Có 5 câu bố mẹ nên hỏi con trong cuộc sống hàng ngày, nhằm tạo ra sự gắn kết, thấu hiểu nhau tốt hơn.
Trong quá trình trò chuyện, việc bố mẹ đặt một số câu hỏi là cách để tìm hiểu, bồi dưỡng tình cảm, mối quan hệ gắn kết hơn với con.
Các chuyên gia gợi ý 5 câu hỏi phổ biến, nhưng được xem là chìa khóa để bố mẹ thấu hiểu, chia sẻ tốt hơn về cuộc sống hàng ngày.
"Điều gì xảy ra hôm nay khiến con hạnh phúc nhất?"
Câu hỏi này khuyến khích trẻ chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc hàng ngày, cho dù đó là một trò đùa giữa bạn bè hay một thành công nhỏ. Bằng cách chia sẻ những điều vui vẻ và đáng nhớ trong ngày, cơ hội để thể hiện cảm xúc tích cực.
Khi trả lời câu hỏi này, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và an toàn để chia sẻ. Điều này sẽ thúc đẩy sự thân thiện, tin tưởng giữa con và cha mẹ,bố mẹ có thể hiểu sâu sắc hơn về niềm vui, trải nghiệm đáng nhớ của con.
Bằng cách lắng nghe và quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong ngày, bố mẹ cũng thể hiện sự chú ý, giúp trẻ phát triển tính cởi mở, tự tin và khả năng diễn đạt cảm xúc. Đây chính là nền tảng để xây dựng một mối quan hệ gần gũi, tin cậy giữa con và bố mẹ.
"Trong vấn đề này, con nghĩ nên làm gì để kết quả tốt hơn?"
Khi trẻ gặp trở ngại, khó khăn, tránh trực tiếp đưa ra giải pháp mà hãy hướng dẫn trẻ suy nghĩ, bày tỏ ý kiến của mình.
Câu hỏi này khuyến khích trẻ tự suy ngẫm và phát triển tinh thần trách nhiệm cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề. Thông qua thảo luận, bố mẹ có thể giúp con nhìn nhận những quan điểm khác nhau, đồng thời tăng cường sự tự tin và tính độc lập.
Thay vì nhanh chóng đưa ra lời khuyên, bố mẹ nên hỏi trẻ "Con nghĩ chúng ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?", "Vậy con thấy cách nào sẽ hiệu quả hơn?". Bằng cách này, trẻ sẽ được khuyến khích suy nghĩ, đưa ra các ý tưởng và đề xuất giải pháp.
Khi trẻ đưa ra ý kiến, bố mẹ cần lắng nghe một cách tích cực, không đánh giá hoặc phản bác ngay lập tức. Thay vào đó, hãy đặt thêm câu hỏi để giúp trẻ xem xét các khía cạnh khác của vấn đề. Ví dụ: "Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thử cách này?", "Vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến..."
Bằng cách này, giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tăng cường sự tự tin và tinh thần chủ động. Trẻ sẽ cảm thấy được tin tưởng, được lắng nghe và được khuyến khích tham gia vào quá trình tìm kiếm giải pháp.
“Con đang buồn à, có điều gì muốn tâm tình với mẹ không?”
Biểu hiện cảm xúc là một phần không thể thiếu trong giao tiếp. Câu hỏi này mang đến một không gian an toàn để trẻ thoải mái thể hiện cảm xúc, dù vui, buồn, tức giận hay bối rối.
Bằng cách lắng nghe cảm xúc của con, mẹ có thể hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm, đưa ra sự an ủi và hỗ trợ kịp thời, đồng thời dạy con cách xác định và quản lý cảm xúc của chính mình.
Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tự do bày tỏ những gì đang cảm nhận, không phán xét hay coi thường. Hãy lắng nghe một cách chú ý và thấu cảm, đồng thời hỏi thêm về những cảm xúc đó: "Con có thể chia sẻ với bố mẹ điều gì đang khiến con cảm thấy như vậy không?", "Bố mẹ muốn hiểu rõ hơn về cảm xúc của con".
Khi trẻ thoải mái bày tỏ, bố mẹ cần nắm bắt cơ hội giúp trẻ hiểu và quản lý những cảm xúc ấy. Hãy giúp trẻ nhận diện, đặt tên và truyền đạt cảm xúc của mình một cách rõ ràng. Ví dụ: "Con có vẻ rất bực bội. Bố mẹ hiểu con cảm thấy thế nào." Sau đó, hướng dẫn trẻ tìm cách xử lý theo cách lành mạnh và xây dựng.
"Con đang nghĩ gì vậy?"
Câu hỏi này giúp trẻ cảm thấy suy nghĩ của mình được coi trọng. Đồng thời, thông qua thảo luận, mẹ có thể hiểu được suy nghĩ, mối quan tâm của con và đưa ra những quyết định hợp lý hơn.
Trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và xem là một thành viên quan trọng trong gia đình. Điều này giúp xây dựng niềm tin, tự trọng và tăng cường sự gắn kết. Trẻ cũng sẽ hiểu rõ hơn về lý do và ý nghĩa của các quy tắc, từ đó tự giác tuân thủ và hợp tác tốt hơn.
Bố mẹ nên chủ động hỏi ý kiến của trẻ về những vấn đề liên quan, như việc sắp xếp phòng, quy định sử dụng thiết bị điện tử, hoạt động cuối tuần... Lắng nghe và cân nhắc một cách nghiêm túc những ý kiến này, thậm chí chấp nhận một số đề xuất của trẻ nếu phù hợp.
Khi đối thoại với trẻ, cha mẹ cần tạo không khí thân thiện, thoải mái, khuyến khích trẻ trình bày quan điểm của mình một cách tự do. Hãy lắng nghe một cách chăm chú, không phán xét, và sẵn sàng cân nhắc những ý kiến có giá trị từ trẻ.
"Con có cần mẹ giúp gì không?"
Câu hỏi này thể hiện trực tiếp sự ủng hộ và quan tâm của bố mẹ dành cho con. Khi trẻ gặp khó khăn hoặc cần sự giúp đỡ, việc chủ động đưa ra sự giúp đỡ có thể khiến trẻ cảm nhận được sự ấm áp và sức mạnh từ gia đình.
Cũng dạy trẻ cách thiết lập những tương tác lành mạnh, tích cực hơn trong các mối quan hệ trong tương lai. Khi trẻ gặp vấn đề, bố mẹ nên tích cực hỏi xem con cần giúp đỡ gì, thay vì chỉ đơn giản ra lệnh hoặc đưa ra lời khuyên.
Khi trẻ học được cách diễn đạt nhu cầu của mình, chúng sẽ có thể áp dụng điều này trong các mối quan hệ với người khác ở trường, với bạn bè và thậm chí trong tương lai khi trở thành người lớn. Kỹ năng này rất quan trọng để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, tránh xung đột và biết cách giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả.
Cha mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn trẻ cách yêu cầu sự hỗ trợ, chẳng hạn như "Con cần giúp đỡ với việc này. Mẹ/Bố có thể giúp con được không?". Hoặc "Con đang cảm thấy khó khăn với điều này. Mẹ/Bố có thể giúp con suy nghĩ cách giải quyết được không?". Những câu hỏi như vậy sẽ giúp trẻ biết cách diễn đạt nhu cầu của mình một cách lịch sự và hiệu quả.