“Nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam) được quyết định điều chỉnh giá. Các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm”
Đây là thông báo của Văn phòng Chính phủ, kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên.
EVN được tăng giá điện 3-5%. Ảnh minh họa
Trước đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo tại phiên họp của các bộ, cơ quan thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô về vấn đề giá điện, giá dầu và kế hoạch hoạt động thực hiện Quy chế trong năm 2015.
Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình giá cả thị trường để hoàn thiện các phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3.2015.
Bộ Công Thương phải chỉ đạo EVN rà soát, có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, nhất là phải giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và tạo thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian trong tiếp cận điện năng của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm đạt kết quả cụ thể và được công khai rộng rãi ngay trong năm 2015.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều chỉnh giá điện tới đây sẽ là điều khó tránh khỏi. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: Dù giá điện có được điều chỉnh thì mức giá sẽ vẫn thấp hơn giá thị trường và chưa bù đắp hết chi phí tăng lên của EVN.
Ông Phạm Lê Thanh-Tổng giám đốc EVN cũng cho biết, các khoản như lỗ tỉ giá vẫn còn treo 8.800 tỉ đồng, cộng với các chi phí phát sinh từ việc tăng giá than 2 lần, khí, thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng… đến hết năm 2014 gộp lại các chi phí tăng thêm của EVN bước sang năm 2015 đã lên tới gần 17.000 tỉ đồng phải tính vào giá điện.