Rất nhiều sai phạm đã được phát hiện khi kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất bánh trung thu, trong đó có những cơ sở dùng thùng sơn bẩn để đựng nguyên liệu.
Hiện đang là mùa cao điểm sản xuất và tiêu thụ bánh trung thu, vì thế việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng này vô cùng quan trọng. Chính vì thế, Bộ Y tế đã có nhiều động thái tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất bánh trung thu trong đợt cao điểm này.
Điển hình trong những hành động đó là việc Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác tiến hành kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm (ATTP) tại làng nghề xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Trong buổi kiểm tra nay, đoàn công tác đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo đó, tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Ngọc Khánh xã La Phù, khi đoàn kiểm tra đến cơ sở này đang sản xuất bánh, nhưng khi đoàn kiểm tra yêu cầu xuất trình hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu thì cơ sở đã không thể xuất trình và có những lý giải kiểu đối phó.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra nguyên liệu trong thùng sơn cáu bẩn
Còn tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Tân Hoàng Gia, cũng thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức, đoàn kiểm tra phát hiện các nhân viên đóng bánh không mặc đồng phục, không đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay... Khi thấy xuất hiện đoàn kiểm tra đến các nhân viên mới chạy tán loạn mặc đồ và đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó quá trình đóng gói sản phẩm của cơ sở sản xuất bánh kẹo Cổ phần thực phẩm Tân Hoàng Gia lại đặt trực tiếp xuống mặt đất, không sử dụng bàn ghế ngồi đóng sản phẩm. Không những vậy, những nguyên liệu làm bánh được đựng trong 1 thùng đựng sơn, nhìn bằng mắt thường cũng thấy mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Sở Công thương, Chi cục quản lý thị trường lập danh sách các cơ sở, các hộ kinh doanh sản xuất bánh kẹo trên địa bàn thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra tổng thể, xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm.
Thứ trưởng Long cho biết, để giải quyết được vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và mùa trung thu nói riêng, bên cạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa đồng thời phải có kiểm tra, giám sát, biện pháp mạnh là xử lý nếu các cơ sở không chấp hành.
Theo ông Long, để tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Bởi vậy, bộ máy chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Trước đó, ngày 10 tháng 8 năm 2016, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành kế hoạch về việc triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2016.
Theo nội dung Kế hoạch, Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP phân công các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các ngành thành viên Ban chỉ đạo tham gia 06 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.