“Hồi mới trồng hoa mình bị gắn biệt danh mụ khùng đầu ngõ, Tây Ninh nắng cháy da mà hoa với chả hoét! Giờ lại được khen là gái đảm của xóm. Đấy, em có khùng đâu, chỉ là vượt chướng ngại vật ngoạn mục thôi mà”.
Đó là những chia sẻ thú vị của chị Vũ Hương (32 tuổi) ở Tây Ninh trong một Diễn đàn dành cho những người yêu hoa hồng.
Là người rất yêu hoa, đặc biệt là hoa hồng nên chị Hương luôn ấp ủ trồng thật nhiều loài hoa này trước sân, giúp cả gia đình thư giãn mỗi khi mệt mỏi. Tháng 7.2017, chị Hương bắt tay cải tạo khoảng sân rộng 10m2 để trồng hoa.
Trước đó, cả xóm chị chưa ai trồng nhiều hoa hồng như vậy. Khí hậu Tây Ninh nắng gắt nên không ít lần chị Hương bị mọi người cứ cười và gọi vui là “bà khùng” bởi bỏ tiền triệu rước mấy gốc hoa về chơi, không biết chăm nó chết lại tiếc tiền. Dù vậy, chị Hương vẫn quyết chí theo đuổi đam mê.
Hoa hồng là loài hoa đẹp kiêu kỳ, vốn được mệnh danh là nữ hoàng của các loại hoa nên cách chăm sóc nó cũng không hề đơn giản. Chẳng thế mà chị Hương đã một lần ngậm ngùi nhìn cây hoa hồng “ra đi không một lời từ biệt”.
Chị Hương kể lại: “Hồi đó mình đặt cây tận Thái Nguyên, vì bầu đất to mình phải chọn gửi thường để giảm chi phí vận chuyển nên kết quả là tới 7 ngày hoa mới về tới. Khi xé thùng hàng ra hai vợ chồng mình cảm thấy buồn và hụt hẫng vô cùng vì cành héo hết, trên cây không còn một chiếc lá nào. Đợt đó mình mua 4 cây nhưng đành để cây Red Eden ra đi mãi mãi”.
Sau kỉ niệm nhớ đời ấy, chị Hương đã phải lật tung Google để tìm hiểu cách trồng và cách chăm sóc. Thật bất ngờ khi 15 ngày sau cây dần hồi phục, những mầm mới đã bắt đầu nhú ra. Sau 28 ngày thì lứa hoa đầu tiên đã xuất hiện đẹp hơn cả mong đợi.
Không còn làm theo cảm tính, chị Hương bắt đầu suy nghĩ để quy hoạch lại không gian và trồng hoa một cách bài bản. Vườn không rộng lắm nên chị trồng hồng leo để tiết kiệm diện tích, đồng thời chọn các giống như Spririt, Golden Celebration, Charles Daiwin, hồng cổ Hải Phòng, Pomponnella hay Kent.... thích hợp với khí hậu miền Nam nắng quanh năm.
Chị Hương cho biết, muốn hồng ra hoa thì cần làm cho cây bật mầm. Khi cây mới về cần xử lý cây trước và tưới dưỡng cây hai ngày liên tiếp sau đó bắt cây chịu hạn 2 ngày. Cách này có thể hơi mạo hiểm nhưng tới khi gặp nước thì cây sẽ ra mầm mập từ gốc.
Ngoài xử lý cây thì đất trồng, phân bón và hướng để đặt hoa cũng là các yếu tố quan trọng.
“Dù hạ thổ hay trồng chậu mình nói không với đất thịt mà mua phân trộn sẵn ngoài vựa kiểng về tự trộn theo tỷ lệ 50-20-10-10-10 (xơ dừa, phân bò hoai mục, trấu sống, tro bếp và vỏ lạc). Bên cạnh đó, mình bón phân hữu cơ cá vàng hay trùn quế 2 lần/tháng, phân bón lá 1 lần/tháng để cho cây xanh tốt.
Khi cây có mầm 10 ngày thì tiếp tục bổ sung NPK để kali nuôi mầm hoa, giúp cho màu sắc đẹp hơn. Ngoài ra, nếu bạn chăm chỉ có thể tìm mua các loại phân có hàm lượng đạm cao bón cho hoa mỗi tháng 1 lần cũng rất tốt.” – Chị Hương chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa hồng của mình.
Không phụ công chăm sóc của chủ nhân, vườn hồng đủ sắc màu của gia đình chị Hương phát triển rất tốt, mang vẻ đẹp quyến rũ đầy mê hoặc khiến ai trông thấy cũng phải xuýt xoa ngắm nhìn.
Ngoài hoa hồng, chị Hương xen kẽ thêm hoa hồng anh, ngũ sắc... các loại cây có hoa rực rỡ như dừa cạn, mai thái, mua rừng để khu vườn thêm sinh động và gần gũi với thiên nhiên.
Những người hàng xóm trước kia còn ngờ vực thì giờ đây cũng thích vườn hoa nhà chị Hương và ghẹo chị là “người nông dân trồng hoa”. Chồng và các con chị rất hào hứng, mỗi khi rảnh là lại giúp chị bắt sâu, tưới nước.
Chị Hương hạnh phúc khi vườn hoa hồng không chỉ là nơi thư giãn, giúp không gian thêm xinh đẹp mà nó còn góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình.
Cùng chiêm ngưỡng thêm một số hình ảnh vườn hoa hồng của gia đình chị Vũ Hương: