Có 4 nguyên tắc quan trọng nuôi dạy trẻ tuổi dậy thì, bố mẹ nên tham khảo.
Trẻ ở giai đoạn dậy thì giống như mặt trời mọc, tỏa sáng rực rỡ nhưng cũng kèm theo mây mù và sấm chớp khó lường. Trẻ bắt đầu thắc mắc, chống cự và thậm chí xây dựng một bức tường dường như không thể vượt qua với bố mẹ mình.
Là bố mẹ, nếu có thể kiên nhẫn, dùng tình yêu và sự thấu hiểu sẽ giúp con vượt qua hành trình này suôn sẻ.
Lắng nghe quan trọng hơn thuyết giảng
Lắng nghe là bước đầu tiên trong việc xây dựng cây cầu tin cậy, và là cách tốt để giải quyết các vấn đề của trẻ trong giai đoạn dậy thì.
Tuổi vị thành niên là một giai đoạn cực kỳ quan trọng, không chỉ để phát triển về thể chất mà còn để đánh thức khả năng tự nhận thức.
Trong giai đoạn này, trẻ thường khao khát được lắng nghe và thấu hiểu, không chỉ mong muốn nhận chỉ dẫn mà còn cần có không gian an toàn để bộc lộ bản thân.
Lắng nghe quan trọng hơn thuyết giảng.
Vì vậy, điều đầu tiên mà bố mẹ nên làm là lắng nghe – không phán xét, không ngắt lời. Điều này thể hiện sự tôn trọng và đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ. Khi phụ huynh dành thời gian chân thành lắng nghe con, trẻ sẽ cảm thấy được trân trọng, từ đó có xu hướng cởi mở hơn trong việc chia sẻ những suy nghĩ, bối rối và ước mơ của mình.
Khi trẻ cảm nhận được sự chú ý và quan tâm từ bố mẹ, niềm tin giữa hai bên được củng cố, tạo ra một môi trường nơi trẻ có thể tự do thể hiện bản thân mà không sợ bị đánh giá.
Đặt ranh giới thay vì áp đặt quyền kiểm soát
Trẻ dậy thì khao khát sự độc lập và bắt đầu cố gắng tự mình đưa ra quyết định, ngay cả khi những quyết định này không hoàn hảo trong mắt bố mẹ. Giai đoạn này đánh dấu một chuyển biến quan trọng trong sự phát triển của trẻ, muốn khẳng định bản thân và thể hiện cá tính, đồng thời tìm kiếm sự công nhận từ những người xung quanh.
Điều quan trọng là bố mẹ đặt ra những ranh giới hợp lý, tạo điều kiện cho con được tự do khám phá mà không đi chệch hướng. Những ranh giới này không chỉ cung cấp sự an toàn cần thiết mà còn giúp trẻ hiểu rằng có những giới hạn cần tuân thủ trong cuộc sống.
Đặt ranh giới thay vì áp đặt quyền kiểm soát.
Tuy nhiên, không có nghĩa là bố mẹ kiểm soát mọi hành động của con, bởi điều đó chỉ khơi dậy sự phản kháng mạnh mẽ. Khi trẻ cảm thấy bị kiểm soát, có thể trở nên nổi loạn và chống đối, dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên.
Thay vào đó, bố mẹ nên xây dựng các quy tắc ứng xử trong gia đình, thông qua đối thoại cởi mở và để trẻ tham gia vào quá trình tự quản lý. Bằng cách cùng nhau thiết lập những quy tắc phù hợp, trẻ sẽ cảm thấy mình có tiếng nói và trách nhiệm trong quyết định, từ đó phát triển kỹ năng ra quyết định, tự lập.
Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và có nhiều khả năng chấp nhận, tuân thủ những ranh giới hơn.
Hãy là một hình mẫu chứ không phải một nhà thuyết giáo đơn thuần
Ở giai đoạn này, sự hiểu biết của trẻ về thế giới đang dần hình thành. Trẻ sẽ xây dựng các giá trị cũng như khuôn mẫu hành vi của riêng mình bằng cách quan sát mọi người và mọi thứ xung quanh. Trong quá trình phát triển này, ảnh hưởng của lời nói và việc làm của bố mẹ là cực kỳ quan trọng. Bố mẹ là hình mẫu cho trẻ học hỏi và noi theo.
Bố mẹ nên cố gắng trở thành tấm gương, sử dụng những hành động thiết thực để chỉ ra cách đối mặt với thử thách, cách xử lý cảm xúc và cách duy trì thái độ tích cực với cuộc sống. Điều này không chỉ đơn thuần là việc dạy dỗ, mà còn là một dạng giáo dục vô hình, nơi trẻ tự nhiên học hỏi qua cách mà bố mẹ giao tiếp với nhau, phản ứng trước những tình huống khó khăn và thể hiện lòng kiên nhẫn trong cuộc sống hàng ngày.
Khi bố mẹ thể hiện sự kiên trì và lạc quan, trẻ sẽ tự nhiên cảm nhận điều đó. Những bài học này không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn trở thành phần không thể thiếu trong tư duy, giúp trẻ học cách đối mặt với những thách thức trong tuổi thiếu niên của chính mình theo cách tương tự.
Hãy là một hình mẫu chứ không phải một nhà thuyết giáo đơn thuần.
Cùng nhau phát triển thay vì đơn phương hy sinh
Những thử thách của tuổi thiếu niên không chỉ là cơ hội để trưởng thành.
Bố mẹ nên nhận ra rằng việc cùng con trải qua hành trình này là một quá trình phát triển và cùng đạt được thành tựu.
Bố mẹ không nhất thiết phải đóng vai trò hy sinh đơn phương mà nên sát cánh cùng con khám phá những điều bí ẩn của cuộc sống.
Điều này có nghĩa là bố mẹ cần tiếp tục học hỏi và cải thiện khả năng quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp và trí tuệ giáo dục của mình để hiểu và hỗ trợ con tốt hơn.
Đồng thời, bố mẹ cũng học cách buông bỏ, để trẻ có thể trưởng thành qua thử thách và sai sót, kiên cường trước những thất bại
Con đường tuổi thanh xuân tuy gập ghềnh nhưng cũng đầy hy vọng và khả năng. Bố mẹ lắng nghe, tôn trọng, hướng dẫn và đồng hành bằng trái tim mình, có thể cùng con chào đón một ngày mai tươi sáng hơn.