Năm 2014: Người tiêu dùng tiếp tục 'thắt chặt hầu bao'

Ngày 10/02/2014 14:57 PM (GMT+7)

Năm 2013, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến hàng tồn kho gia tăng, sản xuất đình trệ. Trong khi đó, năm 2014 tiếp tục được dự báo, kinh tế sẽ phục hồi chậm, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt hầu bao.

Nói không với hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền

Ngay khi vừa “ăn” xong Tết Giáp Ngọ, chị Đào Thúy Anh ở phố Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội đã bàn với chồng lập kế hoạch chi tiêu cho năm 2014. “Đồng tiền vào vẫn rất khó khăn, hai vợ chồng cùng công chứ Nhà nước, chưa biết làm thêm gì để có thêm thu nhập. Vì vậy, hai vợ chồng  sẽ phải tiết kiệm hơn để trả nợ và phòng thân khi cha mẹ già ốm đau rồi con nhỏ thuốc thang”.

Theo đó, chị Thúy Anh gạch đi một loạt các nhu cầu mua sắm của phái nữ như quần áo, giày, váy, túi xách, mỹ phẩm. “Chỉ mua sắm những thứ thiết yếu, không quá vung tay. Đặc biệt, trước kia có thể mua cái váy từ 2-3 triệu đồng, thì trong năm nay sẽ nói không với hàng hiệu đắt tiền. Ngay cả mỹ phẩm tôi cũng giảm đáng kể, từ mỹ phẩm cao cấp xuống dùng mấy hãng phổ thông, mức tiền vừa phải. Cũng tiết kiệm được khá nhiều đấy”.

Nói rồi chị Thúy Anh lôi từ trong túi xách ra chiếc điện thoại Samsung dáng gập và nói như chứng minh: “Ăn Tết xong, chiếc điện thoại Iphone 4S dở chứng hỏng. Bàn đi tính lại, chẳng dám bỏ ra đến gần chục triệu mua một chiếc Smartphone khác, nên tôi đã chọn ngay chiếc điện thoại cùi bắp này. Chồng phân tích mãi, lướt mạng thì dùng Ipad, điện thoại chỉ để nghe và gọi, vì vậy mua cái chừng năm trăm ngàn đến một triệu là được rồi”.

Năm 2014: Người tiêu dùng tiếp tục #039;thắt chặt hầu bao#039; - 1

 Năm 2014, hàng hóa bình dân vẫn chiếm lĩnh thị trường

Năm 2013, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính đạt 2.618.000 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này của năm 2013 tăng 5,6% trong khi năm 2012 tăng 6,5%. 

Cả người dân và doanh nghiệp đều được chứng kiến không khí Tết Nguyên đán 2014 ảm đạm hơn nhiều so với những năm trước. Và ngay sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, mọi hoạt động của các cơ quan, công sở đã trở lại nhịp điệu thường ngày, các hoạt động vui chơi, du lịch, lễ hội dường như cũng trầm lắng hơn.

Sức mua tương đương 2013

Theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu của người dân có tăng thì mới kích thích sản xuất phát triển. Và sản xuất phát triển mới tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từ đó lại kích thích tiêu dùng, mua sắm.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khá dè dặt trong việc đánh giá triển vọng tiêu dùng của năm 2014. Ông cho biết: “Nhìn vào Tết Giáp Ngọ 2014 thì thấy sức mua thấp. Đây là biểu hiện của năm cũ nhưng là mầm mống, tín hiệu của năm mới. Sức mua năm nay còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô 2014. Theo tôi, khó có khả năng bứt phá”.

Vị chuyên gia này cho rằng năm nay, chỉ một số đối tượng tiêu dùng sẽ chi tiêu “nhỉnh” hơn năm ngoái, nhưng mức chênh lệch không nhiều. Đa số còn lại vẫn trong thế cầm cự của năm 2013 bởi kinh tế thế giới cũng phục hồi chậm, sản xuất trong nước còn nhiều khó khăn.

Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi chậm theo kinh tế thế giới.

“Theo điều tra mới đây, lương công chức mới có 60% người lao động đủ sống, 40% lao động còn lại bao giờ đạt mức đủ sống để tái sản xuất sức lao động giản đơn, chưa nói đến tái sản xuất mở rộng cho bố mẹ, con cái?

Tôi được biết, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, lượng hàng bán ra của thương nhân bên ngoài bằng 60% năm ngoái, của doanh nghiệp Nhà nước có thương hiệu bằng 85% năm ngoái. Ngay ngày mở hàng mồng 6 Tết, có siêu thị chỉ đón 6 khách/ngày”, ông Phú phân tich.

Vì vậy, theo nhận định, năm 2014, tốc độ lưu chuyển hàng hóa phấn đấu bằng năm 2013 là đáng mừng. Nếu có gia tăng thì nguyên nhân là tăng cơ học, thêm nhân khẩu chứ tăng do người tiêu dùng chịu nới hầu bao thì khó. Người dân vẫn có xu hướng tiết kiệm vì việc tăng thêm thu nhập cũng rất khó.

Vợ chồng chị Nguyễn Hoài Thu ở Trần Duy Hưng đang sở hữu một quán ăn trên phố Trần Duy Hưng cũng cho rằng, cả năm 2013, lượng khách đến ăn uống giảm rõ rệt.

“Phải đến những tháng cuối năm, từ tháng 11 âm lịch của năm 2013, lượng khách mới thấy đông hơn, nhưng thái độ chi tiêu cũng rất cầm chừng. Năm nay, cũng chưa thấy tín hiệu khấm khá hơn”, chị Hoài Thu bày tỏ. Cũng bởi vậy, quán ăn của vợ chồng chị, nghỉ từ ngày 28 tháng Chạp đến tận ngày 10-2 mới mở cửa khai trương.

Hải Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan