Phương pháp "nuôi dạy con ngược" ngày càng được nhiều bố mẹ trẻ Việt áp dụng.
"Nuôi dạy con ngược" là một trào lưu đang ngày càng phổ biến đối với những ông bố bà mẹ trẻ trong xã hội hiện nay. Mặc dù không phải bậc phụ huynh nào cũng dám áp dụng phương pháp "nuôi dạy con ngược", vì sợ gây ra tác hại cho sự phát triển tâm lý của con.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phương pháp này đôi khi rất hiệu quả trong việc giáo dục con cái. Thay vì chỉ giảng lý thuyết cho trẻ, thì việc để trẻ tự nếm trải nỗi đau do sự cố ý của mình gây ra, trẻ sẽ có thể tự cảm nhận và hiểu ra vấn đề của bản thân.
Chẳng hạn như câu chuyện về một cậu bé tên là Tiểu Cường (Trung Quốc), là một đứa trẻ đang chuẩn bị bước vào độ tuổi mẫu giáo với tính cách mè nheo, ương bướng, và thường xuyên có thái độ "kén cá chọn canh" trong mỗi bữa ăn. Thậm chí, vì được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ nên Tiểu Cường dần hình thành thói quen đòi hỏi phải có người đút ăn, nếu không sẽ không chịu hợp tác.
Quan sát thấy tính xấu này ở Tiểu Cường sau một tuần đầu đi học mẫu giáo, cô giáo của Tiểu Cường đã quyết định thực hiện một phương pháp "giáo dục ngược" để trị "thói hư tật xấu" của cậu bé. Cô giáo không cho Tiểu Cường ăn uống trong vòng một tuần, cụ thể là khi cậu bé tỏ thái độ mè nheo kén ăn thì sẽ bỏ luôn phần thức ăn đó, rồi cho cậu ngồi nhìn các bạn khác ăn.
"Nuôi dạy ngược" nên được áp dụng một cách phù hợp để tạo ra hiệu quả tích cực thay vì tiêu cực (Ảnh minh hoạ Internet).
Ban đầu, Tiểu Cường rất vui vẻ, thích thú vì không bị ép ăn, nhưng dần dần cậu bé cảm thấy khó chịu và khóc lóc vì nhịn ăn lâu nên lượng thức ăn nạp vào cơ thể không đủ, khiến cho Tiểu Cường thường xuyên thấy đói. Khoảng thời gian sau đó, Tiểu Cường đã bắt đầu hình thành tính tự giác, ăn uống một cách tự chủ và ngoan ngoãn, không để cô giáo phải nhắc nhở hay dỗ dành đút ăn từng thìa cơm.
Kết thúc tuần học thứ 2, cô giáo đã nói chuyện với bố mẹ của Tiểu Cường và giải thích lý do của việc này. Bất chấp sự phản đối ban đầu, phụ huynh của Tiểu Cường đã cảm kích vì cách làm này và bắt đầu thay đổi phương pháp nuôi dạy con của mình.
Kết quả, Tiểu Cường đã trở thành một đứa trẻ biết tự chủ hơn, ăn uống một cách nghiêm túc và ngoan ngoãn trên bàn ăn, tự tin hơn trong việc thích nghi với các môi trường khác nhau. Cả bố mẹ và cô giáo đều hài lòng với sự thay đổi thói quen, tính cách của Tiểu Cường và tin rằng đây là một bài học quý giá về việc nuôi dạy con.
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp "nuôi dạy ngược" này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi nhắc nhở bố mẹ cần phải lưu ý đến độ tuổi, và loại vấn đề của trẻ để có những cách giáo dục phù hợp. Với trẻ nhỏ, các vấn đề như ăn, ngủ, vui chơi, mua sắm thường diễn ra hàng ngày.
Khi đứng trước những đứa trẻ còn non nớt, phương pháp "nuôi dạy ngược" có thể giúp bố mẹ đạt được kết quả mong muốn khi vấn đề xảy ra. Tuy nhiên, bố mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng và áp dụng phương pháp này với sự tôn trọng và yêu thương đối với con cái của mình để đạt được hiệu quả tích cực, tránh tình huống ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Ngày nay, có một số phụ huynh trẻ từ bỏ phương pháp kỷ luật truyền thống, thay vào đó áp dụng một phương pháp thúc đẩy hành vi xấu của con lên tối đa, từ đó dạy con bài học. Chuyên gia nghĩ gì về sự thay đổi trong cách nuôi dạy con này?
