Khác biệt giữa trẻ luôn được bố mẹ lắng nghe và đứa trẻ không được bố mẹ lắng nghe

Kiều Trang - Ngày 18/05/2023 09:36 AM (GMT+7)

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui, lắng nghe để thấu hiểu con cái là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất mà bố mẹ nên áp dụng.

Trong quá trình nuôi dạy con cái, lắng nghe để thấu hiểu là phương tiện không thể thiếu giúp bố mẹ giáo dục con cái tốt hơn. Lắng nghe sẽ là "sợi dây" gắn kết giữa bố mẹ và con cái, nên nếu không có sự tồn tại của "sợi dây" này thì bố mẹ dĩ nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Một đứa trẻ sẽ gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý và phát triển không lành mạnh nếu rơi vào tình huống bố mẹ không lắng nghe, không tin tưởng trẻ mà đã vội vàng đưa ra kết luận có tính chất không phù hợp đối với trẻ, khiến đứa trẻ cảm thấy bị oan ức.

Chẳng hạn như câu chuyện về cậu bé 8 tuổi tên là Kem (Trung Quốc). Một ngày, khi cậu bé đang chơi đùa cùng bạn trên cầu trượt trong công viên gần nhà. Lúc này đột nhiên cô bạn bị ngã và có nguy cơ bị gãy chân. Những người lớn ở gần đó đã nhìn thấy Kem đứng gần cô bé nên đã đoán rằng Kem đã đẩy cô bạn của mình, khiến bạn bị ngã.

Kem lúc này vô cùng hoảng hốt và lo lắng, mặc dù cậu bé đã cố gắng giải thích rằng mình không làm gì sai và chỉ đứng gần bạn chứ không hề có hành động xô đẩy, là tự bạn nghịch ngợm không giữ được thăng bằng nên bị ngã, nhưng mẹ của cô bé đã không lắng nghe lời giải thích mà đã tỏ thái độ vô cùng tức giận, nên đã la mắng và vội vàng kết tội khiến Kem bị đổ oan.

Nếu người lớn không lắng nghe trẻ, mà vội vàng đổ oan cho trẻ thì sẽ tác động mạnh đến tâm lý trẻ (Ảnh minh hoạ Internet).

Nếu người lớn không lắng nghe trẻ, mà vội vàng đổ oan cho trẻ thì sẽ tác động mạnh đến tâm lý trẻ (Ảnh minh hoạ Internet).

Lúc sự việc được bố mẹ Kem biết, bố mẹ của Kem cũng đã la mắng cậu bé một cách thậm tệ mà không nghe cậu giải thích, bởi vì bố mẹ cho rằng Kem ngày thường vốn đã rất nghịch ngợm. Phản ứng này của bố mẹ đã khiến cậu bé cảm thấy rất bất mãn, và bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui, việc người lớn không lắng nghe và tin tưởng trẻ có thể dẫn đến những hậu quả lớn về tâm lý. Vậy nên người lớn, đặc biệt là bố mẹ cần phải lắng nghe và tôn trọng quan điểm của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ được giải thích và thể hiện bản thân. Nếu trẻ bị đưa ra kết luận sai, người lớn cần phải nhanh chóng đối mặt với sự thật và sửa chữa sai lầm để bảo vệ quyền lợi và tâm lý của trẻ.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXHamp;NV ĐHQG - TPHCM.

Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.

Khác biệt giữa trẻ luôn được bố mẹ lắng nghe và đứa trẻ không được bố mẹ lắng nghe - 4

Thưa chuyên gia, khi một đứa trẻ bị đổ oan thì sẽ có dấu hiệu ảnh hưởng tâm lý như thế nào? Vì sao khi bị đổ oan trước đám đông, đứa trẻ lại càng bị tác động tâm lý mạnh mẽ hơn?

Khi một đứa trẻ bị đổ oan thì đứa trẻ có thể có những diễn biến tâm lý sau đây. Thứ nhất, trẻ sẽ cảm thấy tức giận và hụt hẫng vì bố mẹ không hiểu mình. Thứ hai, đứa trẻ sẽ cảm thấy bi quan vì nghi ngờ tình thương của bố mẹ dành cho mình. Thứ ba, cảm xúc của đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng khiến trẻ gào khóc hoặc im lặng.

