Nhiều bố mẹ dạy con khá cứng nhắc dựa vào quan niệm giới tính.
Trong xã hội hiện đại, việc nuôi dạy con cái không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức và kỹ năng mà còn là hành trình giúp trẻ khám phá và phát triển toàn diện bản thân. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là một số bậc phụ huynh vẫn áp dụng những phương pháp giáo dục cứng nhắc dựa trên đặc điểm giới, tạo ra những khuôn mẫu hạn chế sự phát triển của trẻ.
Chẳng hạn, không ít bố mẹ dạy con trai phải mạnh mẽ, gan dạ, không được khóc, trong khi con gái phải dịu dàng, thùy mị và chăm làm việc nhà. Những định kiến về giới này không chỉ kìm hãm tiềm năng của trẻ mà còn tạo ra những áp lực vô hình, khiến con cảm thấy bị gò bó và không được sống đúng với bản thân mình.
Nhiều bố mẹ dạy con khá cứng nhắc dựa vào quan niệm giới tính (Ảnh minh hoạ).
Việc giáo dục con trẻ theo cách như vậy có thể ảnh hưởng đến sự tự tin, khả năng sáng tạo và cả mối quan hệ xã hội của bé trong tương lai.
Chính vì vậy, Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh đã gợi ý những cách tiếp cận trong việc nuôi dạy con cái dưới đây, để tạo ra môi trường phát triển công bằng và đa dạng hơn, nơi mà mỗi đứa trẻ đều có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, dù con thuộc giới tính nào đi chăng nữa.
Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Thị Tú Anh.
Nhiều bố mẹ khi dạy con trai và con gái có sự phân biệt rõ ràng, con trai phải mạnh mẽ, con gái phải dịu dàng. Đôi khi vì thế mà bố mẹ ép buộc trẻ thay vì để con phát triển đúng với bản chất của mình, chuyên gia nghĩ cách giáo dục này đúng hay sai?
Nhìn trên thực tế, dù vô tình hay cố ý, không ít cha mẹ có xu hướng lựa chọn màu sắc của đồ dùng theo giới tính của con. Các thương hiệu cũng thường giới thiệu sản phẩm với hệ màu đặc trưng “Hồng là cho bé gái – Xanh là cho bé trai”. Cũng có một số phụ huynh chủ ý tìm kiếm những màu sắc khác như vàng, cam hoặc xanh lá, nhưng lý do chỉ đơn giản là vì “không thích màu hồng hoặc xanh dương”.
Đến khi con trẻ bắt đầu nhận thức, mọi người trong gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi, thường nói những câu như: “Con trai ai lại mặc màu hồng” hay “Con gái thì phải chơi búp bê, xe cộ khủng long là của con trai” hoặc “Con trai chơi nấu bếp làm gì, phải chơi bắn súng chứ”...
Điều này tạo ra những khuôn mẫu về giới (gender stereotype) và vai trò giới (gender role). Người lớn đang định hướng lựa chọn cá nhân của con trẻ cho “đúng” với thiên kiến của xã hội về sự khác biệt giới tính, để con “không bị chê cười khi ra đường.” Nhưng hãy tự hỏi, liệu điều đó có giúp ích cho sự phát triển cũng như tương lai của con không?
Một số bố mẹ thường hay có câu cửa miệng như "Con là con trai thì không được khóc", "Con là con gái thì phải biết làm việc nhà"... Theo chuyên gia cách nuôi dạy con trai, con gái cứng nhắc như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến trẻ?
1. Ngăn con được làm chính mình
Nếu chúng ta cứ tiếp tục “tiêm nhiễm” vào đầu óc con trẻ những định kiến như vậy thì liệu có công bằng cho những đứa trẻ với đặc điểm khác biệt? Khi con không vừa vặn với bất kỳ khuôn mẫu nào, nhưng phải gò mình theo quan niệm của người lớn và kìm nén cá tính riêng, đời sống tinh thần của con chắc hẳn sẽ vô cùng tiêu cực và u uất.