Ngày nay có nhiều phụ huynh cho rằng, cần cho trẻ tự trải nghiệm sau đó rút ra bài học thì hiệu quả hơn việc nghe lời dạy bảo của cha mẹ.
Đây cũng là một phương pháp khá hiệu quả với một số trẻ có cá tính mạnh, có lượng kiến thức tương đối tốt, và thường nằm trong giai đoạn trẻ vị thành niên. Còn với trẻ nào ít kinh nghiệm, tuổi đời nhỏ, tính khá nhút nhát và hay lo sợ thì lại không phù hợp.
Việc "nuôi dạy con ngược" là có lợi hay có hại cho trẻ? Mặt lợi và mặt hại đó là gì?
Mặt lợi của việc dạy trẻ theo cách cho trẻ tự trải nghiệm và rút ra bài học, sau đó sẽ giúp trẻ “tâm phục khẩu phục” và ghi nhớ sâu hơn những bài học ấy.
Lần sau gặp trường hợp tương tự trẻ sẽ biết cách khắc phục. Đồng thời, việc trải nghiệm và tự giải quyết vấn đề cũng giúp trẻ tăng cường tư duy và các kỹ năng sống khác.
Tuy nhiên, nếu trẻ chưa có kỹ năng và kiến thức trước những tình huống mới thì trẻ có thể gặp phải những khó khăn và lo lắng, hơn nữa nếu trẻ gặp thất bại nhiều lần thì sẽ trở nên tự ti về năng lực của bản thân, nghi ngờ về cuộc sống và người thân vì không nhận được sự hỗ trợ từ mọi người.
Vì sao đối với trẻ ở độ tuổi nổi loạn, việc "nuôi dạy con ngược" tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với những đứa trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn?
Nếu như ở độ tuổi nhỏ, trẻ có thể cần hướng dẫn của cha mẹ rồi mới làm thì sẽ giảm mức độ rủi ro hơn so với lứa tuổi nổi loạn. Trẻ ở tuổi vị thành niên có sự phát triển nhanh về cơ thể, trẻ có cảm giác mình trở thành “người lớn”, bộ não, cảm xúc phát triển.
Tuy nhiên vùng não liên quan đến tư duy logic, hoạch định và ra quyết định chín chắn thì lại chưa hoàn thiện, do đó trẻ dễ bốc đồng và không lường được hết các hệ quả từ hành vi của mình, nên đôi khi sẽ gặp những rắc rối không đáng, thậm chí có những vấn đề một khi đã xảy ra thì rất khó để khắc phục, để lại hậu quả đáng tiếc cho trẻ.
Cũng là một người mẹ, chuyên gia có áp dụng phương pháp này với con hoặc từng chứng kiến gia đình khác áp dụng nó? Nếu bố mẹ muốn áp dụng cách nuôi dạy con này thì chuyên gia có lời khuyên, hướng dẫn nào cho bố mẹ để họ biết cách áp dụng đúng đắn và hiệu quả?
Tôi có áp dụng phương pháp này với con của mình, khi thấy vấn đề con có thể tự quyết và học hỏi từ những trải nghiệm thì tôi luôn khuyến khích con làm. Nếu cần có sự định hướng từ trước thì tôi luôn sẵn lòng làm điều này và cho con biết tôi sẽ luôn ở ngay bên cạnh, con có thể tìm đến mẹ để được hỗ trợ.
Theo quan điểm của tôi, phương pháp giáo dục "nuôi dạy ngược" nên được áp dụng có chọn lọc, tuỳ vào từng hoàn cảnh và mức độ phát triển của con. Đồng thời, khi cho con tự làm thì ba mẹ cũng cần ở bên cạnh, và sẵn sàng hỗ trợ khi con cần để bé không cảm thấy cô đơn, lạc lõng và an tâm khám phá thế giới.
Hơn nữa, trong những trường hợp con còn thiếu kinh nghiệm thì ba mẹ cũng nên chỉ ra cho con thấy những giải pháp và phân tích ưu nhược điểm của từng giải pháp, từ đó con sẽ suy nghĩ và lựa chọn giải pháp phù hợp với mình.
Ngoài ra, trong tình huống có những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cần có sự can thiệp ngay lập tức để không xảy ra điều đáng tiếc, tránh những thất bại liên tiếp để tránh làm đổ vỡ lòng tự trọng và giá trị của con.