Bố mẹ phát hiện con trai lấy trộm 70 nghìn, chuyên gia “Hãy nói với trẻ đây là hành vi xấu, đừng nói nhân cách con xấu”

Kiều Trang - Ngày 07/04/2023 06:19 AM (GMT+7)

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui có những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị dành cho bố mẹ, khi đối diện với những hành vi ăn cắp vặt của trẻ.

Bố mẹ phát hiện con trai lấy trộm 70 nghìn, chuyên gia “Hãy nói với trẻ đây là hành vi xấu, đừng nói nhân cách con xấu” - 1

Trong quá trình trưởng thành của con cái, rất nhiều bậc bố mẹ sẽ không thể tránh khỏi việc gặp phải những chuyện như bị con cái ăn cắp tiền, nhưng bố mẹ khác nhau lại có cách giáo dục con cái khác nhau, tác động cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn như 2 trường hợp dưới đây, cách dạy con của 2 ông bố (sống ở Trung Quốc) là có sự khác nhau rất rõ.

Trường hợp 1

Bố mẹ Tiểu Bạch đối với cậu rất nghiêm khắc, đặc biệt là chuyện tiền nong, Tiểu Bạch căn bản không có tiền tiêu vặt, muốn mua gì đều phải xin bố mẹ.

Tiểu Bạch rất ghen tị khi thấy những bạn học khác thường có tiền tiêu vặt, vì vậy Tiểu Bạch bắt đầu sử dụng bộ não của mình, nghĩ đến việc lén lấy tiền từ ví của bố mẹ để đáp ứng nhu cầu của cá nhân.

Một lần Tiểu Bạch lấy 20 nhân dân tệ (gần 70 nghìn VNĐ) bị bố mẹ phát hiện, bố Tiểu Bạch tức giận mắng Tiểu Bạch: "Mày học thói ăn cắp này ở đâu? Mày muốn làm kẻ ăn cắp đúng không?"

Bố của Tiểu Bạch đánh cậu bé mà không hỏi nguyên nhân tại sao, đồng thời không ngừng sử dụng những lời lẽ "độc miệng" để la mắng, đe doạ Tiểu Bạch không được ăn cắp tiền nữa.

Kể từ đó, đứa trẻ trở nên thu mình lại, không muốn nói chuyện với người khác, không muốn bộc bạch cho bố mẹ biết những điều trong lòng mình, và thường thẫn thờ nhìn ra cửa sổ một mình.

Trường hợp 2

Cậu bé A Cảnh từ nhỏ đã bị bố mẹ ruột bỏ rơi và sau đó được nhận làm con nuôi, bố nuôi và mẹ nuôi coi cậu bé như ruột thịt của mình.

Thời gian trôi qua, A Cảnh dần trưởng thành. Một lần, bố mẹ nuôi của A Cảnh quyên góp tiền chữa bệnh cho một gia đình nghèo trong làng. Vào buổi tối khi bố mẹ nuôi đang đếm tiền, các con đều nhìn thấy, đối mặt với rất nhiều tiền, A Cảnh không thể không cưỡng lại được sự cám dỗ nên đã phạm sai lầm.

Khi bố nuôi của cậu bé phát hiện ra số tiền bị mất. Sau khi điều tra kỹ, bố nuôi biết A Cảnh có thể đã lấy trộm tiền, nhưng vì sợ trách nhầm đứa trẻ. Vì vậy, bố nuôi của A Cảnh đã không trực tiếp vạch trần hành vi ăn cắp tiền của cậu, mà diễn một kịch với mẹ nuôi, nói bóng gió để phát tín hiệu cho A Cảnh, cuối cùng cậu bé cũng đã chủ động trả lại số tiền đã lấy trộm.

Bố mẹ phát hiện con trai lấy trộm 70 nghìn, chuyên gia “Hãy nói với trẻ đây là hành vi xấu, đừng nói nhân cách con xấu” - 2

Khi con cái phạm lỗi, nhẹ nhàng chỉ dạy mới là cách giáo dục phù hợp nhất (Ảnh minh hoạ Internet).

Bố mẹ nuôi rất yên tâm khi thấy hành vi của con trai. Sau sự việc này, bố mẹ nuôi đã chú ý hơn đến việc giáo dục con cái, đồng thời thiết lập quan điểm đúng đắn về tiền bạc đối với A Cảnh. Kể từ đó, tiền của gia đình chưa bao giờ ít đi.

