Cứ 1kg thịt lợn sề cho 2gram chất phụ gia vào ướp khoảng 15 phút. Cho thịt ướp gia vị ninh trong nửa tiếng, khi thớ thịt nổi vân, màu sắc sặc sỡ, khi ăn vừa đủ độ dai nhưng lại bùi và có mùi vị giống hệt thịt bò Úc, người tiêu dùng sẽ rất khó phân biệt.
Qua tìm hiểu ở các đầu nậu bán chất "phụ gia lợn bò", PV đã nhập vai và truy lùng ra cách thức hô biến thịt lợn sề thành thịt bò và tạo hương vị giống như thịt bò úc để kiếm lời của tiểu thương...
"Phụ gia lợn bò" và chiêu “bỏ của chạy lấy người”
Việc sử dụng gia vị để chế biến các loại thực phẩm đã khiến cho người tiêu dùng hết sức lo lắng. Mới đây nhất, đội 4, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (PC49, Công an TP.Hà Nội), đội Quản lý thị trường số 12 đã kiểm tra kho hàng của công ty TNHH Đầu tư và Thương Mại DONGYANGNONSAN, số 107, đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hơn 150kg phụ gia thực phẩm đóng gói, đó là phụ gia làm mềm thịt bò, thậm chí biến thịt lợn có hương vị như thịt bò úc. Các chuyên gia nhận định rằng, nếu tẩm ướp phụ gia này, thịt lợn sẽ biến màu đỏ, các thớ thịt sẽ giống hệt thịt bò úc và miếng thịt sẽ luôn mềm, dù đun trong nước sôi.
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện doanh nghiệp đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chất lượng sản phẩm. Tất cả lô hàng trên không có tem nhãn phụ, không rõ xuất xứ và hạn sử dụng, nghi là hàng nhập lậu. Theo tiết lộ của đại diện doanh nghiệp, số phụ gia trên được nhập từ Trung Quốc.
Lần theo đầu mối này, chúng tôi đã móc nối các đầu mối để tìm hiểu tại những chợ vùng biên xem các chất "phụ gia lợn bò" được nhập vào Việt Nam như thế nào?
Nhờ có người quen buôn bán ở TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, phóng viên đã "kết nối" được với một đầu nậu tên Hưng, chuyên cung cấp các loại "gia vị Tàu" không nguồn gốc cho các đầu mối ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong vai người bán thịt bò úc đang khan hiếm nguồn thịt bò nhập từ úc vì giá quá đắt, lại thêm tiền thuê mặt bằng, làm ăn không có lãi, tìm mua "gia vị Tàu" để biến thịt lợn thành thịt bò nhằm duy trì cửa hàng.
Lô hàng "phụ gia lợn bò" vừa mới bị lực lượng chức năng bắt giữ tại Hà Nội.
Anh Hưng bảo, sau khi lực lượng chức năng phát hiện số lượng "phụ gia lợn bò" lớn nhập lậu từ Trung Quốc thì những mặt hàng này cũng bị quản lý thị trường Việt Nam phát hiện và cấm buôn bán, sử dụng. Trong một thời gian dài, thương lái Việt Nam không dám nhập về nước. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian, họ lại tìm cách "làm ăn" lại. "ở vùng biên này, không buôn lậu thì lấy gì mà sống, nhưng, buôn mặt hàng này cũng phải kín tiếng một chút. Chất phụ gia này không được bày ra sạp hàng, chỉ khi nào có người hỏi mua thì tiểu thương mới đem ra bán. ông muốn mua bao nhiêu cũng có nhưng phải đặt cọc trước", anh Hưng nói.
Anh Hưng cho biết, mặt hàng này chủ yếu được nhập lậu qua đường tiểu ngạch, nếu bị phát hiện thì "bỏ hàng chạy lấy người". Hàng được tuồn qua cửa khẩu sẽ được tập kết về các chợ ở vùng biên. Một số người đứng ra phân phối và tìm cách tuồn hàng vào nội địa. Trong giới buôn lậu và lực lượng chống buôn lậu có "luật bất thành văn" là không có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hay giấy vận chuyển nhưng vẫn có thể làm ngơ nếu "không quá lộ liễu" và đã có "lệ phí". Anh Hưng tiết lộ, bằng rất nhiều thủ đoạn và phương thức tinh vi, anh đã cung cấp rất nhiều nguồn hàng đến các tỉnh, thành trong cả nước. Những vụ mà lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện mới chỉ "chặt" được một trong rất nhiều "chân rết" buôn bán mặt hàng độc hại này.
