Ngày nay, vấn nạn bắt cóc trẻ em vẫn chưa có chiều hướng suy giảm. Bố mẹ nên làm gì để bảo vệ con an toàn?
Xã hội ngày một phát triển, kéo theo sự rối loạn trong trật tự đời sống của tất cả chúng ta. Bên cạnh những giá trị tích cực trong cộng đồng, vẫn còn một số cá nhân xấu, gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống xã hội, chẳng hạn như bọn nghiện ngập, trộm cướp và đặc biệt, hồi chuông cảnh báo đối với những gia đình có trẻ nhỏ, đó là mối đe dọa đến từ bọn bắt cóc trẻ em.
Mặc dù, các biện pháp phòng tránh đã được thiết lập trong cộng đồng, tuy nhiên chúng vẫn tung hoành với tần suất khá dày. Sự tồn tại của những bọn bắt cóc trẻ em, đã gây nên sự hoang mang và lo lắng tột độ đối với các ông bố bà mẹ, thậm chí có những đứa trẻ đã để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng trong ký ức tuổi thơ.
Gần đây các tờ báo Trung Quốc đồng loạt đưa tin một vụ án bắt cóc trẻ em đã xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Một đứa trẻ 4 tuổi tên A Thất được bà ngoại phát hiện đã biến mất, sau khi bà đi làm về thì không nhìn thấy cháu đâu. Lúc này, bố mẹ đang đi làm ăn xa của A Thất nhận được tin báo từ bà nên đã lập tức báo cảnh sát.
May mắn thay, sau khi cảnh sát địa phương khẩn trương giải quyết vụ án, đứa trẻ đã được giải cứu ở khắp bốn tỉnh. Nhưng điều khiến nhiều người phẫn nộ, tên tội phạm hóa ra là một người dân ở chung làng với cô bé, một người quen của gia đình, người đã bán đứa trẻ với giá 60.000 nhân dân tệ (Khoảng 200 triệu VND), và cuối cùng đã được đưa ra công lý.
Tình trạng bắt cóc và buôn bán trẻ em vẫn luôn là mối nguy hiểm tồn tại xung quanh cuộc sống. Nhưng nhiều bố mẹ đã lơ là, chủ quan vì chưa bao giờ nghĩ điều đó sẽ xảy ra với con mình và khi nó thực sự xảy ra, sự thức tỉnh của bố mẹ lúc bấy giờ đã quá muộn màng.
Dựa trên tình hình của vấn nạn và những hậu quả đã khiến bao gia đình tan nát, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho bố mẹ trong vấn đề giáo dục trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Đồng thời, cảnh tỉnh bố mẹ phải chủ động hơn để có thể bảo vệ con an toàn.
Dạy trẻ cảnh giác với người lạ
Trẻ nhỏ vốn chưa có chiều sâu về nhận thức, nên trong một số trường hợp sẽ không phân biệt được đúng “bản chất” tốt xấu của những người mà trẻ tiếp xúc. Hầu hết đứa trẻ nào cũng thích được tặng quà, cho tiền hoặc bánh kẹo. Những thứ này có thể dễ dàng thu hút trẻ, khiến trẻ sẵn sàng “cởi bỏ lớp phòng vệ” để nhận lấy. Lúc này là thời điểm “chín muồi” để bọn bắt cóc thực hiện hành vi vô đạo đức của mình.
Để tránh tình huống đáng tiếc trên xảy ra, bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cảnh giác với người lạ. Chẳng hạn như khi ai đó không quen biết cho trẻ đồ ăn, đồ chơi hoặc muốn đưa trẻ đến trực tiếp cửa hàng để mua cho trẻ một thứ đồ trẻ thích, trẻ nên biết cách nói câu từ chối.
