Tiến sĩ Tâm lý Việt chia sẻ cách dạy giúp con trở thành tỷ phú tương lai nhưng nhiều bố mẹ không biết

Kiều Trang - Ngày 12/12/2023 11:19 AM (GMT+7)

Giáo dục tài chính sớm có thể góp phần vào sự thành công chung của trẻ trong tương lai.

Giáo dục con cái là hành trình nhiều thử thách đối với hầu hết các bậc bố mẹ. Nếu dạy sai cách, bố mẹ có thể vô tình khiến trẻ hình thành những tư duy, thói quen không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh trong tương lai. Một trong những bài học quan trọng mà bố mẹ cần phải giáo dục sớm cho trẻ, đó chính là dạy con biết quý trọng sức lao động, quý trọng đồng tiền.

Sự thật thì khi nhắc về vấn đề dạy con quản lý tài chính, biết tiết kiệm tiền và sử dụng tiền thông minh, không ít ông bố bà mẹ quan niệm rằng trẻ con chưa biết gì cho nên không cần thiết phải chú trọng đến việc giáo dục sớm. Vậy nên thường đợi cho đến lúc trẻ trưởng thành, sẽ tự nhận thức hoặc đến khi đó thì dạy con vẫn chưa muộn.

Giáo dục về tiềm sớm cho trẻ sẽ giúp con dễ dàng đạt được thành công, trở thành người giàu có trong tương lai (Ảnh minh hoạ).

Giáo dục về tiềm sớm cho trẻ sẽ giúp con dễ dàng đạt được thành công, trở thành người giàu có trong tương lai (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của một đứa trẻ sẽ bắt đầu hình thành khi lên 7 tuổi. Từ thời điểm này là phù hợp nhất để bố mẹ bắt đầu cho con làm quen với những bài học về tiền, bao gồm xây dựng thói quen tiết kiệm, sống đơn giản không quá phung phí, sử dụng tiền sao cho hợp lý và cách dùng sức lao động để tạo ra tiền,...

Theo quan điểm của Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh, giáo dục tài chính sớm cho trẻ là một trong những kỹ năng quan trọng mà các bậc phụ huynh ngày nay cần phải đặc biệt quan tâm. Bởi tư duy và thói quen tốt về tài chính có thể góp phần vào sự thành công chung của trẻ trong tương lai.

Nghiên cứu sinh - Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.

Nghiên cứu sinh - Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.

Tiến sĩ Tâm lý Việt chia sẻ cách dạy giúp con trở thành tỷ phú tương lai nhưng nhiều bố mẹ không biết - 4

Thưa chuyên gia, có đúng khi nói rằng đứa trẻ được bố mẹ giáo dục về tiền sớm sẽ dễ thành công hơn so với những đứa trẻ khác?

Năm 2015, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) đã công bố một báo cáo tập trung vào vấn đề cấp bách là những khoảng hở thiếu sót của các kỹ năng cấp thiết trong thế kỷ XXI, và cách giải quyết thông qua công nghệ (báo cáo mang tên “New Vision for Education: Unlocking the Potential of Technology”). Trong báo cáo này, WEF đã xác định tập hợp 16 kỹ năng cần phải được thông thạo nhờ vào giáo dục và đào tạo. Một trong 16 kỹ năng đó chính là hiểu biết tài chính (Financial Literacy).  

Kỹ năng hiểu biết về tài chính không chỉ bao gồm việc tiêu tiền một cách khôn ngoan và đúng đắn, mà còn bao gồm cả việc biết thực hành tiết kiệm hoặc đầu tư. Nói một cách cụ thể, khi trẻ lớn lên, các con cần hiểu rõ và ứng dụng được các khái niệm về cho vay, đi vay, tiết kiệm và đầu tư, cũng như các kỹ năng cần thiết để lập kế hoạch tài chính hàng tháng và dài hạn.

Thế giới năng động ngày nay đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, việc trang bị kiến thức về tài chính cho trẻ nhỏ ngày càng trở nên quan trọng. Với sự ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, trẻ tuổi teen dần phát triển mong muốn kiếm nhiều tiền hơn để có thể tận hưởng một cuộc sống đủ đầy.

Trẻ "Tuổi teen" cũng háo hức muốn được đứng trên đôi chân của chính mình, và sử dụng đồng tiền do mình làm ra để đạt được những mơ ước cá nhân. Đó thật sự là một nguyện vọng chính đáng và thực tế, nhưng trẻ sẽ cần rất nhiều sự dạy bảo từ sớm để có thể hiện thực hóa ước mơ.

