Bạn nên thường xuyên cắt bỏ lá bị hư để cây phát triển tốt.
Hoa hồng, được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa, luôn là một trong những loài hoa được nhiều chị em ưa trồng nhất trong vườn nhà. Hiện nay, bên cạnh các giống hồng ta, các giống hồng ngoại cũng du nhập vào Việt Nam. Bài đầu tiên trong loạt bài về hoa hồng sẽ hướng dẫn bạn cách trồng và chăm sóc hoa hồng - áp dụng cho cả hồng ta lẫn hồng ngoại.
Hoa hồng ngoại Heritage của anh Thanh Sơn
Hoa hồng cổ Sapa của chị Thảo ở Hà Giang
Cách trồng và chăm sóc hoa hồng trồng chậu
1. Trồng hoa hồng vào chậu
Chuẩn bị:
- Chậu: Chậu trồng có đường kính khoảng 35cm, cao 30cm là phù hợp nhất để trồng hoa hồng giúp cây vừa thoát nước tốt cũng như phát triển bộ rễ đầy đủ.
- Đất: trộn chung đất Tribat và đất trồng Sông Gianh. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng các loại đất trồng khác dễ kiếm, miễn sao đảm bảo đủ 3 điều kiện: tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt.
Đất Tribat mịn, nhẹ, tơi xốp; có thành phần chính là xơ dừa trộn với các chất dinh dưỡng. Do vậy, thành phần dinh dưỡng không cao vì sau một vài lần tưới nước, chất dinh dưỡng sẽ trôi đi hết.
Đất Sông Gianh phù hợp với những cây khỏe và ưa nước vì lượng đất sét trong đất khá nhiều. Tuy vậy, đất Sông Gianh chứa nhiều chất dinh dưỡng vì trộn nhiều trấu hun.
- Phân bón: phân NPK hoặc phân vi sinh
- Cây giống
Thực hiện
- Cho một lớp than hoa rồi đến xơ dừa to ở dưới đáy chậu. Lớp này giúp tạo độ thoáng làm thoát nước nhanh khi tưới, nhưng lớp xơ dừa giữ nước ở đáy chậu giúp cây vượt qua mùa hè nắng nóng.
- Trộn đều đất Tribat và đất Sông Gianh theo tỉ lệ khoảng 50:50. Lúc này, bạn cũng trộn luôn phân bón với tỉ lệ khoảng 1/4 - 1/3 so với đất trồng. Các bạn chú ý đảo đều tay sao cho đất càng đều càng tốt. Muốn đất xốp hơn, bạn cũng có thể trộn thêm trấu để cây phát triển nhanh hơn.
- Lớp đất đầu tiên cho vào chậu, bạn nên ấn tay để lớp đất chặt. Lớp đất thứ hai chỉ cần cho vun vào chậu.
- Trồng cây vào chậu và đổ thêm đất vào sao cho bao chùm toàn bộ rễ. Lớp đất cao cách miệng chậu khoảng 4-5cm là phù hợp.
- Sau khi trồng xong, bạn có thể bón thuốc kích rễ. Khi bón thuốc, chú ý đọc hướng dẫn để biết liều lượng phù hợp cũng như bón xa gốc khiến cây không bị xót.
- Khi cây còn quá bé, chỉ tưới thật đẫm lần đầu rồi chờ khoảng vài ba tuần, cho khi thấy đất thật khô mới tưới tiếp. Nếu đất quá ẩm, cây dễ bị úng và không ra rễ.
- Để cây ra góc thoáng và chỗ có nắng vừa phải.
Hoa hồng son của chị Ngọc (Hà Nội)
2. Chăm sóc hoa hồng
- Thường xuyên cắt bỏ lá hoa hư. Đối với hoa đã nở nên cắt bỏ, khi cắt cần cắt bấm ngọn thêm hai tầng lá để tạo cho cây hoa Hồng có sức đâm nhánh mới. Khi đó, từ mỗi đầu nhánh đó sẽ cho ra những nụ hoa mới.
Hoa hồng đổi màu của chị Thảo ở Hà Giang
- Lúc cắt phải đếm từ dưới chỗ bánh tẻ lên (chỗ đầu cành) chừa 3 lá. Cắt chừa lại 3 lá. Nhánh hồng còn lại sẽ ra những chồi mới. Trong quá trình chăm sóc, chú ý tỉa bớt những nhánh xấu để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa cho nhánh khỏe.
Hồng leo của chị Thanh Lê ở Đồng Nai