Chuyên gia tâm lý chỉ ra 7 lỗi dạy con, vô tình khiến trẻ có thói mách lẻo, tai hại khi lớn

Kiều Trang - Ngày 18/01/2024 11:40 AM (GMT+7)

Mách lẻo là hành vi thường xảy ra nhiều ở trẻ em khiến cho không ít bố mẹ đau đầu.

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đôi khi bố mẹ sẽ phát hiện ra đứa trẻ của mình có thói quen mách lẻo, dù là chuyện nhỏ hay chuyện lớn, chuyện trong nhà hay bên ngoài, chuyện của bản thân hay người khác thì trẻ cũng đều sẽ kể lại với bố mẹ khi con vô tình nghe thấy hoặc biết đến.

Điều này khiến không ít bố mẹ "đau đầu", thậm chí còn cảm thấy khó chịu vì suốt ngày phải nghe những lời phàn nàn của con. Đối với tính mách lẻo mà trẻ mắc phải, nhiều người cho rằng đây là một tính xấu cần được bố mẹ uốn nắn, giáo dục càng sớm càng tốt.

Nhiều trẻ nhỏ có tính hay mách lẻo khiến không ít bố mẹ đau đầu (Ảnh minh hoạ).

Nhiều trẻ nhỏ có tính hay mách lẻo khiến không ít bố mẹ đau đầu (Ảnh minh hoạ).

Bởi lẽ nếu hành vi này kéo dài thì sẽ rất bất lợi cho quá trình trẻ xây dựng các mối quan hệ xã hội và phát triển nhân cách lành mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, có đúng khi đánh giá rằng mách lẻo là một tính xấu hay không, vì sao trẻ nhỏ thường có tính mách lẻo, độ tuổi nào phố biến và làm sao để giúp trẻ điều chỉnh hành vi này theo hướng tích cực...?

Để giải đáp thắc mắc mà có lẽ rất nhiều bậc phụ huynh đang quan tâm ở trên, chuyên gia Tâm lý Lưu Thị Hường có những chia sẻ cụ thể dưới đây.

Thạc sĩ Tâm lý Lưu Thị Hường.

Thạc sĩ Tâm lý Lưu Thị Hường.

Chuyên gia tâm lý chỉ ra 7 lỗi dạy con, vô tình khiến trẻ có thói mách lẻo, tai hại khi lớn - 4

Thưa chuyên gia, trẻ hay mách lẻo có phải là hành vi xấu không, vì sao?

Mách lẻo là hành vi thường xảy ra nhiều ở trẻ em, trẻ thường kể lại, mô tả lại những việc mà mình nhìn thấy mọi người xung quanh gặp phải.

- Khi nhìn tổng quan thì mách lẻo được coi là hành vi xấu bởi vì:

+ Hành vi mách lẻo vi phạm vào việc tiết lộ thông tin của người khác, làm lan truyền hành vi, hành động của người khác mà không được cho phép và không liên quan tới mình.

+ Điều này có thể gây rắc rối cho người khác, khiến họ bị hiểu lầm, hoặc là mối quan hệ bị xấu đi.

+ Khi trẻ mách lẻo thì trẻ sẽ tập trung vào điều xấu đó, vô tình học tập hay bắt chước theo, mỗi lần nói lại thêm một lần nhớ, và rồi cuộc sống của trẻ hình thành thói quen chỉ quan tâm vào những điều không tích cực.

- Tuy nhiên trong một số hoàn cảnh, hành vi mách lẻo cũng hữu dụng, giúp phòng ngừa những việc không tốt, chẳng hạn như trộm cắp hoặc ai đó chuẩn bị có hành vi xấu ảnh hưởng tới người khác như là móc túi, phạm tội...

Chuyên gia tâm lý chỉ ra 7 lỗi dạy con, vô tình khiến trẻ có thói mách lẻo, tai hại khi lớn - 5

Tại sao hầu hết trẻ em đều có thói quen mách lẻo, đặc biệt là trẻ từ độ tuổi 4-5?

Hầu hết trẻ em đều có thói quen mách lẻo bởi vì các nguyên nhân sau:

- Trẻ được thể hiện nhu cầu nói của mình

Với trẻ, mọi thứ đều mới mẻ. Thế nên khi trẻ bắt đầu đi mẫu giáo, trẻ sẽ quan sát thế giới xung quanh và cảm thấy tò mò, thích thú, muốn nói về điều trẻ nhìn thấy với bố mẹ. Lúc này, ngôn ngữ của trẻ đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ nên khi trẻ nói, trẻ sẽ được thỏa mãn nhu cầu của mình.