Đặc biệt, khi bị đổ oan trước đám đông, đứa trẻ lại càng bị tác động tâm lý mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ tuỳ vào từng độ tuổi. Trẻ mầm non hoặc cấp 1, nếu bị đổ oan trước đám đông thì đứa trẻ sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ trước mặt bạn bè. Còn đứa trẻ ở độ tuổi cấp 2, đầu cấp 3 là giai đoạn mà trẻ đang dậy thì và lúc này bạn bè đối với trẻ có thể còn quan trọng hơn cả gia đình. 

Vậy nên trẻ sẽ khó chấp nhận được việc mình bị bố mẹ đưa ra những ý kiến phủ định trước mặt người khác. Và trẻ sẽ dễ đánh đồng cái tôi của bản thân đối với sự việc này. Cho nên nếu trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào, bố mẹ đã vội vàng la mắng mà không lắng nghe trẻ, đặc biệt là trước mặt người khác thì trẻ sẽ dễ bị những cú sốc, sang chấn tâm lý mạnh mẽ.

Khác biệt giữa trẻ luôn được bố mẹ lắng nghe và đứa trẻ không được bố mẹ lắng nghe - 5

Có phải việc con cái bị oan là vì bố mẹ không lắng nghe để hiểu trẻ? Có sự khác nhau như thế nào giữa đứa trẻ được giáo dục bằng sự lắng nghe và thấu hiểu của bố mẹ và ngược lại?

Việc bố mẹ không lắng nghe sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề, và một trong những vấn đề đó là đứa trẻ cảm thấy mình bị oan. Khi bố mẹ không lắng nghe thì dĩ nhiên bố mẹ sẽ không thể hiểu con, hiểu được tình huống mà con đang gặp phải và hiểu quan điểm, góc nhìn hay cảm xúc của con. Lúc này một điều rất hiển nhiên là bố mẹ có thể phân xử sai, khiến cho đứa trẻ cảm thấy mình bị oan.

Có sự khác biệt rất lớn giữa đứa trẻ được giáo dục bằng sự lắng nghe và thấu hiểu của bố mẹ và ngược lại. Đối với một bố mẹ biết lắng nghe con, thì dĩ nhiên bố mẹ sẽ ưu tiên việc tìm hiểu vấn đề trước rồi mới đưa ra hướng giải quyết phù hợp, ngược lại bố mẹ không lắng nghe sẽ vội vàng kết tội con cái mà không cần tìm hiểu vấn đề.

Khi đứa trẻ được giáo dục bằng sự lắng nghe và thấu hiểu của bố mẹ, điều quan trọng là trẻ được đánh giá và hiểu rõ về cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm của mình. Bố mẹ sẽ lắng nghe và trao đổi với trẻ một cách tình cảm, đồng thời tôn trọng quan điểm của trẻ. Trong quá trình này, trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương, quan tâm, và sẽ có động lực để phát triển và học hỏi.

Ngược lại, khi đứa trẻ không được giáo dục bằng sự lắng nghe và thấu hiểu của bố mẹ, trẻ có thể cảm thấy bị bỏ rơi và không được tôn trọng. Khi bố mẹ không lắng nghe và không thể hiện sự quan tâm, trẻ sẽ cảm thấy không được yêu thương và có thể dẫn đến tình trạng tự ti, tâm lý bất ổn, và khó khăn trong việc phát triển.

Khác biệt giữa trẻ luôn được bố mẹ lắng nghe và đứa trẻ không được bố mẹ lắng nghe - 6

Chuyên gia đã gặp trường hợp nào đứa trẻ bị đổ oan. Diễn biến tâm lý của đứa trẻ lúc đó ra sao và người lớn nên phản ứng như thế nào là phù hợp để giải quyết vấn đề tại thời điểm đó?

Tôi đã từng được một cô bé 11 tuổi chia sẻ về câu chuyện bản thân bị bố mẹ đổ oan. Khi cô bé cùng bạn học đi chơi vào cuối tuần, cô đã mang theo thỏi son bỏ vào cặp sách. Tình cờ là ngày hôm sau khi đến trường, bố mẹ phát hiện thỏi son trong cặp cô bé và đã la mắng cô thậm tệ, cho rằng cô là đứa trẻ hư đốn, mặc dù biết quy định của nhà trường là không được tô son đến trường nhưng cô bé vẫn cố tình phạm lỗi.

