Những đứa trẻ được bố mẹ nuôi dạy theo quan điểm “nuôi nhi dưỡng lão" thường rất dễ gặp áp lực.
Có một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận rằng, bố mẹ chính là người yêu thương và quan tâm con vô điều kiện. Chính vì thế mà không có gì lạ khi con cái muốn phụng dưỡng và lo lắng cho bố mẹ. Đó vốn dĩ là đức tính hiếu thuận, đạo làm con rất đáng trân quý ở mỗi đứa trẻ sau khi trưởng thành.
Dẫu vậy thì "chữ hiếu" nên xuất phát từ chính tấm lòng bên trong của con, thay vì bố mẹ có sự tác động ngay từ khi con còn nhỏ. Nghĩa là từ khi trẻ chào đời, bố mẹ đã nuôi dạy con bằng tư tưởng "dưỡng nhi đãi lão”, nuôi con với dụng ý khi về già con cái sẽ báo hiếu bằng cách nuôi lại mình.
Tư tưởng nuôi dạy con của bố mẹ cần phải phù hợp với thời đại, như vậy thì mới mang lại hiệu quả cao (Ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên ở thời hiện đại ngày này, cách bố mẹ suy nghĩ và phương pháp bố mẹ giáo dục trẻ có thể sẽ không còn phù hợp với thực tế nữa. Việc bố mẹ nuôi dạy không phù hợp hoặc sai cách có thể để lại những hậu quả tiêu cực đối với quá trình phát triển lành mạnh của trẻ trong tương lai.
Hiểu được điều này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã đưa ra một số quan điểm và gợi ý sâu sắc về vấn đề "nuôi nhi dưỡng lão" để các bậc phụ huynh có thể suy gẫm, từ đó lựa chọn một hướng giáo dục con cái thật hợp tình hợp lý ở thế kỷ 21 này.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thưa chuyên gia, bố mẹ có nên mang tư tưởng "Nuôi nhi dưỡng lão" không và vì sao nhiều người cho rằng tư tưởng này không còn phù hợp với xã hội hiện nay nữa?
Từ xưa, ông bà ta thường nói “trẻ cậy cha, già cậy con” với ngụ ý khi nhỏ thì nhờ vào bố mẹ, khi về già thì phải nhờ con cái. Điều này dẫn đến tư tưởng sinh con, nuôi con để sau này có người chăm sóc, nhờ vả khi về già nên khuyến khích sinh nhiều con để chúng đỡ đần nhau và thậm chí ông bà ta còn nói “nhiều con, nhiều của”. Tư tưởng này ngày nay có nhiều phần không còn phù hợp với thời đại nữa, thể hiện ở một số điểm như sau:
Một là, ngày nay sinh con và nuôi con không thể theo kiểu “trời sinh voi, sinh cỏ” nữa mà cần rất nhiều công sức và sự đầu tư để đứa trẻ được chăm sóc và nuôi dưỡng “đến nơi đến chốn”. Như vậy, bố mẹ cần có tiềm lực kinh tế tốt, có thời gian lo cho con cái cho bằng bạn bằng bè để tăng khả năng có cuộc sống ổn định trong tương lai cho con. Mà nếu bố mẹ có kinh tế tốt thì cũng có khả năng tự dành dụm để lo cho mình khi về già, không cần đến sự phụ thuộc vào con.
Hai là, xã hội bây giờ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cạm bẫy, nếu sinh nhiều con nhưng không thể tập trung nuôi dạy tốt cho từng đứa con được, sẽ có thể dẫn đến việc con đi chệch hướng, vô tình đem lại nhiều lo lắng thêm cho bố mẹ, mang thêm nhiều vất vả để xử lý hậu quả mà con gây ra.
Thứ ba, xã hội ngày nay có sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ, sự cạnh tranh ngày càng tăng, đòi hỏi con người phải nỗ lực rất nhiều để có được mức thu nhập đáp ứng tốt cho cuộc sống. Đó là lý do mà nhiều người con khi trưởng thành phải vất vả mưu sinh hay phấn đấu cho sự nghiệp, xây dựng, chăm sóc và phát triển gia đình của mình nên cũng khó để chăm sóc cho bố mẹ tốt được. Dù con muốn chăm sóc bố mẹ nhưng điều kiện không cho phép cũng đành chịu.
Thứ tư, nếu con được tự do là chính mình, những quyết định không bị ràng buộc bởi nhiều trách nhiệm phải gánh thì con sẽ có khả năng dám chấp nhận thử thách và mạo hiểm với những giấc mơ lớn hơn, điều này có thể tăng cường khả năng phát triển bản thân con hơn.
Quan điểm “nuôi nhi dưỡng lão” của bố mẹ có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý, tính cách và sự phát triển của trẻ không?
Những đứa trẻ được bố mẹ nuôi theo quan điểm “nuôi nhi dưỡng lão” có khả năng cao được nghe bố mẹ nhắc nhiều về công lao sinh thành, dưỡng dục và gửi gắm vào tương lai việc phụng dưỡng bố mẹ khi về già. Điều này gây một áp lực không nhỏ lên con cái về việc mang ơn và phải trả hiếu.
