Lựa chọn bố mẹ đưa ra sẽ quyết định ý nghĩa kỳ nghỉ hè của con trẻ.
Nghỉ hè đáng lẽ là khoảng thời gian vô cùng vui vẻ và thú vị với trẻ, khi mà các bé được nghỉ ngơi, vui chơi và thư giãn sau một năm học vất vả. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều bố mẹ, họ quan niệm rằng nếu nghỉ hè con chỉ chơi không thì sẽ rất phí.
Hơn nữa, con nghỉ hè nhưng bố mẹ vẫn phải bận đi làm nên sẽ không có thời gian chăm sóc đứa trẻ. Để con ở nhà một mình phụ huynh lại không yên tâm. Không có bố mẹ sát sao, nhiều đứa trẻ sa đoạ vào tivi, máy tính, điện thoại, thậm chí vì không chăm chỉ bồi dưỡng kiến thức như các bạn khác nên kết quả học tập ngày càng thua kém. Đây chính là những lý do vì sao nhiều bậc phụ huynh quyết định lựa chọn cho con đi học thêm trong kỳ nghỉ hè.
Bố mẹ cần cân nhắc kỹ về quyết định cho con đi học thêm trong kỳ nghỉ hè (Ảnh minh hoạ).
Mặc dù vậy, không phải tất cả trẻ đều hào hứng với điều này. Nhiều trẻ thậm chí còn cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi phải trở lại lớp học. Nguyên nhân của nỗi sợ này có thể là do các bé cảm thấy mệt mỏi với việc học tập, và muốn được tận hưởng kỳ nghỉ hè vui chơi trọn vẹn, thoải mái.
Đứng trước băn khoăn của số đông phụ huynh về vấn đề "Có nên cho trẻ đi học hè không", chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã đưa ra những phân tích và gợi ý cực kỳ sâu sắc dưới đây. Bố mẹ nên tham khảo để có thể đưa ra những lựa chọn, giải pháp hỗ trợ giúp các con được tận hưởng một mùa hè đầy ý nghĩa.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thưa chuyên gia, điều gì thường khiến trẻ cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng khi nghĩ đến việc đi học thêm?
Việc học sẽ trở thành áp lực khi trẻ đi học mà không thấy kiến thức học được có gì hay ho, không thấy những điều học được có ý nghĩa, mà đi học chỉ nhằm đáp ứng kỳ vọng điểm số từ thầy cô, bố mẹ.
Việc học thêm chiếm mất thời gian vui chơi giải trí của trẻ mà không mang lại thứ gì thú vị, lại còn thêm căng thẳng với suy nghĩ: bố mẹ phải bỏ tiền cho đi học thêm mà mình vẫn không học tốt, điểm vẫn không cao như mong đợi.
Chỉ bấy nhiêu thứ thôi cũng đủ làm những đứa trẻ cảm thấy sợ hãi việc đi học thêm rồi. Ở một số trẻ, việc chán ghét học còn bởi vì cảm giác bị bắt buộc phải làm chứ không phải mình thực sự muốn, khiến nhiều bé phản đối bằng sự khó chịu và hành vi chống đối.
Nghỉ hè nên cho con đi học thêm hay để con được nghỉ ngơi, vui chơi? Làm thế nào để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp, chuyên gia có gợi ý nào cho bố mẹ?
Nghỉ hè sinh ra là để trẻ con có cơ hội được nghỉ ngơi thư giãn sau 9 tháng học hành chăm chỉ ở trường. Do đó, vẫn nên cho con thời gian để nghỉ ngơi thì tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bố mẹ ở các thành phố lớn, vẫn bận rộn công việc nên không thể dành thời gian chơi cùng con, chăm sóc con những ngày hè được, vì con nghỉ hè chứ bố mẹ thì không có nghỉ hè.
Do đó, nhiều bố mẹ cũng chộn rộn đi tìm nơi học cho con trong mùa hè. Vậy nên, những học kỳ quân đội, lớp học trải nghiệm, kỹ năng mềm, tiếng Anh, học các môn thể thao, nhạc, hoạ mở ra rất nhiều vào mùa hè giúp cho các bé có thêm sân chơi, rèn luyện thể chất cũng như tinh thần có thể là một gợi ý tốt cho bố mẹ.
Những bố mẹ chưa có điều kiện kinh tế tốt để cho con tham gia các lớp học đắt tiền, thì có thể suy nghĩ đến việc cho con tham gia các hoạt động sinh hoạt thiếu nhi ở địa phương hoặc đưa con về quê chơi với ông bà, họ hàng để trải nghiệm không khí trong lành, đời sống, nghề nghiệp ở thôn quê.
Áp lực học thêm có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nào đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ?
Áp lực một chút thì thúc đẩy sự nỗ lực, sáng tạo và đem lại hiệu suất tốt nhưng áp lực kéo dài sẽ dẫn đến sự kiệt sức. Với trẻ, nếu phải sống trong căng thẳng quá nhiều có thể dẫn đến việc bị sợ học, chán nản việc đến trường, sợ thầy cô, bố mẹ. Điều này để lại hậu quả vô cùng xấu với các bé.
Việc học, thiết nghĩ đến cuối cùng cũng chỉ là để trẻ có kiến thức để làm việc, để chung sống với người khác, để cống hiến cho cộng đồng. Do đó, nếu trẻ không thích học thì khả năng tiếp thu giảm, chán học, ghét bỏ bố mẹ, thầy cô, trường lớp vì bị ép học thì sẽ mất hết ý nghĩa của việc học. Con cần thấy ý nghĩa của việc học và ý nghĩa kiến thức con học được, chứ không phải là điểm số với những dạng bài toán mà con không biết học để làm gì.
Hơn thế nữa, mỗi đứa trẻ có năng lực và thế mạnh khác nhau, chúng ta không thể cào bằng và gò ép vào những cái khuôn như nhau và đánh giá bằng điểm số ở trường học. Có nhiều đứa trẻ bị lo âu, stress, mất kết nối với các mối quan hệ vì học nhồi nhét quá mức. Do đó, tuỳ theo nguyện vọng và khả năng mà bố mẹ chọn cho con những khoá học phù hợp, không nên ép con học quá nhiều.
Trong tình huống con trẻ không thích đi học thêm thì bố mẹ làm như thế nào?
Nếu con không thích đi học thêm thì bố mẹ cũng sẽ tôn trọng ý muốn của con. Đồng thời, tìm hiểu xem con có sở thích hay nguyện vọng học hay trải nghiệm gì khác để đăng ký cho con.
Nguyên tắc cần nằm lòng đối với quý phụ huynh là việc học là của con, và cần sự chủ động từ con chứ không phải từ bố mẹ. Nếu con muốn học gì đó thì tạo điều kiện cho con học chứ không ép, vì ép thì vừa tốn tiền vô ích, vừa ảnh hưởng không tốt đến con và mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái cũng không được êm đẹp, thuận thảo.