Trái ngược với xu hướng nhiều thực phẩm có giá rẻ trong thời gian qua, ngoài yếu tố thời tiết có ảnh hưởng đến giá cả thị trường, thì việc điều chỉnh giá xăng dầu từ tối 17/7 lập tức được các tiểu thương lấy làm cớ để tăng giá hàng hóa.
Ngày 18/7, phóng viên Dân Việt khảo sát tại các chợ Thành Công, Thái Hà, Kim Liên (Hà Nội), giá của nhiều mặt hàng rau củ, quả và các loại thịt tăng giá mạnh, thậm chí tăng gấp rưỡi so với những ngày trước.Cụ thể, các loại rau tăng giá từ 1.000-5.000 đồng/loại. Đơn cử, rau muống tăng từ 4.000 lên 5.000 đồng/mớ; rau dền, rau ngót tăng từ 2.500 lên 4.000 đồng/mớ; bí xanh tăng từ 7.000 lên 9.000 đồng/kg...
Một chủ cửa hàng bán hoa quả tại chợ Thành Công cho rằng: “Giá xăng tăng mạnh cũng tác động khiến giá cả thị trường “đội” lên theo để bù vào chi phí vận chuyển và tránh bị lỗ cho nhà buôn”.Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam than thở: “Nhức đầu lắm rồi! Ba lần tăng giá xăng dầu vừa qua đã gây sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp vận tải”.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu từ tối 17/7 lập tức được các tiểu thương lấy làm cớ để tăng giá hàng hóa.
Thực tế hai lần tăng giá xăng dầu trước (ngày 14.6 và ngày 28.6 vừa qua), doanh nghiệp vận tải chưa tăng giá cước song lần này nữa thì bắt buộc phải tăng. Trong công thức tính giá cước vận tải, giá nhiên liệu chiếm 50% giá thành. Như vậy cứ xăng dầu tăng 10 đồng thì cước phải tăng 5 đồng... “Mức tăng như thế nào thì đủ bù vào việc giá xăng tăng?”.
Về câu hỏi này, ông Thanh cho biết: “Tuần tới, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải đàm phán và ký lại với các khách hàng về hợp đồng vận chuyển đối với xe khách liên tỉnh lên bảng giá mới. Lúc đó mới chốt được chính xác mức tăng như thế nào”.
Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đăng Doanh cho biết, việc tăng giá thêm 460 đồng/lít xăng chắc chắn gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý người dân. Yếu tố tác động tới mặt bằng giá chính là yếu tố tâm lý. Thời gian tới nhiều hàng hóa thiết yếu khác cũng có nguy cơ tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 và tháng 8 chắc chắn sẽ cao.