Để xây dựng sự tự tin cho trẻ, điều quan trọng là tạo ra những cơ hội thử sức với những nhiệm vụ phù hợp khả năng.
Khi nuôi dạy con cái, điều quan trọng nhất là hỗ trợ lớn lên theo đúng bản chất của trẻ. Tuy nhiên, nhiều bậc bố mẹ không tin vào khả năng của con và vô tình tước đi cơ hội phát triển.
Điển hình nhất là 5 hành vi này, bố mẹ tưởng là tốt nhưng thực tế lại làm cạn kiệt tiềm năng của con.
Lo liệu thay trẻ mọi việc
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng mọi thứ được sắp xếp sẵn là đang yêu con. Thực tế, điều này có thể đang làm hại trẻ. Khi bố mẹ quan tâm quá nhiều đến đời sống cá nhân, đó là dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng vào khả năng và sự độc lập của trẻ. Ví dụ, khi trẻ 4 tuổi muốn giúp quét nhà, nhưng mẹ cho rằng trẻ không thể quét nhà sạch sẽ nên không để con làm việc đó.
Hay khi trẻ muốn tự mình làm mọi việc, cho thấy khả năng tự chủ đang bắt đầu nảy mầm. Đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển, nơi trẻ học hỏi về trách nhiệm và sự độc lập.
Nếu chúng ta chú ý đến việc trẻ sẵn sàng “tự làm mọi việc” và giảm bớt độ khó của nhiệm vụ theo khả năng (ví dụ, để trẻ dọn khu vực đồ chơi trong khi mẹ dọn khu vực khác), trẻ cảm nhận được niềm vui, khám phá được chiều sâu của việc “làm mọi việc một cách độc lập”.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc kích hoạt hệ thống bản năng và khoái cảm VTA (ventral tegmental area) của não sẽ nuôi dưỡng một bộ não có động lực cao. Khi trẻ cảm thấy thành công trong việc hoàn thành nhiệm vụ, sẽ có xu hướng muốn thử nghiệm, khám phá nhiều hơn, từ đó hình thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Điều này tạo ra một không gian an toàn, nơi trẻ có thể tự do thể hiện bản thân và khám phá khả năng của mình mà không sợ bị chỉ trích. Khi trẻ cảm thấy được tin tưởng, sẽ có thêm quyết tâm và động lực: “Con muốn tự mình làm”.
Quá nhiều lệnh (hoặc hướng dẫn)
Bố mẹ truyền tải nhiều mệnh lệnh “Con nên…”, “Con phải…”, “Đừng làm vậy”, “Làm cái kia thì có lợi, sao con không nghe lời”... thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện hàng ngày, như một cách để thể hiện sự quan tâm và mong muốn bảo vệ trẻ khỏi những sai lầm.
Tuy nhiên, việc này có thể gây ra áp lực không cần thiết và khiến trẻ cảm thấy bị kiểm soát. Bố mẹ thường nghĩ rằng chỉ dẫn của mình sẽ giúp trẻ tránh khỏi những rủi ro và thất bại, nhưng thật ra, dễ dẫn đến những hậu quả ngược lại.
Nếu bố can thiệp quá nhiều, đưa ra quá nhiều chỉ dẫn, trẻ thực sự sẽ trở nên ngoan ngoãn nhưng đồng thời sẽ mất đi tính tự chủ và khả năng suy nghĩ độc lập. Khi trẻ quá quen với việc làm theo sự hướng dẫn của người khác để giải quyết mọi việc, không thể tiến về phía trước khi cần phải đối mặt với những thử thách. Sự phụ thuộc vào ý kiến và chỉ dẫn của người khác làm trẻ cảm thấy kém tự tin, không đủ khả năng tự quyết định.
Hơn nữa, việc can thiệp liên tục khiến trẻ phát triển tâm lý sợ hãi thất bại. Nếu trẻ cảm thấy rằng mọi quyết định của mình đều phải được sự chấp thuận của bố mẹ, có thể từ bỏ việc thử nghiệm và khám phá, dẫn đến sự thiếu sáng tạo.
Vì vậy, đừng can thiệp vào trẻ vì sự thuận tiện hay giả định mà hãy hỗ trợ, giúp đỡ khi cần. Hãy cho phép trẻ tự do khám phá, học hỏi từ những sai lầm và thất bại.
Bố mẹ truyền tải thông điệp “Mẹ nghĩ con có thể làm được” sẽ giúp trẻ cảm thấy được tin tưởng và có giá trị.