Trẻ nhỏ thường sẽ không thể tự động học được những bài học quan trọng, mà cần phải được dạy dỗ đúng cách và đúng thời điểm. Nền tảng hiểu biết về tài chính đúng đắn sẽ dẫn đến khả năng quản lý tài chính trong tương lai.

Dạy kiến thức về tài chính cho trẻ từ sớm còn mang lại những lợi ích đáng kể khác, bao gồm:

- Trẻ sẽ hiểu giá trị của đồng tiền và bắt đầu ít đòi hỏi hơn. Giải thích cho trẻ về giá của các mặt hàng khác nhau sẽ giúp trẻ dần xác định được đâu là mặt hàng đắt và không đắt.

- Khi trẻ hiểu được giá trị của đồ vật, trẻ sẽ cảm kích hơn rất nhiều khi được tặng một món quà hoặc một thứ gì đó bất ngờ.

- Bằng cách tìm hiểu về các rủi ro tài chính, trẻ em sẽ được chuẩn bị tốt hơn để tránh nợ nần và các rủi ro tài chính trong tương lai.

- Trẻ sẽ học được kỹ năng lên kế hoạch cho các sự kiện và kế hoạch trong tương lai, chẳng hạn như tiết kiệm cho một chuyến du lịch, đầu tư vào bất động sản, hoặc thậm chí kế hoạch nghỉ hưu sớm.

- Trẻ sẽ sống hạnh phúc hơn, cuộc sống ít căng thẳng hơn - lợi ích này thường bị bỏ qua, nhưng thật ra rất cần được nhấn mạnh trong thế giới đầy biến động ngày nay.

Giáo dục tài chính sớm có thể góp phần vào sự thành công chung của trẻ, vì nó rèn luyện các kỹ năng quý giá như lập ngân sách, tiết kiệm và ra quyết định có trách nhiệm. Tuy nhiên, định nghĩa về thành công cần mang tính đa chiều và phải bao gồm cả các yếu tố khác như trí tuệ cảm xúc, sức bền tâm lý và nhận thức tốt cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cho tương lai của trẻ.

Tiến sĩ Tâm lý Việt chia sẻ cách dạy giúp con trở thành tỷ phú tương lai nhưng nhiều bố mẹ không biết - 5

Việc đưa con trẻ vào tình huống thực tế về tiền bạc (ví dụ như cho tiền trợ cấp hàng tuần, làm việc nhà thưởng tiền, giao nhiệm vụ đi chợ,...) có giúp con hiểu hơn về giá trị của đồng tiền không? Tại sao?

Cho trẻ tham gia vào các tình huống tài chính thực tế sẽ rất có lợi. Nó cung cấp những bài học thực tế về lập ngân sách, kiếm tiền và chi tiêu có trách nhiệm. Việc trẻ nhận được một khoản tiền tiêu vặt khi hoàn thành thêm những công việc nhà nhiều hơn trách nhiệm hàng ngày, có thể dạy cho trẻ mối liên hệ trực tiếp giữa nỗ lực, lao động và phần thưởng tài chính, nuôi dưỡng sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị của đồng tiền.

Cần nhấn mạnh rằng, vấn đề tiền tiêu vặt cho trẻ không thể có một câu trả lời đúng đắn duy nhất áp dụng cho mọi gia đình. Chỉ có bố mẹ chính là chuyên gia hiểu con mình nhất. Tất cả mọi ý kiến khác đều chỉ hữu ích với mục đích tham khảo.

Bên cạnh đó, cũng đừng cứng nhắc dựa vào bất kỳ thước đo hay nguyên tắc nào, kể cả trải nghiệm của chính tuổi thơ bố mẹ ngày xưa, cũng có thể không hẳn là còn phù hợp và đúng đắn để áp dụng cho thời đại ngày nay.

Trước tiên, bố mẹ nên xem xét ngân sách của gia đình và đánh giá xem có thể thoải mái dành ra bao nhiêu cho khoản tiêu vặt định kỳ của con. Sau đó, hãy quyết định về hình thức thực hiện và điều khoản của khoản phụ cấp này. Một số gia đình có thể cho con như một khoản mặc định và cố định.

Một số nhà khác thì sẽ muốn gắn với cơ chế đóng góp làm việc nhà, hay là các khoản “thưởng” cho các thành tích của con. Khi bố mẹ xem khoản trợ cấp này như là một công cụ để dạy con hiểu biết về tài chính và quản lý tiền bạc, trẻ nhỏ sẽ sớm nhận ra bài học quý báu: “Hãy bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt”.

