Nhiều bố mẹ luôn tin rằng, điều mình làm luôn tốt đối với con, nhưng thực tế không phải vậy.
Có một câu nói mà hầu như trong mọi gia đình, đứa trẻ nào cũng sẽ thường nghe bố mẹ mình lặp đi lặp lại rằng "Bố mẹ làm tất cả điều này là vì muốn tốt cho con". Đồng ý là trong suy nghĩ của bố mẹ, họ thực sự muốn được che chở, bảo vệ con nên mới thường thay con quyết định mọi thứ, từ việc nhỏ nhất cho đến việc quan trọng nhất.
Nhưng đôi khi vì tin rằng điều mình làm sẽ tốt cho con, mà bố mẹ đã bỏ qua hoặc thậm chí là cố tình lờ đi việc hiểu mong muốn thực sự của con là gì, và quan tâm đến cảm xúc hay sở thích của trẻ.
Không phải tất cả thứ bố mẹ cho con đều thích, thế nên việc lắng nghe mong muốn của con rất quan trọng (Ảnh minh hoạ).
Điều này khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa cách, quan trọng là gây nên những tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Đó là lý do mà chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui khuyến khích các bậc phụ huynh cần xem xét lại tư tưởng giáo dục này. Bởi thực tế, đây là quan điểm mà nhiều ông bố bà mẹ ngày nay vẫn thường áp dụng trong quá trình nuôi dạy con cái. Bố mẹ cần điều chỉnh để tránh những ảnh hưởng không đáng đến trẻ về sau.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TP HCM.
Thưa chuyên gia, tại sao nhiều bố mẹ có xu hướng đưa ra quyết định về mọi thứ cho con mà không chắc chắn, thậm chí không quan tâm đến cảm xúc là con sẽ thích hay không?
Điều này bắt nguồn từ niềm tin của bố mẹ rằng, bố mẹ hiểu rõ đứa trẻ của mình. Hơn nữa, bố mẹ cũng tin vì con còn nhỏ, nhận thức chưa hoàn thiện nên không thể tự mình đưa ra quyết định. Nếu con tự quyết định thì sẽ có nguy cơ quyết định sai, thế nên cách an toàn là bố mẹ sẽ làm thay con.
Đây là hai tâm thế rất rõ ràng, phổ biến của nhiều bậc phụ huynh có xu hướng đưa ra quyết định về mọi thứ cho con. Thậm chí ngay cả những vấn đề mang tính cá nhân, do chính con trải nghiệm như quần áo con mặc, môn con học, món đồ con chơi,...
Ngoài ra cũng còn một lý do nữa đó là bố mẹ quan điểm chỉ khi con đủ 18 tuổi, có thể tự làm ra tiền thì mới có quyền quyết định mọi thứ. Còn dưới 18 tuổi con vẫn nhờ vào sự trợ cấp, vẫn còn sử dụng tiền của bố mẹ thì con phải nghe theo sự quyết định của bố mẹ. Thực ra điều này đúng, nhưng nó chỉ đúng 50%.
Thay vì lắng nghe nhu cầu của con, nhiều bố mẹ luôn nói "Bố mẹ làm mọi thứ vì muốn tốt cho con". Chuyên gia nghĩ bố mẹ đúng hay sai, vì sao?
Trong tình huống này, bố mẹ vừa đúng mà cũng vừa sai.
Đúng là vì bố mẹ thực sự muốn tốt cho con, và hầu hết bố mẹ đều tin rằng việc mình làm sẽ mang lại giá trị tích cực nào đó cho trẻ. Tuy nhiên nó chỉ dừng lại ở niềm tin thôi, còn nếu kèm theo câu "bố mẹ làm mọi thứ vì muốn tốt cho con" thì sẽ thành không đúng.
Bởi vì tốt cho con không đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ làm mọi thứ, có thể trong những điều bố mẹ làm thì chỉ thực sự có một vài điều con cần và nó có giá trị tích cực với con.
Nhưng xuất phát từ sự khác nhau liên quan đến khoảng cách thế hệ, liên quan đến niềm tin, sở thích và tư duy cho nên bố mẹ mới thường nói câu như thế. Nếu vậy thì bố mẹ cần thay đổi niềm tin của mình. Tuy nhiên nhiều bố mẹ có tính bảo thủ, thậm chí dù không chắc chắn việc bản thân làm sẽ tốt cho con nhưng vẫn làm. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu rất lớn đến quá trình phát triển toàn diện của con trẻ.
Người lớn từng làm trẻ con, nhưng trẻ con chưa bao giờ là người lớn. Việc bố mẹ thấu hiểu, lắng nghe nhu cầu của con sẽ mang lại những lợi ích gì?
- Lợi ích đầu tiên khi bố mẹ thấu hiểu, lắng nghe nhu cầu của con là giúp cho trẻ có cảm giác hạnh phúc, tin tưởng.
Cảm giác tin tưởng, hạnh phúc ở đây được hình thành nhờ vào việc bố mẹ đã tôn trọng con, chia sẻ với con những trải nghiệm, hiểu biết của bản thân dựa trên tinh thần cởi mở, đặt con vào vị trí người lắng nghe. Chứ không phải gây áp lực hoặc thậm chí ra lệnh để con buộc phải làm theo những kinh nghiệm bố mẹ truyền lại.
- Lợi ích thứ hai là bản thân bố mẹ cũng sẽ nhận được nhiều sự tích cực, hiệu quả trong việc nuôi dạy con và đặc biệt là gắn kết mối quan hệ gần gũi với con.
Bởi tôi tin rằng, người lớn đã từng làm trẻ con, nhưng người lớn chưa từng là trẻ con trong dòng chảy ngày nay, trong hoàn cảnh và thế hệ này. Cho nên chưa chắc bố mẹ đã thực sự hiểu con, đó là lý do mà khi bố mẹ lắng nghe, chia sẻ với trẻ một cách cởi mở, tôn trọng sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tốt.
Đâu là những cách giúp bố mẹ nhận biết, khám phá ra được điều con yêu ghét để từ đó đưa ra hỗ trợ, đáp ứng phù hợp?
Có nhiều cách khác nhau để giúp bố mẹ nhận biết, khám phá ra được điều con yêu ghét để từ đó đưa ra hỗ trợ, đáp ứng phù hợp. Từ việc bố mẹ hỏi trực tiếp, cho đến việc bố mẹ tự quan sát con hàng ngày.
Dù là tiếp cận trực tiếp hay gián tiếp thì tôi tin nó cần được xuất phát từ việc bố mẹ tạo ra cho con một môi trường đủ an toàn, đủ tin tưởng, thân thiết để con có thể mạnh dạn chia sẻ mọi điều, mọi mong muốn của bản thân với bố mẹ.
Bên cạnh làm bố mẹ thì bố mẹ hãy cố gắng để trở thành "người bạn" đồng hành của con, có thể hoà vào thế giới của con để cảm nhận, thấu hiểu con yêu ghét điều gì, từ đó đưa ra những sự hỗ trợ và đáp ứng phù hợp.