Thực phẩm bẩn tràn lan đang là mối lo ngại không bao giờ cũ đối với người Việt.
Đạo đức kinh doanh: Quá xa xỉ
Nhìn những hình ảnh thực phẩm được làm từ thịt thối không ít độc giả phải thốt lên “Trơi ơi thật kinh khủng... Người giết người. Lương tâm để ở đâu”. Theo độc giả Lưu Khánh than thở: “trời ơi tại sao con người lại đối xử với nhau còn độc ác hơn loài dã thú như vậy?”
Cho rằng đạo đức kinh doanh hiện nay đã trở thành thứ qua xa xỉ, độc giả Phạm Hiền bức xúc: “Trời đất! Thật kinh khủng vì đồng tiền, vì lợi nhuận người Việt Nam đang tự hại mình’. Cái gọi là "đạo đức kinh doanh” trở thành một thứ quá xa xỉ. Đừng đổ lỗ cho chính sách, đừng đổ lỗi cho cơ quan chức năng, đừng đổ lỗi cho nguồn gốc hàng bẩn từ Trung Quốc. Mà hãy nhìn lại những người xung quanh mình, đang sống cùng chúng ta ấy.”
“Chả trách dân ta bị ung thư ngày càng nhiều. Sáng ra ăn bắt phở đầy đủ chất độc, nước tương, tương ớt hoá chất độc hại, thêm giá đỗ có chất tăng trưởng nữa. Nên phạt nặng, tước quyền kinh doanh vĩnh viễn những ai vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng ăn, đồ thực phẩm”. độc giả Taka Tommy viết.
Đặc sản dê từ thịt đã bốc mùi.
Làm trong ngành thực phẩm, một độc giả bày tỏ: “Mình cũng là người làm thực phẩm, nếu muốn tồn tại lâu dài cần phải có chữ đức và chữ tín. Mình ăn được hãy mang cho người khác ăn chứ thế này không ổn....thất đức quá.”
Độc giả kaneko bức xúc: “Thử hỏi mọi người rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng thịt ôi thiu bày bán tràn lan,và tái chế biến như vậy là từ đâu,trách nhiệm thuộc về ai? Luật pháp đâu hả? Các cơ quan quản lý hằng ngày đi làm,vậy họ đã và đang làm gì mà để các tình trạng này cứ xảy ra như vậy. Người bị thiệt vẫn là người dân thôi.”
Cùng chung quan điểm, độc giả Nguyen Thi Song Van viết: “Cán bộ VSATTP chỉ đánh trống khua chiêng mỗi năm khi đến tháng hành động VSATTP hoặc các dịp trung thu, lễ tết; kiểm tra theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, ném đá ao bèo... Thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm thối cứ đưa hoài mà chẳng thấy cơ quan chức năng xủ lý dứt điểm... Chẳng lẽ chấp nhận sống chung với thực phẩm bẩn”.
Nhiều bộ vẫn không quản nổi đồ bẩn
So sánh hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn với tội buôn bán ma túy, một độc giả lên tiếng: “Cần phải có mức xử phạt cao nhất với hành vi này, bởi như chúng ta biết thì tang trữ buôn bán ma túy đầu độc cả một thế hệ thì mức án là tử hình, còn buôn bán thịt thối cũng có khác gì đầu độc người dùng. Ma túy vẫn có nhiều người có thể tránh xa được chúng nhưng buôn bán đồ ôi thiu hỏng mốc phân hủy là rất khó. Đây là bữa ăn thiết thực hàng ngày, người ta lừa người tiêu dùng bằng cách nhúng tẩm ướp những chất độc hại để người tiêu dùng ko biết. Vì vậy cẩn phải có một mức xử phạt cao nhất đối với hành vi này”.
Nhiều độc giả có chung quan điểm là trước mắt chưa giải quyết được vấn nạn này thì chúng ta nên tự lo cho bản thân, quay lại thời tự cung tự cấp.
Món khoái khẩu chân gà nướng từ đồ đã phân hủy, bốc mùi.
“Lại quay về thời kỳ ngày xưa thôi, tự cung tự cấp, tự trồng lấy mà ăn, tự nuôi gia cầm gia súc thôi, chứ đi mua ngoài chợ đồ sống cũng không yên tâm được nữa rôi!”; “Mọi người rủ nhau mua thịt..thực phẩm về tự làm rồi ăn ở nhà cho lành. Tốt hơn hết là tự nuôi lấy thịt luôn. Vậy thì bọn người buôn bán bất nhân đó hết cửa để làm bậy, làm bậy và không ai mua vậy nên họ sẽ chừa.” bạn hoadaquy viết.
Trong khi đó, theo nhiều bạn đọc: “Việc dùng thực phẩm bị ô nhiễm, dẫn đến bị ung thư, chết người là có thật. Đến các bệnh viện bây giờ mà xem, ngày càng nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh ung thư, thật là quá tải. Theo Luật ATVSTP, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương được chỉ định quản lý mâm cơm của người dân nhưng với thực tế hiện nay thì nhiều bộ mà dân vẫn ăn đồ bẩn".
N.Anh