Mặc dù lúc này cô bé đã cố gắng giải thích với bố mẹ về việc bản thân đã quên lấy cây son ra, và cô không có ý định mang son đến trường, đó chỉ là sự cố, nhưng bố mẹ vẫn cương quyết với suy nghĩ của mình mà luận tội cô bé. Điều này khiến cô bé cảm thấy rất bất lực, suy sụp và tức giận vì bố mẹ không bao giờ chịu lắng nghe cô nói.

Thực ra thì tại thời điểm này, cả đứa trẻ và người lớn đều đang có vấn đề về cảm xúc, cho nên cả hai bên đều chỉ đang tập trung vào cảm xúc của mình và làm cho thoả mãn cảm xúc đó. Tuy nhiên trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ yếu thế hơn, bởi vì ba mẹ là người lớn. Nhưng nếu khi trẻ đến độ tuổi thiếu niên, việc trẻ có khả năng phản kháng lại là điều khó tránh khỏi. 

Trong trường hợp này, người lớn là người có tư duy trưởng thành hơn nên cần phải cân bằng lại cảm xúc của bản thân trước, sau đó cùng đứa trẻ ngồi xuống và nói chuyện một cách nhẹ nhàng, tìm hiểu đâu là vấn đề, vấn đề đó để lại hậu quả ra sao và nên xử lý nó như thế nào.

Khác biệt giữa trẻ luôn được bố mẹ lắng nghe và đứa trẻ không được bố mẹ lắng nghe - 7

Trong tình huống bị đổ oan, có phải so với đứa trẻ phản kháng thì đứa trẻ im lặng có dấu hiệu bất ổn tâm lý nghiêm trọng hơn. Bố mẹ nên giáo dục trẻ như thế nào khi bản thân trẻ rơi vào hoàn cảnh bị đổ oan?

Tôi đồng ý với quan điểm này. Vì đại đa số theo quy luật thì khi một người có thể bộc phát cảm xúc ra bên ngoài, thì sẽ có xu hướng ổn định hơn ở bên trong. Ngược lại, khi một người có vấn đề gì đó nhưng lại chọn cách im lặng, tự gặm nhấm thì sẽ có nguy cơ là vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, khi một đứa trẻ né việc bộc lộ cảm xúc, luôn lầm lì mà không xử lý những cảm xúc của mình khi mình bị đổ oan thì trong tương lai, trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng khó khăn về tâm lý, chẳng hạn như rối loạn lo âu, ám sợ xã hội, trầm cảm,...

Trong tình huống đứa trẻ bị người khác đổ oan thì lúc này bố mẹ cần thiết phải đứng về phía trẻ, bởi vì ba mẹ là người gần gũi nhất và cũng là người trẻ tin tưởng. Vậy nên lúc này bố mẹ nên lắng nghe con, chia sẻ với con và có những hành động cụ thể để xoa dịu tinh thần của con.

Tuy nhiên nếu đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh bị chính bố mẹ đổ oan, thì lúc này bố mẹ nên là người cần phải nói lời xin lỗi với trẻ, để làm gương cho trẻ hiểu rằng, làm sai thì phải xin lỗi. Tư tưởng trẻ làm sai thì phải xin lỗi người lớn, nhưng nếu người lớn làm sai thì sẽ chọn cách im lặng, và như thế thì trẻ sẽ ngầm hiểu người lớn luôn luôn đúng, đây sẽ là một cách giáo dục con sai lầm mà bố mẹ cần thay đổi để quá trình nuôi dạy con cái đạt hiệu quả tốt nhất.

Trẻ con thì biết gì đâu là cách dạy con sai lầm nhiều bố mẹ Việt mắc phải, không sửa ngay tương lai trẻ khó thành công
Theo chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi, bố mẹ không nên bao biện "trẻ nhỏ thì biết gì đâu" khi con cái phạm lỗi, bởi vì điều này chắc chắn sẽ dạy...

Trẻ tiểu học

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con vâng lời