- Trẻ chưa có khả năng phân tích, việc gì nên nói và việc gì không nên nói

Trẻ không nắm được nguyên tắc là không nói chuyện của người khác, kể lại chuyện của người khác, đó là điều không phù hợp và đúng đắn. Trẻ cũng chưa có khả năng suy luận rằng việc này mang lại lợi hại gì, hay mình nói điều này để làm gì... Cho nên khi trẻ thấy việc này mới lạ, tò mò, trẻ sẽ kể lại với bố mẹ và người thân của mình.

- Trẻ muốn được ghi nhận và khen ngợi

Khi trẻ kể chuyện, những chuyện gây cấn ở trường, lớp và của người khác, đôi khi đó là tình tiết gì đó rất hot thì bố mẹ lại hưởng ứng, khen ngợi, tò mò nên đã khiến trẻ hiểu lầm rằng thông tin của mình rất hay, rất thú vị và rồi khiến trẻ có động lực đi “sưu tập” những chuyện tương tự nhiều hơn để kể.

Vậy nên, nếu các bậc bố mẹ không biết định hướng cho trẻ mà còn hưởng ứng theo câu chuyện của con là trẻ sẽ gia tăng thêm hành vi này.

- Trẻ muốn được giao tiếp với người lớn thông qua các câu chuyện

Trẻ muốn được giao tiếp, trò chuyện với người thân sau một ngày dài chưa gặp mặt nên chủ đề câu chuyện thường sẽ là những điều trẻ nghe thấy, nhìn thấy. Nhưng vì chưa học được cách lựa chọn câu chuyện phù hợp nên nhiều trẻ tập trung vào vấn đề của người khác, và mang nó về làm câu chuyện để kể với người thân của mình.

- Kiểm soát, điều khiển người khác

Có một vài tình huống, hành vi mách lẻo của trẻ là để người khác làm theo ý mình. Ví dụ khi trẻ vô tình phát hiện anh trai làm vỡ bình hoa, nhưng bố mẹ chưa biết chuyện này. Trẻ nói rằng anh trai phải làm cho mình cái này, cái kia nếu không sẽ mách bố mẹ. Người anh vì muốn không bị lộ, sợ bố mẹ la mắng nên làm theo ý của em trai. Điều này có thể khiến trẻ cho rằng mách lẻo là công cụ để kiểm soát người khác dễ dàng hơn.

- Mối quan hệ không hòa hợp

Trong nhà nếu các con không hòa hợp thì thường nảy sinh tình huống mách lẻo, mỗi lần mách lẻo là đứa kia bị đòn, bị mắng,... nhờ vậy mà thỏa mãn cảm xúc không tích cực của đứa trẻ này với trẻ khác.

- Trẻ không biết cách giải quyết vấn đề

Khả năng xử lý vấn đề của trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện, do đó khi gặp khó khăn bé sẽ có xu hướng mách cho bố mẹ hoặc người lớn để nhờ sự trợ giúp. Trong trường hợp này, sự mách lẻo của con mang lại ý nghĩa tích cực, giúp bố mẹ nắm bắt tình hình kịp thời, đưa ra phương án xử lý đúng đắn để đảm bảo an toàn cho bé và hoá giải khó khăn.

Có rất nhiều trường hợp xảy ra ngoài tầm kiểm soát và hiểu biết của con, ví dụ như bé không thể ngăn cản các nhóm bạn đánh nhau, có kẻ xấu thực hiện hành vi trộm cắp trong siêu thị,… Đối với những tình huống tương tự, sự can thiệp của bố mẹ thông qua lời kể của bé vừa khiến vấn để được giải quyết hiệu quả hơn, vừa đảm bảo an toàn được cho con. 

Chuyên gia tâm lý chỉ ra 7 lỗi dạy con, vô tình khiến trẻ có thói mách lẻo, tai hại khi lớn - 6

Thói quen hay mách lẻo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình phát triển của trẻ?

- Tâm trí của trẻ tập trung vào điều không tích cực, điều này sẽ không tốt cho sự phát triển của con. Mỗi ngày đi học, tâm trí con hay để ý người khác có lỗi gì, làm gì: đánh nhau, cô mắng, cô phạt, mất đồ, nghịch... Tuổi nhỏ tiềm thức phát triển mạnh, nếu trong tiềm thức tràn ngập những điều không tích cực như vậy thì trẻ hay có xu hướng cáu kỉnh, làm chủ cảm xúc không tốt...

- Lâu dần thành thói quen, không trẻ nào muốn chơi cùng. Thậm chí trong gia đình, mối quan hệ của trẻ với các anh chị em cũng không tốt. Điều này có thể ảnh hưởng đến không khí, tình cảm gia đình và quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Chuyên gia tâm lý chỉ ra 7 lỗi dạy con, vô tình khiến trẻ có thói mách lẻo, tai hại khi lớn - 7

Bố mẹ nên làm gì để giúp con hạn chế và dần từ bỏ thói quen mách lẻo này?

Bố mẹ có thể áp dụng những cách sau để giúp con hạn chế và dần từ bỏ thói quen mách lẻo:

- Hãy tạo cơ hội cho trẻ được nói điều mình nhìn thấy, tuy vậy bố mẹ hãy hướng dẫn con như sau:

Nếu con nói về các vấn đề: bạn lấy bút, bạn mất bút, 2 bạn không hòa hợp ở trường... thì bố mẹ hãy hướng dẫn con đặt câu hỏi: Từ tình huống của bạn, con học được bài học gì? Như vậy, trẻ sẽ chỉ tập trung vào bài học kinh nghiệm rút ra cho bản thân thay vì chỉ chăm chăm kể lại lỗi của người khác.

- Bố mẹ hãy thường xuyên hỏi trẻ: Hôm nay ở trường con quan sát được điều gì? Có gì vui, hay con học được điều gì tuyệt vời kể mẹ nghe xem nào? 

Câu hỏi này giúp cho trẻ tập trung tìm kiếm những điều tuyệt vời trong cuộc sống của mình. Nếu bố mẹ duy trì được thói quen này cho con, bố mẹ vừa kết nối với con, vừa giúp tâm trí của con tràn ngập điều tốt lành, như vậy sẽ khiến trẻ vui vẻ, hình thành tính cách quan trọng (dễ chịu, dễ gần...) và giúp trẻ dễ thành công sau này.

- Bố mẹ làm gương

Mỗi ngày, câu chuyện trên mâm cơm hay trong phòng, bố mẹ hãy tập trung kể về những điều tuyệt vời thay vì than thở, rồi kể những chuyện nghe được ở cơ quan, làng trên xóm dưới, như nhà bà này con dâu thế này, nhà bà kia con trai thế kia, cô này ăn mặc ra sao... Chính điều đó sẽ dạy cho trẻ rằng những chuyện đó rất được quan tâm nên trẻ sẽ bắt chước theo.

- Dạy cho trẻ nguyên tắc tôn trọng thông tin của người khác

Để làm được điều này, bố mẹ cần hiểu và làm gương trước. Bố mẹ hãy trò chuyện với trẻ để trẻ hiểu rằng việc kể chuyện của người khác là điều không đúng đắn, nó không giúp ích được nhiều cho con, nên mình sẽ không làm việc không đúng đắn đó nữa.

Và bố mẹ hướng dẫn trẻ làm việc đúng đắn là như thế nào:

+ Khi nhìn thấy điều không tích cực, hãy học bài học tích cực từ đó và kể cho mẹ bài học con nhận được.

+ Tập trung tìm kiếm điều tuyệt vời mỗi ngày của con.

- Dạy trẻ về sự cảm thông và tình yêu thương với mọi người

Ai cũng có những lúc mắc lỗi, nếu họ nhận được sự hỗ trợ và cảm thông của người khác thì mối quan hệ sẽ trở lên tuyệt vời hơn rất nhiều. Khi trẻ tìm cách giúp đỡ và hỗ trợ bạn thì trẻ sẽ trở thành người có ích cho người khác, có giá trị với người khác. Lúc đó, ai cũng sẽ yêu mến trẻ.

Bố mẹ hãy giải thích rõ ràng cho trẻ hiểu: "Khi con mắc lỗi hoặc gặp điều không hay, con cũng không muốn câu chuyện của mình là chủ đề chính bị mọi người bàn tán. Nếu vậy thì chính bản thân con cũng không nên làm điều đó với người khác, như thế thì con sẽ không gặp tình huống đó nữa".

Không phải đòn roi, đây mới là kiểu phạt con tai hại nhất mà nhiều bố mẹ Việt đang áp dụng
Bạo lực ngôn từ gây ảnh hưởng tâm lý đối với trẻ vô cùng lớn và rất khó để "chữa lành".

Phương pháp giáo dục sớm

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con cùng chuyên gia