Cây dâu tây sẽ là một gợi ý ngọt ngào cho các đức lang quân đang đau đầu không biết tặng gì cho vợ yêu trong ngày 20/10.
Cách trồng dâu tây
Với những cây con, khi đưa về nhà, bạn có thể chuyển vào chậu để cây sinh trưởng tốt hơn, cầm bầu cây dốc ngược và tháo bầu ra rồi đặt cả bầu đất vào chậu sau đó phủ đất lên. Hàng ngày tưới, duy trì độ ẩm, bón phân cho cây. Cây con trong điều kiện chăm sóc sát sao và đúng cách thì tối thiểu tầm khoảng 2 đến 4 tuần là có thể cho hoa.
Dốc ngược và tháo vỏ bầu ra rồi đặt cả bầu đất vào chậu cây sau đó phủ đất lên.
Đất trồng dâu thường có sẵn khi chuyển cây giống từ Đà Lạt ra. Trong trường hợp khác thì bạn có thể tự làm đất để thay và bón thêm khi cần. Có thể dễ dàng tạo giá thể trồng cây bằng cách trộn lẫn xơ dừa với đất hữu cơ (đất cung cấp mầu còn xơ dừa có tác dụng giữ ẩm). Đất tự làm này đảm bảo độ ẩm, độ mùn cần thiết và có chất dinh dưỡng rất cao.
Dâu tây ưa ẩm nhưng dễ bị úng, nên dùng loại đất thoát nước tốt và chậu có lỗ thoát nước. Hơn nữa, cây dâu tây nên trồng cố định và không nên thay đất vì rễ dâu dễ bị sứt, hỏng khi chuyển chậu.
Rễ dâu tây dễ bị sứt khi di chuyển nên bạn nên trồng cố định, không thay đất.
Chăm sóc dâu tây mới trồng
Quan trọng nhất trong chăm sóc dâu là ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Lúc nào cũng phải duy trì độ ẩm khoảng 60% trở lên. Nhiệt độ lí tưởng là dưới 25 độ (mùa đông miền bắc, mùa hè cũng phải dưới (35 độ).
Bên cạnh đó, nơi trồng dâu phải có mái che, lưới đen giảm nắng, đầy đủ hệ thống phun nước. Tưới cây hằng ngày vào sáng sớm và chiều tối, duy trì độ ẩm cần thiết. Mùa hè ở miền Bắc vô cùng khắc nghiệt nên cần phải hết sức tránh nhiệt độ quá cao trực tiếp chiếu thẳng vào cây. Còn mùa này thời tiết khá lí tưởng nên việc chăm sóc cho dâu cũng đỡ vất vả hơn.
Đảm bảo đủ nhiệt độ, độ ẩm và lượng nước cần thiết thì cây dâu sẽ phát triển nhanh và khỏe mạnh
Khác với dâu trồng ngoài ruộng, đất trong chậu sau một thời gian sẽ bị thoái hóa nên phải thường xuyên cung cấp chất dinh dưỡng bằng cách bón phân định kì, từ 7 – 10 ngày bón một lần.
Trong giai đoạn chưa ra hoa (giai đoạn phát triển) thì nên dùng NPK (hóa học tổng hợp) để bón. Trung bình mỗi lần bón từ 5 – 10 viên. Chú ý bón xa gốc cây tầm 5 phân, nếu bón gần có thể bị xót cây và cây dâu dễ chết. Không hòa nước tưới mà nên bón trực tiếp phân vào đất. Đến giai đoạn ra hoa thì chuyển sang dùng phân bón hữu cơ, vẫn bón xa gốc và bón tầm 10 viên.
Nhớ bón phân định kì và phân loại phân bón cho từng quá trình phát triển của cây
Khi cây có quả, tránh để quả tiếp xúc trực tiếp với đất bằng cách trải một lớp nilon lên mặt đây nơi đặt châu cây. Lúc này, kiến hoặc chuột thường gặm quả non nên chú ý một vài biện pháp như bọc lưới quanh gốc cây để tránh côn trùng phá hoại.
Bảo vệ quả dâu khỏi côn trùng khi dâu đã ra quả.
Mỗi cây dâu có tuổi thọ tối đa là 3 năm, sau đó chúng sẽ trở nên già cỗi và phải thay thế bằng gốc dâu. Vào mùa xuân, không khí ẩm ướt dễ sâu bệnh, khi trồng dâu tây ở miền Bắc thường bị chết vào thời gian này nên cần phải chú ý chăm sóc đề phòng nhiều hơn.
Bác Khôi (Mai Động, Hoàng Mai) là một người đã có kinh nghiệm trồng dâu trông chậu nhiều năm cho biết trong trường hợp ban công của một số gia đình không có mái che thì phải “chạy cây”.
Trước khi nắng lên, vào khoảng 10h, 11h bạn phải đặt cây ở chỗ khác mát mẻ hơn. Chiều tối lại bỏ cây ra ngoài. Nếu bạn là người cẩn thận thì có thể đặt cây con vào thùng xốp, rồi để lên trên một tấm vải cho hơi ẩm từ vải bốc lên làm tăng độ ẩm, rất tốt cho cây. Một bí quyết quan trọng nữa là khi cây non ra lứa hoa đầu tiên, nên ngắt bỏ đi vì cây đang quá nhỏ, chưa đủ khỏe để nuôi quả. Một thời gian sau, đợi cây phát triển cứng cáp thì mới mới để hoa cho ra quả.
Với những lời khuyên vô cùng hữu ích của anh Đức cũng như qua chia sẻ của những người giàu kinh nghiệm, bạn còn chần chừ gì nữa mà không chọn ngay một cây dâu đáng yêu để tạo sự bất ngờ rất đỗi ngọt ngào cho vợ mình trong ngày 20/10.