Không để trẻ có cơ hội giúp bố mẹ
Giúp đỡ người khác, tận hưởng nhiều cảm giác thành tựu nhỏ và trải nghiệm giá trị của việc được cần đến có thể mở rộng các kỹ năng, nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ.
Nếu chú ý quan sát, sẽ nhận thấy có giai đoạn trẻ đặc biệt thích giúp đỡ bố mẹ trong công việc. Trẻ hăng hái tham gia vào việc dọn dẹp, nấu ăn hay chăm sóc cây cối. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng trẻ còn nhỏ nên không cần làm việc gì.
Khi bố mẹ không muốn để trẻ hỗ trợ, trẻ sẽ không chủ động giúp đỡ, thậm chí không cảm thấy có trách nhiệm hay liên quan đến những việc trong gia đình. Điều này không thể trách trẻ, bởi vì quyền tự chủ đã bị phá hủy ngay từ khi nhen nhóm. Nếu trẻ không được giao nhiệm vụ hay không có cơ hội để thực hành, sẽ dần mất đi động lực, niềm hứng thú trong việc giúp đỡ.
Khi trẻ bày tỏ muốn giúp đỡ bố mẹ, miễn là không có nguy hiểm, hãy để trẻ làm điều đó. Bố mẹ cần kết hợp khả năng hiện tại, hạ thấp ngưỡng nhiệm vụ hoặc đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và cụ thể.
Ví dụ, nếu mẹ nhờ trẻ giúp đánh trứng, trước tiên có thể thực hiện một quy trình như sau: “Đập trứng như thế này, sau đó tách lòng trắng và lòng đỏ cho vào bát, và cuối cùng dùng đũa khuấy đều.”
Áp đặt ý tưởng cho trẻ
Những mong muốn thường xuất phát từ tình yêu thương và khát khao muốn con thành công, nhưng đôi khi, trở thành áp lực vô hình khiến trẻ cảm thấy bị gò bó.
Lâu dần khiến trẻ mất đi cơ hội suy nghĩ và hành động độc lập, tạo ra căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình. Khi bố mẹ không nhận ra rằng mỗi đứa trẻ đều có những sở thích, đam mê và khả năng riêng, sẽ cảm thấy không được tôn trọng và dần dần trở nên chán nản.
Hay đặt áp lực lên trẻ, chẳng hạn, bố mẹ cho rằng người biết nhảy thường tự tin, tao nhã nên dù trẻ không thích, bạn vẫn nhất quyết cho con theo học. Dù với ý định tốt, nhưng áp lực này khiến trẻ cảm thấy mình không có quyền quyết định về cuộc sống.
Những hành vi này sẽ giam cầm suy nghĩ, làm suy yếu tiềm năng của trẻ. Trẻ sẽ không dám thử nghiệm, khám phá và phát triển những sở thích riêng, thay vào đó chỉ làm những bố mẹ mong muốn. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân, dẫn đến những vấn đề về tâm lý trong tương lai, như lo âu, thiếu tự tin, trầm cảm.
Thúc ép trẻ làm những việc vượt quá khả năng
Nhiều bậc phụ huynh đẩy con về phía trước với tâm lý vội vàng, mong muốn trẻ phát triển nhanh chóng và đạt được thành công sớm. Nhưng thực tế, chính sự thúc ép vô tình làm trì hoãn.
Ví dụ, trẻ đi học được yêu cầu nhận biết chữ cái, đếm hay thậm chí viết, thì việc trẻ có thực sự thích học hay không cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên, ở độ tuổi đang chơi đùa, nếu ép trẻ làm những việc vượt quá khả năng, điều đó sẽ chỉ làm mất đi sự tự tin.
Việc ép trẻ vào những khuôn khổ chưa sẵn sàng gây áp lực, tạo cảm giác thất bại, khiến trẻ cảm thấy rằng không đủ giỏi hoặc không có khả năng.
Để xây dựng sự tự tin cho trẻ, điều quan trọng là tạo ra những cơ hội thử sức với những nhiệm vụ phù hợp khả năng. Khi trẻ hoàn thành những nhiệm vụ này, dù là nhỏ bé, sẽ cảm thấy tự hào và có sự xác nhận về khả năng của bản thân.
Hãy để trẻ thử sức với những việc khó hơn, ví dụ, tham gia vào việc nấu ăn đơn giản, như trộn bột hoặc gọt trái cây, để trẻ cảm nhận được niềm vui và sự hào hứng khi thấy thành phẩm do chính tay mình làm ra.