Nhìn là phát hiện ngay cây cảnh gắn keo nhờ những cách này, tránh tiền mất tật mang

Ngày 10/02/2018 05:16 AM (GMT+7)

Nếu quả trên cây đều tăm tắp thì dứt khoát có sự sắp đặt bởi quả cây tự nhiên không bao giờ có thể đều và đẹp toàn bộ, thông thường sẽ có chỗ sai hay thưa quả.

Cuối năm, đặc biệt là giáp Tết, nhu cầu mua cây cảnh về trang hoàng nhà cửa tăng cao. Cũng vì thế mà thị trường cây cảnh trở nên nhộn nhịp, tấp nập người mua, người bán hơn ngày thường và đương nhiên giá cả cũng tăng cao.

Lợi dụng mức tiêu thụ này, nhiều tiểu thương đã làm giả các bộ phận của cây cảnh như gắn hoa, quả, lá vào cây một cách rất tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng. Trong đó, cây cảnh được gắn kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", cắm hoa của cây này vào thân cây khác, hay trên một cây lại gắn giả nhiều loại hoa với màu sắc rực rỡ rất phổ biến.

Không những vậy, người bán còn sử dụng thủ đoạn còn tinh vi hơn, “treo đầu dê, bán thịt chó”, tức là sử dụng keo 502 để gắn thêm quả, hoa,... khiến cây xum xuê, đầy hoa, trái mang đi bán với giá đắt đỏ.

Nhìn là phát hiện ngay cây cảnh gắn keo nhờ những cách này, tránh tiền mất tật mang - 1

Giáp Tết là thời điểm nhu cầu mua cây cảnh về trang hoàng nhà cửa tăng cao. (Ảnh minh họa)

Một năm trước đây, anh Nguyễn Văn Lập (Đông Anh, Hà Nội) đã từng ngã ngửa khi mua phải cây sung thế xum xuê quả được gắn bằng keo con voi 502.

“Nhìn cây sung thế đẹp, quả sai trĩu trên thân, tôi mê mẩn. Phải nói, quả sung là thật nên tôi không nghi ngờ. Ai ngờ một ngày quả héo hết, những miếng keo kết nối chùm sung với cây dần lộ ra. Đó là bài học đầu tiên của tôi khi mua cây cảnh chơi Tết”, anh Lập kể lại.

Chị Nguyễn Thị Tuyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng từng bị lừa khi mua hoa hải đường gắn nụ. Chia sẻ về lần mua cây cảnh trong dịp Tết nhớ đời này, chị Tuyền cho biết, trên đường về quê vì thấy xe hoa đi đường đẹp nên chị đã dừng lại mua với giá 150 nghìn/cây.

Hí hửng khi mua được cây hoa đẹp, giá phải chăng nhưng nào ngờ về nhà chị phát hiện nụ hoa được gắn vào các cành, không phải nụ hoa tự nhiên của cây.

“Lúc đó, nhìn cây trơ trọi chỉ còn lá xanh, nụ hoa hải đường hồng tươi trước đó nằm chỏng chơ dưới nền nhà, tôi vừa bực vừa trách bản thân không để ý kỹ. Nghĩ mua rẻ nào ngờ lại thành ra mua đắt”, chị Tuyền cho biết.

Anh Lập và chị Tuyền chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp từng “khóc dở, mếu dở” khi là nạn nhân của những thủ đoạn kinh doanh tinh vi, chỉ cần bán một lần cho khách. Vậy trong dịp Tết này, làm thế nào để phân biệt và lựa chọn cây cảnh thật cho gia đình mình, tránh những chiêu lừa đảo trên thị trường cây cảnh?

Theo ông Đăng Văn Đông – Phó viện trưởng, Viện nghiên cứu rau quả, để lựa chọn được cây cảnh thật, tránh những chiêu trò làm cây giả tinh vi, mọi người cần lưu ý 4 điều quan trọng sau:

Thứ nhất, nhìn bên ngoài, cây, hoa và quả tương ứng kích thước, sự phân bố.