Xét từ sự so sánh giữa hai trường hợp trên, rõ ràng việc giáo dục kiểu gậy gộc không cho trẻ hiểu được lỗi lầm mà mình mắc phải, ngược lại còn gây phản tác dụng đối với trẻ. Việc giáo dục trẻ cần được thực hiện từng bước, có hướng dẫn cụ thể thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Trong trường hợp thứ hai, cách xử lý của người bố hợp lý hơn, đáng để mỗi bậc bố mẹ học hỏi. Đồng thời cũng được chuyên gia gật gù, vì cao tay nhưng lại đủ tinh tế, nhẹ nhàng để đứa trẻ nhận lỗi một cách tự nguyện, mà không cần có sự can thiệp của những phương pháp mạnh bạo khác.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui, trẻ nhỏ vốn không có khái niệm về đồ đạc hay tiền bạc của người khác, dù biết lấy là không tốt nhưng lại không kiềm chế được bản thân. Vì vậy, trẻ sẽ ăn cắp, bởi vì không biết có thể sử dụng những cách nào khác để có được thứ mình muốn.

Đó là lý do mà việc giáo dục từ gia đình, từ bố mẹ là rất quan trọng. Càng sớm càng tốt, bố mẹ nên can thiệp để xây dựng cho trẻ một hệ giá trị chuẩn mực, những hành vi nào là được phép hoặc không được phép thực hiện. Như vậy, trẻ mới tránh được việc làm sai như ăn cắp, ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Bố mẹ phát hiện con trai lấy trộm 70 nghìn, chuyên gia “Hãy nói với trẻ đây là hành vi xấu, đừng nói nhân cách con xấu” - 4

Dù gia cảnh không tệ, nhưng một số đứa trẻ vẫn có thói quen ăn cắp vặt. Thưa chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực này của trẻ là do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hành vi này. Tuy nhiên trước tiên, người lớn cần xem xét bối cảnh là đứa trẻ thực hiện hành vi ăn cắp dựa trên quá trình quan sát từ người khác, hoàn toàn không nhận thức được đó là hành vi sai trái.

Bởi vì trước đó, đứa trẻ chưa được bố mẹ chỉ dạy hoặc chưa nhận được hình phạt tương ứng. Hoặc đứa trẻ đã biết đây là hành vi xấu, nhưng vì những tình huống nào đó kích thích trẻ, khiến trẻ vẫn quyết định thực hiện.

Sau khi xem xét hoàn cảnh, người lớn sẽ phải tìm hiểu được những nguyên nhân dẫn đến hành vi ăn cắp vặt của trẻ. Nguyên nhân thứ nhất cần được làm rõ đó là yếu tố gia đình. Bố mẹ có vô tình hoặc cố ý cho trẻ nhìn thấy hành vi này từ người lớn hay không?

Bố mẹ có đáp ứng cho trẻ những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống? Nguyên nhân thứ hai là bạn bè, môi trường học tập của trẻ có tác động đến suy nghĩ, kích thích trẻ thực hiện hành vi ăn cắp hay không? Và cuối cùng là môi trường sống xung quanh, ngoài gia đình và nhà trường có mang đến một bầu không khí xấu cho trẻ?

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân xuất phát từ chính đứa trẻ, liên quan đến những khó khăn về tâm lý, được gọi là bệnh ăn cắp vặt. Đứa trẻ mắc bệnh tâm lý này không thể tự kiểm soát được hành vi của bản thân, thậm chí là ăn cắp cả những thứ đồ mà đứa trẻ vốn không có nhu cầu sử dụng nó.

Bố mẹ phát hiện con trai lấy trộm 70 nghìn, chuyên gia “Hãy nói với trẻ đây là hành vi xấu, đừng nói nhân cách con xấu” - 5

Theo chuyên gia, tại thời điểm bố mẹ phát hiện hành vi ăn cắp vặt của con, bố mẹ nên phản ứng và giải quyết vấn đề như thế nào là phù hợp, tốt nhất cho trẻ? Chẳng hạn như tình huống cụ thể là trẻ ăn trộm tiền của bố mẹ.

Trong tình huống này, cũng rất khó cho bố mẹ để có được sự bình tĩnh. Bởi vì thời điểm phát hiện con ăn trộm tiền, về mặt cảm xúc thì bố mẹ sẽ cảm thấy rất tức giận và sốc. Tuy nhiên, bình tĩnh để mà xem xét vấn đề vẫn luôn là phương pháp để bố mẹ có thể giáo dục con hiệu quả sau đó.

Nếu bố mẹ không thể kiểm soát tốt cảm xúc, rất có thể sẽ dẫn đến những cách giải quyết không phù hợp tại thời điểm đó, chẳng hạn như la mắng, chửi bới, thậm chí là sử dụng đòn roi để răn đe trẻ. Thế nhưng cách xử lý này sẽ chỉ làm cho tâm lý của đứa trẻ trở nên nặng nề hơn, và mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái rất dễ bị rạn nứt.