Nghĩa vụ này khiến đứa trẻ không dám làm điều gì đó cho mình, vì mình mà thường chọn mục tiêu phù hợp với mong đợi của bố mẹ. Từ đó có thể ngầm ảnh hưởng đến việc đứa trẻ lớn lên luôn mang một áp lực phải thành công, phải có nghĩa vụ sống vì gia đình mà không dám sống với ước mơ riêng của mình nếu ước mơ đó có vẻ không an toàn cho nhiệm vụ thiêng liêng là chăm sóc bố mẹ. Điều này sẽ chi phối mọi lựa chọn và quyết định của con.
Hậu quả có thế xảy ra theo 2 hướng: Thứ nhất, con mất đi niềm vui và động lực tự thân cho mỗi hành vi của mình, vì có động lực bên ngoài là làm vì bố mẹ. Thứ hai, con có những bực bội, dễ nổi giận và đổ lỗi cho những điều bất như ý xảy đến trong cuộc đời là vì bố mẹ.
Nếu con không thành công dễ mất ý chí, cảm thấy thua kém, cảm thấy vô giá trị. Nếu thành công, trong con vẫn có cảm giác không đầy đủ, không hạnh phúc vì mình chưa sống cho mình. Hơn nữa, những bố mẹ có tâm lý nuôi con để nhờ khi về già có thể đầu tư quá mức cho con về tài chính mà chưa có sự cân nhắc, đặt ra giới hạn cho con, khiến con phát triển lệch lạc về quan điểm sống, hình thành các hành vi không phù hợp.
Trường hợp điển hình là việc chiều con vô lối của một số phụ huynh khiến con không xây dựng được nguyên tắc sống, giá trị sống, chỉ biết hưởng thụ, ích kỷ, không có mục tiêu sống,… dẫn đến việc bố mẹ đau đầu vì con không trưởng thành, phải lo từng chút một chứ không dám mơ được nhờ.
Có đúng khi nói: “Bố mẹ biết buông bỏ đúng lúc là thương con”?
Cái gì quá cũng không tốt, độc lập quá thường mất kết nối, bám dính quá thường mất khả năng tự lập; quan tâm lo lắng quá mức thì dẫn đến kiểm soát thái quá, cảm giác mất tự do. Vậy nên, lúc cần nắm thì bố mẹ phải nắm, lúc nên buông thì phải buông để con tự phát triển bản thân.
Việc buông tay để con lớn có ý nghĩa rất lớn đối với con. Bố mẹ cần tạo không gian cho con cảm nhận con là ai, con muốn trở thành người như thế nào, cách thức con định hình bản thân trong xã hội ra sao, như vậy trẻ mới biết mình cần phải làm gì để khiến mình hạnh phúc. Người có nhiều tiền chưa chắc hạnh phúc, nhưng người hạnh phúc luôn cảm thấy đủ đầy và sẵn lòng cho đi nên có thể phụng dưỡng tốt hơn cho bố mẹ.
Rất nhiều đứa trẻ mang trong mình mặc cảm tội lỗi bởi vì một mặt con muốn có hiếu với bố mẹ, một mặt con muốn có đời sống tự do của riêng mình. Mỗi khi con định làm gì đó cho mình lại sợ bố mẹ buồn, bố mẹ lo lắng, không ai lo cho bố mẹ nên lại thôi. Nhưng cảm giác thiếu thốn cái gì đó luôn làm cho con cảm thấy buồn bã, trống trải và nhen nhóm một sự đấu tranh ngầm, tâm trạng dễ cáu gắt và thể hiện điều này với bố mẹ của mình, khiến con buồn và giận bản thân hơn.
Bố mẹ nên buông bỏ bằng cách nào để con trẻ và cả bố mẹ đều có một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp trong tương lai?
Bố mẹ cần giúp con tự lập trong tư duy và ra quyết định bất cứ khi nào con có thể, nhỏ thì quyết định việc nhỏ như ăn gì, mặc gì, chơi gì, đọc gì. Lớn lên là chọn trường nào, học cái gì, tham gia môn thể thao nào. Trưởng thành hơn là yêu ai, làm nghề gì, chọn môi trường ra sao. Bố mẹ chỉ cần bên cạnh đồng hành, quan sát, gợi ý và sẵn sàng chìa tay ra giúp con khi con cần.
Giúp ở đây không hẳn là lo về kinh tế, mà có thể là nơi an toàn để con có thể thể hiện sự yếu đuối, mỏi mệt, những lần thất bại thì bố mẹ động viên, chỉ cho con chỗ chưa tốt để con lấy lại tinh thần bước đi tiếp. Vì cuộc đời là chuỗi những ngày luyện tập, con có thể bước hụt chân vài lần nhưng rồi con lại có thể đứng dậy bước đi tiếp và tránh những chỗ ổ gà, hố sâu để không hụt chân nữa trên con đường con đi.
Hơn nữa, mỗi cuộc đời, thời thế sẽ luôn khác nhau, làm sao bố mẹ biết được sống thế nào sẽ là tốt nhất cho con, chỉ có cách để con tự tìm đường và định hướng cho tương lai để tốt hơn.
Nếu bố mẹ có thể tự lo cho bản thân để con cái yên tâm bước đi trên hành trình con khao khát, mà không phải canh cánh trong lòng chuyện phụng dưỡng khi về già thì con có thể trải nghiệm và trưởng thành hơn trong tiến trình thành nhân của mình. Hẳn những đứa con sẽ biết ơn bố mẹ về điều này rất nhiều.