Thứ 2, mức độ phát triển của cây quả đồng đều nhau không, nên nghi ngờ những cây phát triển cằn cỗi nhưng quả phát triển mạnh.

Thứ 3, kiểm tra chỗ phân cành, quả.

Thứ 4, tin tưởng mua chỗ có bảo hành.

Nhìn là phát hiện ngay cây cảnh gắn keo nhờ những cách này, tránh tiền mất tật mang - 2

Cây sung là biểu tượng cho sự sung mãn, tròn đầy nên cây sung rất được người Việt ưa chuộng trồng làm cảnh. Tuy nhiên, nhiều cây sung được làm giả bằng cách gắn keo 502. (Ảnh minh họa)

Cũng chia sẻ thêm về vấn đề chọn mua cây cảnh, đặt biệt là sung cảnh hiện nay, ông Đông cho biết, mọi người cần phải chọn sao cho cây và quả cân xứng với nhau bởi rất hiếm trường hợp cây nhỏ, ra nhiều chùm hoa, chùm quả.

“Một cây sung nhỏ sai quả nhưng quả phải nhỏ bởi sức sinh trưởng của quả phải tương ứng với sức sinh trưởng của cây. Mọi người phải nhớ rằng cây và quả luôn tỉ lệ thuận, cây phải to thì quả mới to, cây nhỏ sẽ cho quả nhỏ”, ông Đông chia sẻ.

Bên cạnh đó, mọi người nên chú ý vào sự phân bố quả ở trên cây. Nếu quả đều tăm tắp thì dứt khoát có sự sắp đặt bởi cây tự nhiên không bao giờ có sự phân bố rất đều và rất đẹp, thông thường sẽ có chỗ sai hay thưa quả.

Tiếp theo, mọi người nên để ý bên trong từng vết quả, chỗ cuống quả bởi cuống khi được phân ra tự nhiên sẽ khác khi được gắn vào, và dù thủ đoạn kinh doanh có tinh vi đến đâu cũng sẽ có dấu vết, chỉ cần để ý kỹ.

Với những người không tinh ý và không có nhiều kinh nghiệm nên mua ở những nơi tin tưởng, có bảo hành, không nên mua hàng rong bởi cây bị héo là điều kiêng kị trong những ngày Tết của người Việt Nam.

Nhìn là phát hiện ngay cây cảnh gắn keo nhờ những cách này, tránh tiền mất tật mang - 3

Để tránh mua cây hoa hải đường giả, gắn nụ, mọi người cần kiểm tra kỹ trước khi bỏ tiền mua. (Ảnh minh họa)

Nói về cách phân biệt và chọn cây hoa hải đường được chị em yêu thích lựa chọn để bài trí ngày Tết, ông Đông cho biết thêm: “Cây hoa hải đường cũng là một cây hay bị làm giả. Tuy nhiên, với cây hoa hải đường vết ghép nụ nhìn dễ hơn.

Khi nhìn thấy hiện tượng làm giả, mọi người phải thương lượng với người bán và chấp nhận ngắt một bông hoa để xem xét. Theo tôi, thà mất một bông hoa còn hơn mua phải cả một cây giả”.

Còn theo ông Đào Mạnh Hùng, chủ trang trại hoa, cây cảnh Thăng Long tư vấn, trước khi mua hoa hay cây cảnh trang trí nhà cửa dịp Tết, mọi người nên hỏi người bán tên cây, sau đó tìm kiếm trên mạng hình ảnh thật rồi so sánh với cây được bán.

Mách chị em mẹo bẻ cành, cạo vỏ để chọn được cành đỗ quyên ngủ đông chuẩn đẹp
Những cây hoa đỗ quyên ngủ đông được để lạnh khoảng 30 ngày sẽ không hồi phục được, thậm chí không được ra hoa, lá, gây thiệt hại cho người mua hoa.
Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cây cảnh Tết