Bố mẹ cần xác định rõ ràng, mục tiêu hướng đến trong trường hợp này, đó là can thiệp, giải thích rõ ràng, chính xác và phù hợp để con hiểu được đây là hành vi sai và con phải biết nhận lỗi, cũng như biết sửa đổi ngay sau đó.

Đồng thời, biết chịu trách nhiệm và chấp nhận hình phạt tương xứng với lỗi sai mà con đã gây ra. Dĩ nhiên, hình phạt của bố mẹ cũng phải thực sự phù hợp, tuyệt đối không tác động mạnh đến việc phán xét nhân cách của trẻ.

Tất cả những phản ứng của bố mẹ đều phải hướng đến mục tiêu là đứa trẻ hiểu đây là hành vi sai. Vì nếu như bố mẹ chỉ chăm chăm vào việc la mắng, đánh đòn con mà không lý giải cho con hiểu, thì sẽ khó để đứa trẻ bỏ hành vi này. Ngược lại, trẻ có thể sẽ không trộm cắp tiền của bố mẹ nữa, mà sẽ thực hiện việc làm này với những người xung quanh.

Bố mẹ phát hiện con trai lấy trộm 70 nghìn, chuyên gia “Hãy nói với trẻ đây là hành vi xấu, đừng nói nhân cách con xấu” - 6

Có ý kiến cho rằng: "Đứa trẻ có hành vi ăn cắp vặt là đứa trẻ đạo đức xấu". Với góc nhìn của chuyên gia, chuyên gia nghĩ gì về ý kiến này. Có nên vội đánh giá đạo đức của trẻ khi thấy trẻ ăn cắp vặt không?

Người lớn cần phải phân biệt rất rõ rằng, hành vi ăn cắp vặt là sai, nhưng sẽ không có quyền để đánh giá nhân phẩm, đạo đức của đứa trẻ là xấu. 

Bởi vì có thể hành vi này xuất phát từ việc đứa trẻ đang gặp vấn đề về rối loạn nhân cách, hoặc khó khăn ở bên trong. Hoặc cũng có thể, đứa trẻ bắt chước, học tập một cách vô thức khi quan sát thấy ai đó ở xung quanh làm điều này. Như vậy, rõ ràng bố mẹ không thể đánh đồng giữa đạo đức và hành vi ăn cắp vặt ở trong cùng một bối cảnh.

Cho nên nhìn từ khía cạnh chuyên môn, tôi nghĩ rằng chưa đủ bằng chứng để khẳng định, phán xét "đứa trẻ có hành vi ăn cắp vặt là đứa trẻ đạo đức xấu". Người lớn cần phải xem xét nhiều góc nhìn khác nhau, trong các bối cảnh cụ thể.

Bố mẹ phát hiện con trai lấy trộm 70 nghìn, chuyên gia “Hãy nói với trẻ đây là hành vi xấu, đừng nói nhân cách con xấu” - 7

Trẻ ở độ tuổi nào thì bố mẹ nên giáo dục để trẻ nhận biết về những hành vi phù hợp và không phù hợp với đạo đức, pháp luật? Bố mẹ nên giáo dục con cái như thế nào để tránh trẻ lặp lại hành vi này, đồng thời cũng biết cách bảo vệ tài sản cá nhân của mình?

Về vấn đề này, bố mẹ nên giáo dục con cái càng sớm càng tốt. Tôi cho rằng, trước 3 tuổi thì trẻ cần phải nhận biết được những hành vi nào là được phép hoặc không được phép làm.

Phương pháp giáo dục con cái hiệu quả dành cho bố mẹ là hãy ngồi xuống để nói chuyện cùng con một cách rõ ràng, tránh việc chính bố mẹ vô tình là thương con nhưng lại khiến cho con vi phạm nguyên tắc, ví dụ như bố mẹ đọc trộm nhật ký, hay tự ý lục lọi cặp sách của con.

Lúc này, bố mẹ sẽ trở thành tấm gương thiếu chuẩn mực, khiến con noi theo và dẫn đến những hành vi sai trái, không phù hợp. 

Bên cạnh đó, để dạy con cách bảo vệ tài sản cá nhân của mình thì chính bố mẹ phải biết cách bảo vệ tài sản của bản thân, đồng thời không xâm phạm đến những tài sản cá nhân thuộc về con cái. Bố mẹ làm gương là một trong những nguyên tắc quan trọng để giáo dục con cái, và ưu tiên việc dùng lời nói để giải thích cho con hiểu vấn đề.

Con trai 4 tuổi thường xuyên đập đầu vào tường, mẹ sợ xanh mặt khi chuyên gia nói nguyên nhân đằng sau
Chuyên gia tâm lý chia sẻ về những nguyên nhân, biểu hiện và cách giải quyết phù hợp khi bố mẹ phát hiện trẻ có hành vi tự ngược đãi bản thân.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia