Xăng dầu giảm giá, hàng hóa “neo” cao

Ngày 24/11/2014 08:31 AM (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay đã có 10 lần giảm giá xăng dầu, với mức giảm tổng cộng 5.390 đồng/lít (xăng A92).

Với mức giảm giá khá lớn này, người tiêu dùng kỳ vọng, giá hàng hóa sẽ giảm theo, tuy nhiên những dịch vụ, hàng hóa chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp từ giá xăng dầu vẫn chưa có biến động tương ứng.

Cố thủ chờ… Tết

 

Chịu tác động nhiều nhất bởi giá xăng dầu là dịch vụ vận tải, taxi, song sau thời gian dài chần chừ giữ giá cũng đã đồng loạt giảm cước. Như tuần qua đã có 50 hãng giảm cước, tuần tới sẽ có tiếp 50 hãng khác. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa ô tô Hà Nội, mức giảm cước được đa số các hãng đã hoặc dự kiến giảm là 500 đồng/km, cá biệt có hãng giảm khá sâu như Mai Linh, khoảng 1.000 - 2.000 đồng/km.

Sau nhiều lần điều chỉnh giảm giá xăng, người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ việc giảm giá dịch vụ đường sắt, hàng không, còn lại phần lớn các dịch vụ, hàng hóa khác vẫn cố thủ giữ giá cao. Trong khi đó, qua 10 lần điều chỉnh giảm giá, giá xăng đã giảm tổng cộng 5.390 đồng/lít (xăng A92). Tuy nhiên, điều đáng nói là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu từng vin vào giá xăng dầu để tăng giá với lý do chi phí vận chuyển tăng, như thịt, cá, rau xanh, đồ khô… vẫn giữ nguyên mức giá cũ.

Khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại các chợ đầu mối, chợ lẻ tại Hà Nội cho thấy, các tiểu thương vẫn “cố thủ”. Họ cho rằng thời điểm hiện tại khó giảm giá vì Tết Nguyên đán đang đến gần. “Giá chỉ bứt phá theo chiều tăng chứ không giảm, giữ giá được thời điểm này là do cầu vẫn thấp”, chị Nguyệt - bán hàng khô ở chợ Đồng Xuân cho hay. Còn với các mặt hàng thực phẩm khác như thịt lợn sấn các loại vẫn ở mức 85.000 đồng/kg; thịt bò 250.000- 260.000 đồng/kg; gà ta 130.000 đồng/kg; gà công nghiệp 80.000 đồng/kg…

Xăng dầu giảm giá, hàng hóa “neo” cao - 1

Rau xanh đã giảm giá nhưng không có căn nguyên từ giảm giá xăng dầu. Ảnh: M.H

Bà Hà Thị Thủy, chủ sạp bán thịt ở chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: “Từ trước đến nay, thời điểm này thường không có chuyện giảm giá vì gần đến Tết Nguyên đán. Theo quy luật thì bây giờ sẽ là thời điểm giữ giá để tăng giá vào thời điểm cận Tết”.

Với các loại rau, củ, quả chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Bảy (xã Minh Khai, huyện Hoài Đức) cho hay: “Thời gian gần đây thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt nên nguồn cung rất dồi dào. Nhiều luống đến vụ thu hoạch vẫn chưa tìm được mối sỉ để bán. Nhiều gia đình không muốn để quá lứa thu hoạch, hoặc muốn bán để trồng lứa khác đã giảm giá. Theo đó, giá rau ở chợ cũng rẻ đi, không liên quan đến việc xăng dầu giảm giá”.

Cố tình “ăn gian” với người tiêu dùng

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong thời gian vừa qua là khá chậm, doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ độ trễ này. Phần thiệt vẫn thuộc về người tiêu dùng. Việc điều chỉnh giảm chậm này cần phải xử lý nghiêm để làm gương nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Cũng theo ông Doanh, để việc giảm giá luôn diễn ra kịp thời cần có sự can thiệp khẩn trương của các cơ quan chức năng như cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính, Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương hay cơ quan của Bộ GTVT…

Đồng quan điểm với TS Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh giá bán những mặt hàng từng vin theo xăng để tăng giá thường chỉ được áp dụng đối với kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Trên thị trường tự do vẫn rất khó quản.

Cũng theo ông Hùng, doanh nghiệp, thương nhân, tiểu thương khôn ngoan là biết chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng trong những hoàn cảnh thuận lợi. Động thái giảm giá kịp thời cũng là cách rất tốt để chiếm được tình cảm của người tiêu dùng. Điều này sẽ được người tiêu dùng “ủng hộ” nhiều hơn, mà trong thời điểm cần giảm, đơn vị, tiểu thương nào lấy được thiện cảm của người tiêu dùng nhiều nhất là đơn vị, tiểu thương đó dễ giành thắng lợi trên thị trường. Ông Hùng cũng chia sẻ, hãy nghĩ đến hàng triệu người tiêu dùng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong việc “gồng mình” chia sẻ mỗi khi xăng, dầu tăng giá, thì khi giá xăng giảm, doanh nghiệp cũng phải biết “cúi xuống”, chia sẻ quyền lợi với người tiêu dùng.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, lẽ ra khi cước phí vận tải bắt đầu giảm, giá các loại hàng hóa từ mớ rau cho đến quả trứng cũng sẽ giảm theo, làm ngược lại chính là một hình thức ăn gian đối với người tiêu dùng.

Có giảm giá cũng không do xăng dầu

Một số loại nông sản giảm giá như các loại gạo giảm từ 200- 300 đồng/kg. Tuy nhiên, theo giải thích của các tiểu thương thì việc giảm giá này không có căn nguyên từ giảm giá xăng. Hay như bà Phạm Thị Lại, chủ đại lý gạo phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội lý giải: “Vừa mới thu hoạch vụ lúa mùa, nguồn cung dồi dào, giá lúa nhập vào cũng đã giảm từ 100.000- 150.000 đồng/tấn. Theo đó, giá gạo cũng đã được điều chỉnh giảm tương đương”.

Theo Mai Hạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot