Nhiều bố mẹ đau đầu khi nuôi dạy con dậy thì nổi loạn.
So với việc dạy con ở độ tuổi còn nhỏ thì khi đứa trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, quá trình giáo dục của các bậc bố mẹ sẽ gian nan và vất vả hơn. Bởi theo quy luật tự nhiên của sự phát triển, trẻ dậy thì có nhiều thay đổi trong cơ thể và tâm sinh lý. Đó là lý do mà dạy con tuổi dậy thì, bố mẹ không thể chủ quan, ngược lại còn phải cực kỳ tinh tế và khéo léo, nếu không sẽ rất dễ gây nên những phản ứng ngược.
Một phụ huynh trẻ chia sẻ trên diễn đàn nuôi dạy con: "Tôi có cậu con trai năm nay đang học lớp 7. Thằng bé cực kỳ thích học đàn nhưng tôi thì không cho phép, chỉ muốn con tập trung học hành chứ không ca đàn, múa hát gì cả. Vả lại con trai thì học đàn làm gì, tôi nghĩ vậy nên dù con nhiều lần bày tỏ mong muốn được đăng ký vào lớp học thêm ở ngoài, tôi vẫn thẳng thừng từ chối. Nào ngờ đứa trẻ bỏ cả học thêm văn hoá, trốn vợ chồng tôi đi học đàn của một đàn anh khoá trên khiến tôi cực kỳ tức giận".
Trẻ dậy thì bố mẹ sử dụng kiểu nuôi dạy càng cấm cản thì con càng muốn làm điều ngược lại để bày tỏ sự chống đối (Ảnh minh hoạ).
Những dòng tâm sự của bà mẹ trên đã thu hút nhiều sự đồng cảm của các bậc bố mẹ khác. Họ cũng bày tỏ về những khó khăn trong việc nuôi dạy con trẻ ở độ tuổi dậy thì nổi loạn. Trong đó, đa số phụ huynh đều có chung hoàn cảnh, họ cảm thấy rất đau đầu khi phải đối mặt với tình huống càng cấm cản thì con càng làm.
Trước vấn đề nhiều bố mẹ gặp phải và quan tâm này, Chuyên gia Tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã có những lời khuyên và góp ý vô cùng giá trị dưới đây.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thưa chuyên gia, tại sao việc bố mẹ cấm đoán hoặc hạn chế có thể gây ra hiệu ứng ngược lại đối với nhiều đứa trẻ khi bước vào độ tuổi dậy thì?
Trẻ bước vào giai đoạn dậy thì đang có nhu cầu chứng tỏ bản thân rất cao, do đó, nếu bố mẹ vẫn dùng cách áp đặt những nguyên tắc hoặc cấm đoán con như cách đã làm trước đó thì giai đoạn này không còn hiệu quả nữa. Trẻ tỏ ra khó chịu, không đáp lời, tức giận vùng vằng hoặc thậm chí cãi nhau trực tiếp với bố mẹ. Điều sẽ khiến cho mối quan hệ của bố mẹ và con cái trở nên bất hoà.
Chính vì thế mà các chuyên gia tâm lý luôn khuyên bố mẹ nên tìm hiểu đặc điểm tâm lý của con theo mỗi giai đoạn lứa tuổi, để hiểu và có những cách thức giáo dục con phù hợp ở trong độ tuổi nhất định.
Trong trường hợp trẻ tỏ ra cứng đầu và không chấp nhận các quy tắc, bố mẹ nên áp dụng phương pháp nào để giải quyết tình huống cho phù hợp thay vì cấm cản?
Khi con và bố mẹ có những bất đồng trong quan điểm, và việc xây dựng quy tắc gặp khó khăn thì bố mẹ nên cùng ngồi lại thảo luận với con. Bố mẹ sẽ nói ra những mong đợi của mình, những lý do cần thiết để có những quy tắc. Sau đó, mời gọi con nói ra suy nghĩ, mong muốn của con, rồi cả hai bên bố mẹ và con cái cùng thảo luận và đưa ra những quy tắc phù hợp nhất với mong đợi của cả hai.
Sau đó, cho trẻ lựa chọn những hình thức kỷ luật để giúp trẻ tuân thủ những quy tắc này. Khi đó, bố mẹ không cần cấm cản nhiều, chỉ cần theo những quy tắc đã thoả thuận để nhắc nhở con, thay vì phải như một người làm luật ép buộc con phải làm thế này, thế kia.
Làm thế nào để bố mẹ có thể xác định được giới hạn nên áp dụng, và nên thả lỏng quy tắc trong việc giáo dục con tuổi dậy thì để tránh xảy ra hiệu ứng ngược "bố mẹ càng cấm thì con càng làm"?
Xác định đâu là giới hạn mà bố mẹ nên dừng lại khi quyết định những việc của con, hoặc liên quan đến con là điều vô cùng quan trọng đối với bố mẹ. Nhưng thực sự là khó khi nói về giới hạn một cách chung chung. Bởi vì, mỗi đứa trẻ có một đặc điểm tâm lý khác nhau và cần bố mẹ để ý đến, can thiệp vào việc của con ở những mức khác nhau.
Với những đứa trẻ cá tính mạnh, thích khám phá và tìm ra quy luật thì bố mẹ cần cho trẻ nhiều không gian trải nghiệm hơn. Những đứa trẻ rụt rè, ngại tiếp xúc với mọi người bên ngoài gia đình thì bố mẹ cần kiên nhẫn ở với con lâu hơn một chút để con làm quen mọi thứ trước khi cho con tự lập.
Nhưng điều cần thiết là bố mẹ nên tạo cho con cơ hội được đưa ra ý kiến của mình, và bố mẹ chỉ đóng vai trò góp ý cho con chứ không quyết định thay, vì đó là cuộc sống của con.
Con cái cần tự do để phát triển, nhưng do con còn chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên bố mẹ cho con một giới hạn mà ở đó con có thể an toàn để lựa chọn, và chỉ cần được chọn thì trẻ thường hài lòng hơn, mặc dù phải lựa chọn trong một giới hạn, tất nhiên, kèm theo việc giải thích hợp lý của bố mẹ về giới hạn đó.
Từ góc độ tâm lý, sự tự do là một yếu tố quan trọng đối với trẻ tuổi dậy thì, bố mẹ nên "buông bỏ" sớm để con dễ thành công hơn, điều này đúng không thưa chuyên gia?
Sự tự do là điều mà trẻ mong muốn có được, nhưng trước khi có tự do, trẻ phải học được bài học chịu trách nhiệm với những tự do lựa chọn của mình. Với trẻ tuổi dậy thì, các bạn thường có những cảm xúc và hành vi bốc đồng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ.
Do đó, tự do cho trẻ không có nghĩa là bố mẹ buông bỏ để con muốn làm gì thì làm, mà là nới dần những giới hạn theo sự tiến bộ của con, để con có môi trường tự do hơn để thể hiện mình.
Đồng thời, với sự hiện diện một cách hỗ trợ/ ủng hộ của bố mẹ thì con sẽ cảm thấy được yêu thương, và tự tin hơn với những quyết định và trải nghiệm của mình.