Khu sân thượng của gia đình chị Mai vỏn vẹn 15m2 nhưng có gần 30 chục chậu trồng rau các loại.
Trước đây, nhiều lần chị Mai ở Thanh Hóa có dịp đi ngang qua những ruộng rau thấy người nông dân phun quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu độc hại. Thêm vào đó, xem trên báo đài, TV đều nghe rất nhiều về thuốc kích thích tăng trưởng được dùng cho rau ruộng khiến gia đình càng thêm lo sợ. Nhiều hôm mua rau ngoài chợ về, cho vào tủ lạnh mà mới một ngày rau đã nhũn chảy cả nước ra. Sau nhiều lần mắt thấy tai nghe, gia đình chị Khánh Mai quyết định bắt tay vào tự trồng rau sạch tại nhà.
Khu vườn rau bắt đầu được nhen nhóm vào cuối năm 2014 với ý tưởng dọn dẹp khu sân thượng tầng 2 phía sau nhà để trồng các loài rau ăn hàng ngày. Thời gian đầu, gia đình chi khoảng 2.5-3 triệu tiền vật tư gồm chậu, thùng xốp, giò treo, đất, phân bón và hạt giống. Còn lại khoảng sân thượng chỉ cần vệ sinh lại một chút cho sạch bụi bẩn, mạng nhện và rêu xanh là đã sẵn sàng để biến thành vườn rau tại nhà.
Qua giai đoạn chuẩn bị là đến lúc bắt tay vào thực hiện. Lúc đầu, việc tự trồng rau tại nhà cũng không suôn sẻ ngay được vì chị chưa nắm rõ cách gieo hạt, lượng nước tưới, cách bắt sâu,..Do vậy, rất nhiều hạt không nảy mầm, rồi nếu có thì khi lớn lên lại bị úng rễ, sâu ăn. Cứ trồng đi, trồng lại, chị cũng rút ra được cho mình kha khá kinh nghiệm. Đến nay, cả khoảnh sân rộng vỏn vẹn 15m2 nhưng trồng được khá nhiều rau như cải canh, cải chíp, mồng tơi, rau đay, rau muống, rau dền, mướp, dưa chuột, đậu cove, đậu đũa, cà chua bi, rau ngót, các loại cây gia vị,....
Khu vườn rau lúc mới bắt đầu
Sau hơn 8 tháng chăm trồng, trong khu vườn sân thượng giờ có khoảng 25 chậu nhựa và gần chục cái thùng xốp trồng rau
Để chăm sóc được khu vườn rau tươi tốt, hàng ngày chị Mai phải dậy từ lúc 5h30 để tưới nước, bắt sâu. Cứ đi đi lại lại khoảng 30-45 phút với đống rau xanh, chị coi như mình vừa vận động, vừa hít thở không khí trong lành của buổi sáng sớm. Trong ngày, chị hay tranh thủ thời gian trống tiết để tạt về nhà chăm sóc vườn vì trường dạy ở ngay cạnh. Chiều về, chị tưới nước và chăm rau thêm một chút. Có những hôm nhiều sâu quá thì lại chong đèn bắt sâu. Vất vả là vậy nhưng chị Mai chẳng bao giờ thấy mệt, thấy nản vì nghĩ đến những bữa cơm ngon lành cho chồng, cho con.
Ngày hè nóng nực, chị đặt ngược chai nước vào chậu để nước chảy giỏ giọt cho đất luôn đủ ấm, không héo rau
'Rèm treo' mùng tơi xanh mướt mắt còn có tác dụng chắn nắng làm mát không gian nhà phía trong
Vì diện tích không rộng lắm nên gia đình chị Mai bố trí các loại chậu vuông và hệ thống giò treo thẳng đứng để tiết kiệm tối đa diện tích.
Chậu nhựa để trồng rau ăn lá, còn thùng xốp để mình trồng các loại rau cần nhiều đất như mướp, dưa chuột, bầu, bí
Thùng xốp không đục lỗ ở đáy thùng mà chỉ ở xung quanh. Lỗ xiên từ trên xuống để thoáng khí và không trôi đất
Chị hay trao đổi kinh nghiệm với các bạn trong hội trồng rau hoặc hỏi kinh nghiệm một số người quen làm nông nghiệp
Rau cải khó chăm nhất vì đúng là phải 'vạch lá tìm sâu'. Có những hôm chị phải soi đèn vào buổi đêm để sâu ngoi lên và dùng tay bắt từng con một.
Rau mất một tháng rưỡi từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch. Sau lứa đầu, chị có thể tỉa lá ăn dần
Diện tích hẹp nhưng rau vẫn phát triển tốt nhờ dùng đất nhiều dinh dưỡng.
Thông thường chị mua đất màu rồi bón thêm phân trùn quế.
Cứ sau khi kết thúc một vụ, chị lại bón thêm phân để cho vụ mới
Chồng chị cũng giúp lo và tìm hiểu cách pha đất trồng cây hộ vợ nên cũng đỡ phần nào.
Chị Mai còn trồng gối vụ để đảm bảo luôn có đủ rau cho gia đình.
Thi thoảng, chị còn hái rau mang sang biếu hàng xóm, đồng nghiệp để mọi người cùng thưởng thức