồng/CP, HSG giảm 2.900 đồng/CP xuống 39.100 đồng/CP, CSM giảm 2.500 đồng/CP xuống 34.400 đồng/CP, BVH giảm 2.400 đồng/CP xuống 32.600 đồng/CP, REE giảm 1.600 đồng/CP xuống 22.300 đồng/CP, SSI giảm 1.500 đồng/CP xuống 21.200 đồng/CP,…
Trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, có 24 mã “vượt bão”. Trong đó, 3 cổ phiếu gây ấn tượng khi tăng trần. VSI tăng 500 đồng/CP lên 8.400 đồng/CP, TV1 tăng 900 đồng/CP lên 14.500 đồng/CP, SSC tăng 3.000 đồng/CP lên 52.000 đồng/CP. Khối lượng giao dịch của cả 3 mã này đều ở mức không thể thấp hơn, đạt 10 đơn vị. Đây là khối lượng tối thiểu có thể giao dịch trên thị trường.
Sàn Hà Nội
Sàn Hà Nội thậm chí còn có tốc độ lao dốc mạnh hơn hẳn sàn thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc phiên giao dịch 12/5, HNX-Index giảm tới 3,5 điểm, tương ứng 4,72% và đóng cửa ở mức 70,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 56.965.424 cổ phiếu, tương ứng 505,038 tỷ đồng, cải thiện so với cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 1.457.947 cổ phiếu, tương ứng 14,14 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận 30 mã tăng giá, 17 mã đứng giá và 220 mã giảm giá.
Trong 4 chỉ số chính trên cả 2 sàn, HNX30-Index là chỉ số có tốc độ rơi mạnh nhất. Chốt phiên ngày 12/5, HNX30-Index giảm 9,98 điểm, tương ứng 6,9% và đóng cửa ở mức 134,73 điểm. Khối lượng giao dịch trong nhóm HNX30-Index đạt 41.905.000 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 395,33 tỷ đồng. Không được may mắn như VN30-Index, cả 30 blue-chip trong HNX30-Index đều giảm giá. Không có bất cứ mã nào đứng giá hay tăng nhẹ.
Trong nhóm blue-chip, TCT lao dốc mạnh nhất khi giảm 9.200 đồng/CP xuống 82.800 đồng/CP. Các mã đứng sau TCT về độ mất mát là DXP giảm 4.100 đồng/CP xuống 36.900 đồng/CP, HMH giảm 2.100 đồng/CP xuống 19.700 đồng/CP, DBC giảm 1.900 đồng/CP xuống 17.900 đồng/CP, SD6 giảm 1.300 đồng/CP xuống 11.700 đồng/CP, SD9 giảm 1.100 đồng/CP xuống 10.600 đồng/CP, SDT giảm 1.300 đồng/CP xuống 12.400 đồng/CP.
Toàn sàn Hà Nội có 30 mã tăng giá. Trong đó, có 7 mã tăng trần. BXH tăng 800 đồng/CP lên 9.400 đồng/CP, CTB tăng 2.400 đồng/CP lên 26.600 đồng/CP, DPC tăng 1.000 đồng/CP lên 11.600 đồng/CP, KTT tăng 300 đồng/CP lên 3.500 đồng/CP, PGT tăng 600 đồng/CP lên 6.600 đồng/CP, SAF tăng 3.100 đồng/CP lên 35.000 đồng/CP, SPI tăng 500 đồng/CP lên 6.000 đồng/CP.