Khi hàng Trung Quốc rẻ tiền với ám ảnh chứa hóa chất, kém chất lượng bị người tiêu dùng từ chối thì nhiều doanh nghiệp Việt không sản xuất lại mua sản phẩm của Trung Quốc về dán nhãn Việt để tung ra thị trường.
Theo nhận định của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC), doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước thách thức lớn về sức ép và lỗ hổng trong hệ thống bán lẻ ngay tại thị trường nội địa, DN nào có hệ thống phân phối sâu rộng chiếm được ưu thế trên thị trường.
Ưu thế tuyệt đối độc quyền của một số DN lớn có tiềm lực về tài chính để mở rộng và sâu mạng lưới phân phối, quan tâm đến cách trưng bày tại các điểm bán, bao bì đẹp, truyền thông và có dải sản phẩm rộng ngày càng rõ nét.
Hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác ngày càng phổ biến. Có DN cho rằng mất thị trường và phải phá sản cũng vì bị hàng giả. Đáng quan ngại khi xuất hiện nhiều DN không sản xuất, chỉ mua sản phẩm của Trung Quốc về dán nhãn rồi tung ra thị trường.
Theo bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), việc DN nhập hàng từ Trung Quốc về rồi dán nhãn mác nội để bán không chỉ diễn ra ở mặt hàng thực phẩm tươi sống, mà còn diễn ra ở lĩnh vực sản xuất. Trao đổi với PV Infonet, bà Nga cho rằng đây là lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương).
Đối với người tiêu dùng (NTD), họ ngày càng có tâm lý e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt ở một số sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm, may mặc, nông sản tươi... Nhưng hàng Thái Lan đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này và đã nỗ lực thay thế chỗ trống. Họ gia tăng quyết liệt mức tiếp cận thị trường thông qua việc thâu tóm các hệ thống siêu thị lớn như Metro, BigC, B's mart.... Tổ chức nhiều loại hình tiếp thii sản phẩm nhắm vào tâm lý tiêu dùng sính hàng ngoại của NTD Việt.
Theo ông Trương Công Nghĩa, chuyên viên thuộc Hội DN HVNCLC, kênh phân phối chỉ là khâu cuối ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, còn chính yếu nhất là Thái Lan có quy trình sản xuất hữu hiệu hơn với chi phí thấp và mẫu mã, chất lượng tốt. Hàng Việt Nam còn tồn tại vấn đề không kiểm soát được nguồn hàng, trong khi Thái Lan đã tạo được ngành công nghiệp phụ trợ và chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất.
Ông Nghĩa cũng cho biết khảo sát của Hội DN HVNCLC cho thấy người tiêu dùng miền Bắc và miền Nam có sự khác biệt trong cách lựa chọn hàng hoá. Nếu như NTD miền Bắc tin vào lời truyền miệng thì NTD miền Nam lại tin vào quảng cáo nhiều hơn. Dù phủ hàng tốt, xuất hiện ở những vị trí ưu tiên nhưng NTD vẫn chưa thể thay đổi thói quen mua hàng, đặc biệt là những khách hàng trung thành. Do vậy, làm thị trường vẫn phải có quảng cáo.
Cũng theo kết quả khảo sát, khách hàng nông thôn và bình dân, mạng xã hội chưa phải là kênh thông tin quan trọng ảnh hưởng quyết định mua hàng, dường như họ miễn nhiễm với kênh thông tin online. Tuy nhiên, kênh phân phối chợ truyền thống giảm vị thế do hệ thống siêu thị hút khách, trong khi kênh phân phối cửa hàng chuyên, đại lý, tạp hóa vẫn ổn định nhờ tính thuận tiện.
“Trong một chừng mực nhất định, người Việt vẫn còn thói quen giao dịch trực tiếp. Hệ thống kênh phân phối online có khởi sắc nhưng chưa chiếm ưu thế, người tiêu dùng chỉ tập trung mua sắm trực tuyến nhiều nhất ở các ngành thời trang, mỹ phẩm và đồ điện tử,” ông Trương Công Nghĩa nói.
Bên cạnh lo ngại về hàng giả, thực trạng thực phẩm bẩn cũng đáng báo động, báo cáo cũng cho biết NTD đã không ngần ngại nói lên những e ngại của chính họ, lo ngại lớn nhất là chưa có nhiều sản phẩm sạch thay thế trên thị trường. Thiếu hoặc không có sự lựa chọn dù biết sản phẩm không an toàn (ngành nông sản tươi chiếm 53%, thực phẩm đóng hộp 41%). Lo ngại kế tiếp NTD quan tâm là việc sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, sự chấp nhận của thị trường cần thiết phải song hành cùng chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm HVNCLC được người tiêu dùng nhìn nhận về chất lượng sản phẩm nhưng có không ít DN đảm bảo được chất lượng một cách nhất quán, xứng đáng với NTD.
Báo cáo của Hội DN HVNCLC được thực hiện trong 4 tháng cuối năm 2016 trên cơ sở khảo sát gần 16.000 người trên cả nước.