Xã hội hiện nay ngày một cởi mở hơn trong việc tiếp nhận và tôn trọng sự khác biệt của từng cá thể, đặc biệt là về giới. Một cá nhân được quyền lựa chọn bản dạng giới và cách thể hiện giới của mình. Chẳng hạn, một người có thể lựa chọn “khai báo" mình là nam, nữ, hoặc không tiết lộ/ không xác định; hay lựa chọn được xưng hô là “anh ấy", “cô ấy", hoặc cách xưng hô phi nhị nguyên giới như “họ".
2. Vô tình giới hạn lựa chọn của con
Trước đây, thương hiệu đồ chơi trẻ em nổi tiếng thế giới Hamleys luôn chia ra 2 tầng riêng theo giới tính: một tầng là đồ chơi dành cho bé gái chỉ toàn sắc hồng, và một tầng là đồ chơi dành cho bé trai với sắc xanh dương. Nhưng từ năm 2011, thương hiệu đến từ Anh Quốc này đã thay bằng các bảng hiệu phân chia theo hạng mục đồ chơi như thú nhồi bông, xe cộ, mô hình,... Chiến dịch của Hamleys bắt nguồn từ nhận định của nhà khoa học thần kinh Laura Nelson: “Sự phát triển của con trẻ sẽ bị giới hạn nếu các con chỉ được chơi với một loại đồ chơi nhất định.”
Qua quan sát và nhiều buổi tư vấn với các gia đình đang chuẩn bị đón em bé thứ hai, tôi nhận thấy sự khác biệt trong cách phản ứng với tin vui này của đứa con đầu. Các bé gái thường rất háo hức với việc có em, còn các bé trai lại không nhiệt tình lắm. Tôi tự hỏi, có phải vì các bé gái thường được chơi búp bê nên con cảm thấy quen thuộc với ý tưởng bế ru và chăm sóc em nhỏ không?
Khi phụ huynh đóng khuôn sự lựa chọn, con sẽ mất đi rất nhiều cơ hội trải nghiệm và học hỏi. Vô tình, họ cũng đang ngăn cản con khám phá tính cách, tài năng, điểm mạnh và điểm yếu. Điều này rất dễ dẫn đến khủng hoảng căn tính (identity crisis) về sau.
3. Tiền đề của phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới
Khuôn mẫu chính là tiền đề của định kiến xã hội. Khi một cá nhân không tuân theo, họ sẽ bị số đông phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị. Những định kiến này ăn sâu sẽ khiến nhiều người khó lòng khoan dung hơn với những điều khác biệt. Hơn nữa, khuôn mẫu giới tính còn là vật cản ngăn chúng ta hướng đến bình đẳng giới và xoá bỏ sự phân biệt giới tính.
Vậy nên, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy trở thành những bậc cha mẹ văn minh hơn, cấp tiếp hơn, và hãy dạy con rằng: “Hồng là một màu sắc, xanh cũng là một màu sắc. Vậy thôi!”
Đâu là những dấu hiệu để bố mẹ nhận biết, con đang gặp khó khăn do áp lực từ cách giáo dục dựa vào quan niệm giới tính của bố mẹ?
Các dấu hiệu để bố mẹ nhận biết rằng, con đang gặp khó khăn do áp lực từ cách giáo dục dựa vào quan niệm giới tính bao gồm:
- Thể hiện sự căng thẳng hoặc lo lắng: Trẻ có thể trở nên căng thẳng, lo lắng, hoặc bồn chồn khi phải tuân theo những chuẩn mực giới tính cứng nhắc. Trẻ có thể tỏ ra lo sợ khi phải thực hiện các hoạt động không phù hợp với giới tính mà xã hội quy định.
