Chuyên gia có những phân tích rõ ràng về tâm lý "ghét con nhà người khác" của một số bố mẹ.
Chị C (giấu tên) là một bà mẹ rất yêu thương con trai của mình, những gì đứa trẻ nhà khác có thì con trai chị cũng sẽ có. Chị C rất e ngại việc con không bằng bạn bằng bè, thường hay có thói quen so sánh con mình với con của người khác.
Vô tình nhiều lần chị thể hiện rõ điều đó trước mặt con trai khiến đứa trẻ cực kỳ hoang mang, chị cấm con không được chơi với bạn này bạn kia vì thành tích học của bạn không tốt. Chị C cũng hay nói với con bằng những câu như "Mẹ không thích thằng bé con nhà cô tư chút nào, nó quá nghịch ngợm", hay "Đứa trẻ đó học cũng đâu quá xuất sắc mà lúc nào bố mẹ nó cũng khoe"...
Nếu nhìn vào thực tế ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy không ít trường hợp phụ huynh vì quá lo lắng con mình thua thiệt bạn bè, nên sinh ra tâm lý thích so sánh, thậm chí "ghét" con nhà người khác.
Chẳng hạn như thấy đứa trẻ khác nghịch ngợm hay thành tích học tập kém thì liền tỏ ra khó chịu, hình thành sự đánh giá thấp đối với đứa trẻ đó, bởi tâm lý chung thì phụ huynh nào cũng đều thích những đứa trẻ ngoan ngoãn và giỏi giang.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc hình thành tâm lý "ghét trẻ con nhà người khác" của một số bố mẹ (Ảnh minh hoạ).
Trong xã hội hiện đại ngày nay, tâm lý "ghét con nhà người khác" đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến mà nhiều bố mẹ có thể trải qua nhưng ngay chính bản thân cũng không nhận ra, nhưng điều này có thể vô tình ảnh hưởng đến nhận thức và quá trình hình thành tính cách ở trẻ.
Vì vậy, để hiểu rõ hơn về tâm lý này thì cần phải có cái nhìn rộng hơn và không đánh giá toàn bộ bố mẹ theo một tiêu chuẩn duy nhất. Dưới đây là những chia sẻ và phân tích chuyên môn từ thạc sĩ Tâm lý Quang Thị Mộng Chi về vấn đề này.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Tại sao một số bậc bố mẹ phát triển tâm lý "ghét trẻ con nhà người khác"?
Yêu thương con nít là một trong những đặc điểm của đa phần người lớn. Nếu như có bố mẹ nào có hiện tượng ghét trẻ con nhà người khác thì có thể là do quá yêu thương con mình, đến mức mà nếu thấy con có sự phát triển không bằng các bé khác thì sẽ có sự so sánh và ngầm ghen tỵ, thậm chí thấy ghét những đứa trẻ khác khi các bé đó hơn con mình.
Một số bậc phụ huynh khác thì ghét con người ta vì vốn dĩ không thích trẻ con, xem việc ưa chạy nhảy, hiếu động hay gây ồn ào của các bé là điều phiền phức nên mới tỏ ra khó chịu như vậy. Những người này hoặc chọn không sinh con, hoặc nếu có con thì vì là con mình nên đành phải chấp nhận chứ không thích trẻ con nói chung.
Theo quan điểm của chuyên gia, xu hướng tâm lý "ghét trẻ con nhà người khác" của một số bố mẹ có thể gây ra những hậu quả tiêu cực ra sao đối với cả bố mẹ và con trẻ?
Khi bản thân bố mẹ ghét trẻ con thì sẽ cảm thấy khó chịu khi ở trong không gian có con nít, và ảnh hưởng đến tâm trạng của mình cũng như khó kết nối được với các bố mẹ khác. Các con cũng sẽ thiệt thòi vì ít được giao lưu với các bạn khi có bố mẹ không ưa con nít, cũng như có thể hình thành tính cách thiếu hòa đồng, kém giao tiếp và các kỹ năng xã hội.
Còn trong trường hợp bố mẹ ghét con nhà người ta vì có những thành tích vượt trội hơn con mình, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tính cách của con. Con trẻ có thể trở nên so đo tính toán với người khác, không những không nỗ lực phát triển bản thân mà còn có thể đổ lỗi và than thân trách phận.
Một số bố mẹ dùng những lời chê bai, chỉ trích các bé khác trước mặt con cái cũng sẽ khiến bé hình thành nhận thức và thái độ không tốt cho việc phát triển hệ giá trị và thái độ của bản thân. Nhiều trẻ còn dùng những lời nhận xét của bố mẹ dành cho người khác để tự làm tiêu chuẩn để điều chỉnh hành vi của mình, vì trẻ luôn muốn được bố mẹ chấp nhận, điều này đôi khi trở thành áp lực ngầm cho các con.
Đâu là những kiểu phản ứng, hành vi bố mẹ cần tránh thể hiện trước mặt con trẻ trong trường hợp bản thân cảm thấy khó chịu hoặc không thoải mái khi ở gần trẻ con nhà người khác?
Khi bố mẹ không thích con nhà người ta thì cũng nên hạn chế việc thể hiện cảm xúc này trực tiếp trước mặt con cái của mình. Họ có thể hạn chế việc tiếp xúc với con nít, nhưng không nên hạn chế việc tiếp xúc của con cái. Tránh dùng những lời chê bai, chỉ trích các bé khác trước mặt con cái để các bé không bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đồng thời, các bố mẹ cần phát triển sự thấu cảm để hiểu và yêu thương, chấp nhận trẻ con, cả những phiền phức mà trẻ mang đến, phát triển lòng yêu thương và muốn giúp đỡ các con như ông bà ta thường nói “yêu trẻ trẻ đến nhà”, mà trẻ con chính là đại diện cho lộc, lộc vào nhà là may mắn theo vào.
Làm thế nào để bố mẹ có thể điều chỉnh loại tâm lý này thành loại tâm lý tích cực hơn, nghĩa là lấy con nhà người khác làm gương để con của mình có thể học tập được những điều tốt từ họ?
Khi con nhà người khác có những điểm tốt mà con mình chưa bằng thì thay vì chỉ trích, bố mẹ nên khen ngợi và chỉ ra những điều khiến các bé đó phát triển tốt để làm tấm gương cho con mình noi theo.
Tuy nhiên, bố mẹ cần cân nhắc năng lực và sở trường cũng như sở thích của con để định hướng chứ không chỉ chăm chăm so sánh, và yêu cầu con mình phải bằng con người ta cho bằng được.
Đôi khi, bố mẹ cũng cần giúp động viên tinh thần con bằng cách chỉ ra sự khác biệt và điểm mạnh của con để con không bị tự ti trước những bạn giỏi hơn mình về khía cạnh nào đó.