Biến thịt lợn sề thành thịt... bò úc
Chúng tôi đã tìm hiểu về tình trạng bán các chất "phụ gia lợn bò" trên thị trường. Theo tiết lộ của những đầu nậu, chúng tôi đã đến các chợ lớn ở TP. Hà Nội như chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân), chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng). Tại một sạp tạp hóa sát chợ Đồng Xuân, chúng tôi gặp chủ quán tên H.. Chị này bảo rằng, "phụ gia lợn bò" đã được bán ở Hà Nội từ rất lâu. Đây là mặt hàng cấm nên việc buôn bán cũng phải rất kỹ càng. Sau một hồi tỉ tê, chúng tôi mới đề xuất ý tưởng muốn hợp tác với chị để mua chất "phụ gia lợn bò" về mở quán phở bò, nhưng trước tiên chỉ mua một ít để dùng thử, dùng tốt, sẽ đặt hàng thường xuyên. Chị H. hí hửng chạy đi một lúc rồi đem về một túi "phụ gia lợn bò". Mỗi gói hương liệu màu nâu sẫm này có giá 150.000 đồng.
Không khó để tìm mua chất "phụ gia lợn bò" trên thị trường.
Chị H. hướng dẫn chúng tôi cách chế biến thịt lợn sề thành thịt bò rất chi tiết. Công đoạn đầu tiên là chọn nguyên liệu. Lý do chọn thịt lợn sề vì thịt nó có màu đỏ và có độ dai giống thịt bò mà giá lại rẻ nên việc kinh doanh sẽ lời rất cao. Thịt lợn sề phải là những tảng thịt mông, vai hoặc tốt nhất là thịt bắp vì nó có thớ dài giống thớ thịt bò. Thái thịt thành bản dày khoảng 5cm. Sau đó bỏ thêm 0,1gram chất maltol (chất tạo màu có trong danh mục phụ gia thực phẩm được sử dụng - PV) nhằm mục đích triệt tiêu mùi đặc trưng của thịt lợn. Cứ 1kg thịt lợn sề cho 2gram chất phụ gia vào ướp khoảng 15 phút. Cho thịt ướp gia vị ninh trong nửa tiếng, khi thịt lợn chuyển sang màu nâu sậm là được. Thịt lợn sề được tẩm "phụ gia lợn bò" sẽ có thớ thịt nổi vân, màu sắc sặc sỡ, khi ăn vừa đủ độ dai nhưng lại bùi và có mùi vị giống hệt thịt bò úc, người tiêu dùng sẽ rất khó phân biệt.
Để thuyết phục chúng tôi mua sản phẩm, chị H. quảng cáo: "Các chủ cửa hàng mua loại thực phẩm này về làm, lời lắm. Chỉ cần mua thịt lợn sề rẻ bèo, sau vài công đoạn phù phép thì sẽ có được miếng thịt bò úc đội giá "lên trời". Theo tiết lộ của chị H. thì không chỉ những quán phở bò, quán nhậu mà ngay cả các nhà hàng sang trọng ở Hà Nội cũng nhập nguyên liệu này để có thịt bò úc cho quý khách sử dụng. "Làm gì có nhiều thịt bò úc cho người Việt Nam sử dụng thế. Giá cả là một đằng, lại thêm tiền vận chuyển, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân viên... Ngay cả những thịt bò có tem, ghi rõ nhãn mác, xuất xứ cũng có thể được phù phép chứ đừng nói mấy khay thịt bò trong tủ lạnh mà người bán hàng nói là thịt bò úc. Chỉ bán thịt bò úc chính gốc thì lỗ nặng", chị H. tỏ ra sành sỏi.
Theo thạc sỹ Hải Yến, bộ môn Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch, đại học Bách khoa Hà Nội thì: Công nghệ "hô biến" thịt lợn thành thịt bò bằng một số chất phụ gia thực phẩm tạo màu, tạo mùi, tạo vị đã xảy ra. Sau khi tẩm ướp các loại phụ gia vào thịt lợn sề sẽ tạo nên sản phẩm rất khó phân biệt so với thịt bò. Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến cáo rằng, sử dụng phẩm chứa màu tổng hợp có thể gây dị ứng, hen suyễn, ung thư bàng quang, thậm chí tạo mầm bệnh cho não.
Trước thực trạng nạn gia vị bẩn nhức nhối như hiện nay, cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị chức năng phải tăng cường giám sát, kiểm tra và xét nghiệm mẫu ngẫu nghiên tất cả các loại mặt hàng gia vị. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.
Muốn hương vị thịt thú rừng cũng có (!?) Anh Hưng cho biết: Bên cạnh "phụ gia lợn bò" thì "gia vị Tàu" nhập lậu từ Trung Quốc còn có các loại phụ gia biến gà thải thành gà Mạnh Hoạch; biến thịt chó thành thịt cầy rừng và một số loại hương vị thịt hươu, nai, hoẵng. Gói "phụ gia thịt cừu", giá khoảng gần 200.000 đồng; phụ gia biến thịt chó thành thịt cầy hương; thịt lợn sữa thành thịt nai, hươu... giá gần 300.000 đồng/gói. |