Trong trường hợp, chúng sử dụng biện pháp tinh vi hơn để lừa một đứa trẻ đang lạc mất mẹ ở công viên, với lời hứa sẽ dẫn trẻ đi tìm mẹ. Lúc này, tâm lý sợ hãi và mong muốn tìm được mẹ ở trẻ đã “che lấp” nhận thức, vì vậy tỉ lệ trẻ đồng ý đi theo kẻ bắt cóc là rất cao. Cách tốt nhất là khi trẻ còn quá nhỏ và nhận thức còn chưa hoàn thiện, bố mẹ nên hạn chế để trẻ một mình.
Bố mẹ hãy dạy trẻ biết nói từ chối đối với những lời dụ dỗ ngon ngọt của người lạ.
Dạy trẻ đừng đặt niềm tin quá lớn vào những người xung quanh
Điều khiến trẻ dễ tổn thương tâm lý nhất, đó là người trẻ tin tưởng và dành sự yêu thương, nhưng vẫn sẵn sàng làm hại trẻ. Bởi vì trong suy nghĩ ngây thơ và non nớt của hầu hết trẻ nhỏ, ở bên cạnh những người thân quen với mình sẽ tuyệt đối an toàn. Vậy nên, trẻ sẽ không một chút phòng bị, ngược lại còn nới lỏng về nhận thức và kỹ năng an toàn.
Làm thế nào để bảo vệ con mình không bị tổn thương bởi những người xung quanh cũng là một bài toán khó, đòi hỏi sự chung sức của cha mẹ và con cái. Các bậc bố mẹ cần cảnh giác hơn nữa, truyền cho con cái tư tưởng an toàn là trên hết, ngoại trừ cha mẹ của chính mình, đừng quá tin tưởng những người xung quanh .
Ngoài ra, đối với những đứa trẻ ngoan được bố mẹ dạy về lòng tốt, biết giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, nếu cơ hội xảy đến với trẻ ngay trước mắt, trẻ sẽ lập tức thực hành theo lời dạy của bố mẹ. Nhưng trẻ đâu ngờ rằng, những kẻ bắt cóc lại lợi dụng điều đó để trục lợi cho hành vi sai trái của bản thân.
Tất nhiên, việc trẻ giúp đỡ người trong lúc hoạn nạn là đức tính tốt cần được khuyến khích, nhưng bố mẹ hãy dạy trẻ đừng đi một mình nếu không có người lớn bên cạnh. Nếu rơi vào âm mưu của kẻ xấu, trẻ nên được dạy kỹ năng xử lý linh hoạt như kêu cứu hoặc chạy vào đám đông.
Bố mẹ nên cho trẻ biết, ngoại trừ bố mẹ thì đừng tin người khác quá nhiều, kể cả người quen.
Cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng, diễn tập thực tế về phòng chống tội phạm
Nếu chỉ dạy trẻ kiến thức trong sách vở ở vấn đề này, là chưa đủ. Trẻ cần được bố mẹ tạo điều kiện để trải nghiệm và thực hành thực tế. Như vậy, trẻ mới có thể hình dung được chuẩn xác vấn đề và từ đó rèn luyện được các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân.
Bố mẹ có thể đề xuất trường học của trẻ tổ chức các lớp kỹ năng, các buổi diễn tập, chẳng hạn như diễn kịch cùng thầy cô và bạn bè trong lớp về các tình huống xảy ra bắt cóc trẻ em. Khi trẻ được tham gia sâu hơn vào vấn đề, nhận thức của trẻ sẽ càng rõ ràng và “túi khôn” của trẻ cũng sẽ được tích lũy ngày càng rộng ra.
Sự thật là, bố mẹ không phải lúc nào cũng trở thành vệ sĩ của trẻ mọi lúc mọi nơi. Việc bố mẹ tăng cường cảnh giác trong quá trình chăm sóc con cái là đúng, nhưng muốn làm tốt vấn đề này thì cần phải có sự kết hợp giữa cả bố mẹ và con cái.
Bố mẹ chỉ có thể đảm bảo an toàn cho trẻ trong một giới hạn nhất định, bởi vì không ai khác ngoài chính bản thân trẻ, mới có khả năng tự bảo vệ mình tốt nhất.
Cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng mềm là cách hiệu quả để giáo dục trẻ trong vấn đề này.