Lần đầu tiên trong hơn 5 năm qua, giá vàng trong nước ngang bằng, thậm chí đã thấp hơn giá vàng thế giới. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường này?
Vàng trong nước rẻ hơn thế giới
Ngày 7/3, giá vàng trong nước đã rẻ hơn giá vàng thế giới quy đổi. Cụ thể, theo tính toán của PV Báo Giao thông, đầu giờ cùng ngày, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới là 1.262,5-1.263,5 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank cùng ngày ở mức 22.325 đồng/USD, giá vàng thế giới tương đương 33,822-33,878 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng SJC niêm yết 33,710-33,960 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá thế giới (chưa bao gồm phí vận chuyển, thuế…), giá trong nước đang thấp hơn 112.000 đồng/lượng giá mua vào và cao hơn chỉ 92.000 đồng/lượng giá bán ra. Ngày 8/3, vàng trong nước rẻ hơn giá thế giới 230.000 đồng/lượng chiều mua vào và 7.000 đồng/lượng chiều bán ra. Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá mua - bán vàng của các doanh nghiệp vẫn khá lớn: 250.000 đồng/lượng, gấp gần 10 lần so với khoảng cách này của giá thế giới là 27.000 đồng/lượng.
Sẽ phải rất lâu nữa thị trường mới chứng kiến cảnh rồng rắn xếp hàng mua vàng như ngày Thần Tài vừa qua - Ảnh: K.Linh
Với diễn biến của thị trường vàng trong mấy ngày gần đây, mãi lực vàng giảm khá mạnh. Đại diện Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho biết, phần lớn khách đang có tâm lý theo dõi để chờ thời điểm bán ra. Thậm chí, lượng khách bán ra trong ngày 8/3 đã tăng thêm 5% so với trước đó.
Chị Quỳnh Trang (phường Kim Mã, quận Ba Đình) vừa bán hết hơn chục lượng vàng để gửi tiết kiệm, cho biết, rất e ngại về rủi ro giá vàng trong thời gian tới. “Thời gian này thị trường lình xình lắm. Mà các doanh nghiệp thay đổi liên tục, lúc thì nâng giá mua vào, lúc hạ giá bán ra không theo giá thế giới khiến người mua không biết đâu mà lần”, chị Trang nói.
Đã hết thời đầu cơ làm giá?
Diễn biến này của thị trường vàng khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: “Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường vàng?”. Nên nhớ lại rằng, trong suốt nhiều năm, giá vàng trong nước luôn giữ một khoảng cách lớn với giá thế giới, có thời điểm lên tới 5-6 triệu đồng/lượng, bất kể cơ quan quản lý vàng là Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách này.
Mang băn khoăn này trao đổi với chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ông cho rằng, giá vàng thế giới tăng mạnh mấy ngày qua là do biến động chính trị, quân sự căng thẳng, giá dầu lao dốc và yếu tố kinh tế Trung Quốc xấu đi. Còn thị trường vàng trong nước, trừ ngày Thần Tài, hầu hết giao dịch khá ảm đạm. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác lại đang hấp dẫn trở lại như bất động sản, ngân hàng đã hút một lượng lớn vốn. Thêm nữa, khi tỷ giá biến động thường đẩy giá vàng trong nước lên. Nhưng hiện tại tỷ giá tương đối ổn định đã có tác dụng ổn định giá vàng. Tất cả những yếu tố này khiến mãi lực vàng giảm mạnh, buộc các DN kinh doanh vàng phải hạ giá giao dịch, kéo gần khoảng cách với giá thế giới.
Với diễn biến này, ông Hiếu nhận định đang khá rủi ro cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Bởi trong thời gian tới, rất khó để dự báo giá vàng thế giới cũng như dự báo mức chênh lệch với giá trong nước. Yếu tố tỷ giá VND/USD hiện ổn định nhưng từ nay tới cuối năm còn phụ thuộc vào quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong bối cảnh đồng nhân dân tệ đang mất giá. “Do đó, mua bán vàng rất rủi ro”, ông Hiếu nói và cho rằng, trong bối cảnh giá vàng lình xình, doanh nghiệp vàng rất khó tạo cầu ảo, làm giá kích thích người dân mua vào.
Có hiện tượng “chảy máu” vàng? Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, giá vàng trong nước khó giảm sâu hơn so với giá thế giới bởi Việt Nam là nước nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, Nhà nước không nhập khẩu vàng nữa nên việc giá trong nước thấp hơn nhiều so với giá thế giới có thể dẫn tới hiện tượng xuất vàng ra khỏi đất nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, khó có khả năng chảy ngược vàng ra khỏi biên giới. “Hiện tuồn vàng lậu ra ngoài không hề dễ. Dễ nhất là con đường xuất lậu qua Trung Quốc nhưng vàng đâu dễ giấu như kim cương”, ông Hiếu nói. Vàng mất giá mạnh Chiều 9/3, vàng SJC còn 33,72-33,97 triệu đồng/lượng, giảm mạnh so với cuối ngày 8/3 là 33,93-34,18 triệu đồng/lượng theo đà giảm sâu của vàng thế giới. Giá biến động mạnh, các doanh nghiệp vàng lập tức nới rộng khoảng cách giá mua vào - bán ra. Theo đó, giá vàng miếng SJC mua vào tương đương giá thế giới quy đổi, song giá bán ra cao hơn 440.000 đồng/lượng. |