Tiến sĩ Tâm lý Việt chia sẻ cách dạy giúp con trở thành tỷ phú tương lai nhưng nhiều bố mẹ không biết - 6

Đâu là những lỗi sai nhiều bố mẹ hay mắc phải trong cách giáo dục khiến con trẻ không biết quý trọng đồng tiền?

Trong nhiều gia đình, tiền bạc có thể là một vấn đề nhạy cảm mỗi khi nhắc đến. Cách duy nhất để có thể vượt qua trở ngại này chính là hãy thẳng thắn, cởi mở và nói về nó thường xuyên hơn.

Nhiều bậc bố mẹ có thể chủ động không muốn cho con cái tham gia vào các cuộc trò chuyện về tiền bạc, tránh cho con trẻ không phải nghe những chủ đề nặng nề hoặc khó khăn về vật chất. Nhưng sự thật là càng né tránh, trẻ sẽ càng chậm trễ học được những kỹ năng về tài chính. Và hơn hết, bố mẹ hãy hiểu rằng, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý việc trò chuyện về tài chính với trẻ theo cách không hề đáng sợ.

Hãy bắt đầu bằng việc thống nhất một tư duy lành mạnh và rõ ràng, khi nhắc về tiền bạc từ mọi thành viên trong gia đình. Hãy tập cho con thói quen nghe, hiểu và nói về tài chính một cách thường xuyên, minh bạch và thoải mái.

Tuy nhiên, có những lỗi phổ biến bố mẹ cần tránh bao gồm:

- Nuông chiều quá mức: Cung cấp mọi thứ trẻ muốn mà không dạy trẻ khái niệm kiếm tiền hay tiết kiệm.

- Thiếu bài học về ngân sách: Không cho trẻ tham gia thảo luận về ngân sách gia đình và ra quyết định tài chính.

- Không đặt ra giới hạn: Tránh các cuộc trò chuyện về chi tiêu có trách nhiệm và hậu quả của việc mua sắm bốc đồng.

Trẻ em ở độ tuổi nào cũng có thể được tham gia một cách phù hợp vào những quyết định liên quan đến chi tiêu, cùng với sự giải thích và phân tích đúng đắn mà bố mẹ có thể cung cấp ở tầm hiểu biết và nhận thức của con. Bố mẹ nên cân bằng giữa việc chu cấp cho con cái, và dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để quý trọng và quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan.

Ví dụ như khi đi siêu thị, bố mẹ có thể tạo cơ hội cho trẻ mẫu giáo được tự chọn mua món ăn vặt/ăn xế trong giới hạn số tiền mà bạn đưa ra. Từ đó, hãy thử gợi ý cho con một vài lựa chọn và phân tích với con về các lựa chọn phù hợp trong ngân sách đó. 

Tiến sĩ Tâm lý Việt chia sẻ cách dạy giúp con trở thành tỷ phú tương lai nhưng nhiều bố mẹ không biết - 7

Chuyên gia nghĩ gì về cách dạy con về tiền bạc "ngược đời" của các tỉ phú thế giới, chẳng hạn người cho con tiêu pha để học cách kiếm tiền, người lại dạy con phải biết keo kiệt với chính mình?

Các chuyên gia nhấn mạnh vào cách tiếp cận phải mang tính cân bằng. Cho trẻ tiếp xúc với thực tế của sự giàu có có thể mang lại những bài học quý giá về quản lý tài chính, tinh thần kinh doanh và hoạt động từ thiện.

Tuy nhiên, việc thấm nhuần tinh thần trách nhiệm và học cách chi tiêu điều độ là rất quan trọng. Khuyến khích trẻ chi tiêu khôn ngoan, tiết kiệm và hiểu tác động của các quyết định tài chính sẽ thúc đẩy sự hiểu biết toàn diện hơn về tiền bạc và thành công cho trẻ.

Mục tiêu là dạy trẻ sử dụng các nguồn lực của mình một cách khôn ngoan và có mục đích, bất kể nền tảng tài chính của trẻ như thế nào.

Chuyên gia tâm lý: Bố mẹ vô tư cho trẻ sử dụng mạng xã hội nếu đảm bảo các nguyên tắc vàng này
Gia đình và nhà trường cần có những hình thức giáo dục kỹ năng tham gia mạng xã hội an toàn cho trẻ trước khi quá muộn.

Phương pháp giáo dục sớm

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phương pháp giáo dục sớm