- Sự tự ti và giảm lòng tự trọng: Trẻ có thể cảm thấy tự ti, giảm lòng tự trọng khi không thể phù hợp với những kỳ vọng về giới tính của bố mẹ và xã hội. Trẻ có thể tự trách mình, và cho rằng mình không đủ tốt khi không đáp ứng được những yêu cầu đó.
- Hành vi tiêu cực và thay đổi tâm trạng: Sự bất mãn và áp lực có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực như bùng nổ cảm xúc, phản kháng, hoặc thu mình lại. Trẻ có thể trở nên trầm cảm, buồn bã, hoặc tức giận khi phải đối diện với những kỳ vọng không thực tế.
- Tránh né các hoạt động: Trẻ có thể tránh né các hoạt động, hoặc trò chơi mà chúng cho là không phù hợp với giới tính của mình theo chuẩn mực xã hội. Điều này có thể dẫn đến trẻ mất cơ hội phát triển toàn diện, và giảm khả năng học hỏi và trải nghiệm.
- Khủng hoảng căn tính: Trẻ có thể trải qua khủng hoảng căn tính khi cảm thấy mình không thuộc về bất kỳ nhóm nào, hoặc không thể thể hiện bản thân một cách chân thực. Trẻ có thể hoang mang về bản dạng giới của mình, và cảm thấy mất phương hướng trong cuộc sống.
Bố mẹ có thể làm gì để thay đổi cách dạy con, tránh các quan niệm giới tính cứng nhắc?
Để thay đổi cách dạy con và tránh các quan niệm giới tính cứng nhắc, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Tôn trọng sự đa dạng và cá nhân hóa: Bố mẹ nên tôn trọng sự đa dạng và đặc điểm cá nhân của mỗi đứa trẻ. Khuyến khích con phát triển theo hướng mà chúng mong muốn, với nền tảng là những giá trị sống đúng đắn, những giá trị văn hóa đạo đức phù hợp, thay vì áp đặt những kỳ vọng dựa trên giới tính.
- Giáo dục về sự bình đẳng giới: Dạy con về sự bình đẳng giới và tầm quan trọng của việc tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt. Bố mẹ có thể sử dụng sách, phim ảnh và các tài liệu giáo dục để minh họa về sự đa dạng và bình đẳng.
- Khuyến khích các hoạt động không phân biệt giới tính: Hỗ trợ và khuyến khích con tham gia vào các hoạt động chúng yêu thích mà không bị ràng buộc bởi giới tính. Cho phép con chơi với bất kỳ loại đồ chơi nào, tham gia vào bất kỳ môn thể thao hay hoạt động nghệ thuật nào mà chúng thích.
- Làm gương và thay đổi hành vi: Bố mẹ cần làm gương bằng cách thay đổi chính hành vi và suy nghĩ của mình. Thể hiện sự cởi mở và linh hoạt trong việc chấp nhận và tôn trọng sở thích, tài năng của con, bất kể chúng không phù hợp với chuẩn mực giới tính truyền thống.
- Thúc đẩy giao tiếp mở và lắng nghe: Xây dựng môi trường giao tiếp mở và lắng nghe con. Hãy để con cảm thấy an toàn khi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và mối quan tâm của mình mà không bị phán xét hay áp đặt.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp: Nếu cần thiết, bố mẹ có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc các nhà giáo dục để nhận sự hỗ trợ, và tư vấn về cách dạy con theo hướng không phân biệt giới tính và tôn trọng cá nhân hóa.
Bằng cách áp dụng những biện pháp này, bố mẹ có thể tạo ra môi trường nuôi dưỡng tích cực, giúp con phát triển toàn diện và tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân, từ đó tránh được những áp lực và khó khăn liên quan đến các quan niệm giới tính cứng nhắc. Cuối cùng, cha mẹ nên cập nhật những kiến thức mới nhất về tâm lý trẻ em và giáo dục giới tính để nuôi dạy con một cách tiên tiến và phù hợp nhất.