Theo các chuyên gia, hành vi của bố mẹ là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là chỉ số EQ.
Bố mẹ là người gần gũi, trực tiếp chăm sóc trẻ trong suốt khoảng thời gian từ khi trẻ sinh ra cho đến khi trưởng thành. Vì vậy, bố mẹ đóng vai trò quan trọng và có sự tác động mạnh mẽ đến trẻ cũng là một điều rất dễ hiểu.
Mọi lời nói, hành động, cử chỉ,... của bố mẹ đều sẽ nằm trong tầm quan sát của trẻ. Đó là lý do vì sao bố mẹ cần phải vô cùng cẩn trọng trong những vấn đề này.
Gia đình chị Tử Yên (Trung Quốc) đang sống cùng cô con gái 6 tuổi tên là Đình Đình, khi Đình Đình cùng mẹ tham gia một hoạt động ở trường, cô bé đã bất ngờ nói một câu khiến cho mặt người mẹ bỗng “đỏ bừng”.
Cụ thể, cô giáo của Đình Đình đã hỏi tất cả học sinh một câu là “Hành vi nào của bố mẹ khiến em không hài lòng nhất?” Ngay lập tức, Đình Đình đã tỏ vẻ giận dỗi và nói “Bố mẹ chưa bao giờ rủ con chơi đấu vật cùng vào ban đêm!” Chị Tử Yên khi nghe câu trả lời từ con gái đã ôm mặt xấu hổ.
Thì ra, một lần khi chị cùng chồng “ân ái” đã vô tình để Đình Đình “phát hiện”. Người bố lúc đó đã mượn một lời nói dối để giải thích tạm với Đình Đình rằng họ đang chơi đấu vật. Tuy nhiên nhiều lần sau đó, Đình Đình vẫn thường xuyên “chứng kiến” việc bố mẹ “chơi trò đấu vật” trong phòng, nhưng chưa bao giờ cho cô bé “tham gia” cùng. Vì vậy mà Đình Đình cảm thấy rất khó chịu và giận dỗi với hành động này của bố mẹ.
Trên thực tế, có rất nhiều ông bố bà mẹ đã mắc sai lầm khi để trẻ chứng kiến những hành vi mà trẻ không nên nhìn thấy. Bởi vì đối với mỗi đứa trẻ, bố mẹ là tấm gương để trẻ noi theo. Điều này đồng nghĩa với việc, hành vi của bố mẹ là thước đo cho sự phát triển về mặt tính cách của trẻ.
Trẻ vẫn chưa có đủ khả năng để có thể nhận thức được những điều nên và không nên học tập từ bố mẹ. Chính vì lẽ đó, bố mẹ sẽ là những người cần phải cân nhắc và điều chỉnh hành vi sao cho đúng đắn, phù hợp khi ở trước mặt trẻ.
Thể hiện sự thân mật quá mức
Tâm lý và tính cách của trẻ sẽ phát triển theo hướng tích cực nếu được nuôi dạy trong một gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương nhau. Việc bố mẹ thể hiện tình cảm trước mặt trẻ là một điều nên làm. Tuy nhiên, có một vài hành vi mà bố mẹ cần hạn chế để trẻ “nhìn thấy”.
Ở lứa tuổi tò mò, trẻ sẽ có khả năng tìm tòi, học hỏi và bắt chước rất nhanh. Vậy nên bố mẹ không nên mang tư tưởng rằng trẻ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, vì thế mà bố mẹ có thể tự do nói những câu chuyện tế nhị, riêng tư.
Thậm chí, còn để trẻ chứng kiến những hành động gần gũi quá mức. Điều này sẽ vô tình ảnh hưởng đến quá trình hình thành nên tính cách, lối sống của trẻ.
Cãi nhau, dùng vũ lực
Những cuộc cãi vã của bố mẹ, tuyệt đối không nên được bộc phát trước mặt trẻ. Hành vi này không những tạo cho trẻ tâm lý sợ hãi, mà thậm chí còn khiến cho trẻ bị tổn thương.
Đôi khi vô tình trong những cuộc cãi vã, bố mẹ sẽ sử dụng những từ ngữ khiếm nhã. Việc trẻ nghe thấy và bắt chước sẽ khiến cho việc định hình tính cách của trẻ trong tương lai bị lệch lạc.
Ngoài ra, điều tối kỵ nhất chính là bố mẹ sử dụng vũ lực trước mặt trẻ. Thực tế, có rất nhiều đứa trẻ bị tổn thương tâm lý nặng nề, dẫn đến bệnh trầm cảm, tự kỷ vì phải chứng kiến cảnh bố mẹ sử dụng vũ lực. Đó là nguyên nhân vì sao bố mẹ không nên giải quyết vấn đề bằng vũ lực trước mặt trẻ.
Điều này sẽ không chỉ làm cho việc giáo dục trẻ càng trở nên khó khăn, mà bố mẹ còn làm mất đi “hình ảnh” tốt đẹp của bản thân trong mắt con cái.
Bố mẹ cãi nhau trước mặt con cái sẽ gây nên những ảnh hưởng tâm lý cho trẻ.
Nói xấu, chửi bới người khác
Trên thực tế, rất nhiều bậc bố mẹ đã không “dè chừng” mà sử dụng những lời nói nặng nề để chửi bới hay nói xấu người khác trước mặt trẻ. Việc bố mẹ nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên sẽ không biết gì là hoàn toàn sai.
Ngược lại, từng lời nói hay hành động, cử chỉ của bố mẹ đều sẽ được trẻ quan sát và sau đó sao lưu vào “bộ nhớ”. Khi trẻ chứng kiến bố mẹ nói xấu hay chửi bới người khác, trẻ sẽ mặc định đó là hành vi được phép làm.
Bạo lực ngôn ngữ sẽ khiến trẻ lớn lên trong môi trường thiếu lành mạnh. Và khi trưởng thành, trẻ cũng sẽ có xu hướng tương tự bố mẹ.
Điều này hoàn toàn không tốt cho quá trình xây dựng tư tưởng, hình thành nhân cách của trẻ về sau. Đồng thời, trẻ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng và thiết lập các mối quan hệ xã hội.
Thể hiện những cảm xúc tiêu cực
Bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ một môi trường sống lành mạnh, tích cực để trẻ có thể phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Thay vì thể hiện sự phàn nàn, cảm xúc chán nản, cáu kỉnh trước mặt trẻ, bố mẹ nên vui vẻ, niềm nở để trẻ cảm thấy được an tâm.
Hạn chế gây áp lực cho trẻ bằng những cảm xúc tiêu cực, điều này sẽ gây nên sự bất ổn trong tâm lý của trẻ. Vì bố mẹ là “tấm gương phản chiếu” trẻ trong tương lai, bố mẹ có lối sống như thế nào thì trẻ cũng sẽ tương tự như thế.
Nếu bố mẹ không muốn gia đình trở thành nơi “địa ngục” của trẻ, thì tuyệt đối phải loại bỏ những cảm xúc tiêu cực xung quanh.
Những cảm xúc tiêu cực của bố mẹ có thể "lan tỏa" đến trẻ.