Tính cách của trẻ sẽ định hình con người trẻ khi lớn.
Cuộc đời của mỗi đứa trẻ là một hành trình phát triển đầy kỳ diệu. Trong quá trình này, một yếu tố quan trọng có thể thay đổi và tạo nên sự khác biệt to lớn đối với trẻ, đó là tính cách. Tính cách của một đứa trẻ không chỉ định hình con người sẽ trở thành trong tương lai, mà còn có sức mạnh thay đổi cuộc sống của chính trẻ.
Không ai sinh ra đã hoàn hảo, nhưng nếu có những khuyết điểm lớn trong tính cách, nhiều đứa trẻ có thể phải chịu một số khó khăn sau khi lớn. Đó là lý do mà khi bố mẹ nhận thấy đứa trẻ của mình có 4 tính cách sau, hãy giúp con thay đổi càng sớm càng tốt.
Khả năng quản lý cảm xúc kém, dễ nóng nảy
Khả năng quản lý cảm xúc là một kỹ năng tâm lý quan trọng mà trẻ em cần phát triển trong quá trình trưởng thành. Trẻ có tính khí nóng nảy giống như một quả boom nổ, chúng thường không nhượng bộ và không thể chịu đựng được bất kỳ sự bất bình hay chỉ trích nào. Điều này có thể dẫn đến những hạn chế trong khả năng tương tác xã hội và giao tiếp của trẻ, ảnh hưởng đến quan hệ với bạn bè, gia đình và thậm chí cả khả năng học tập cũng như phát triển trong công việc sau này.
Những đứa trẻ có tính khí nóng nảy thường có xu hướng coi mình là trung tâm, và thiếu sự đồng cảm với người khác. Bé có thể không hiểu và không quan tâm đến những cảm xúc hay quan điểm của mọi người xung quanh, và cũng thường không có khả năng đặt mình vào vị trí người khác.
Tính cách của trẻ phản ánh sự ảnh hưởng từ môi trường gia đình. Nếu bố mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ không thể quản lý cảm xúc một cách hiệu quả và thường xuyên bộc lộ sự tức giận hoặc căng thẳng, trẻ có thể học theo mô hình tiêu cực này và phản ánh lại tương tự. Tuy nhiên, nếu bố mẹ làm gương tốt, biết quản lý cảm xúc một cách lành mạnh thì trẻ sẽ có xu hướng học hỏi và phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc tốt hơn.
Những đứa trẻ có tính khí nóng nảy thường có xu hướng coi mình là trung tâm, và thiếu sự đồng cảm với người khác.
Hay nhạy cảm
Nhiều đứa trẻ từ nhỏ đã nhạy cảm. Tính cách này thường đi kèm với lòng tự tin thấp và sự quan tâm quá mức đến cách người khác đánh giá mình. Vì muốn được yêu thương và chấp nhận, những đứa trẻ này luôn cố gắng làm hài lòng mọi người và không bao giờ biết nói từ chối. Tuy nhiên, điều đó đôi khi có thể đồng nghĩa với việc trẻ không được xem trọng, thậm chí là bị khinh thường.
Thay vì tiếp tục theo đuổi một tính cách nhạy cảm quá mức, có lẽ tốt hơn là trẻ nên phát triển một tinh thần mạnh mẽ, tự tin vào những giá trị sẵn có của chính bản thân và không để những lời chỉ trích tiêu cực, hoặc đánh giá không chính xác từ người khác ảnh hưởng đến trạng thái của mình.
Có một cách để làm được điều này, đó là trẻ hãy sử dụng sự hài hước và khéo léo đối phó với những tình huống khó khăn. Thay vì tự ti và dễ bị đánh gục bởi lời phê phán, trẻ có thể lấy đó làm động lực và biến những "kẻ thù" thành bạn. Sự hài hước, năng lượng tích cực sẽ giúp trẻ tạo ra một môi trường thân thiện và thu hút sự quan tâm của người khác.
Trẻ nhạy cảm thường đi kèm với lòng tự tin thấp và sự quan tâm quá mức đến cách người khác đánh giá mình.
Thiếu quyết đoán
Một trong những khía cạnh quan trọng của sự phát triển ở trẻ là khả năng ra quyết định một cách quyết đoán. Khi đối diện với những quyết định quan trọng trong cuộc sống như việc học tập, lựa chọn nghề nghiệp, hôn nhân, hay tình yêu, trẻ cần có khả năng tự đưa ra những quyết định một cách rõ ràng, có chính kiến và tự tin đối mặt với tất cả những hậu quả có thể xảy đến từ những quyết định đó.
Nếu trẻ thiếu quyết đoán, đồng thời bố mẹ lại có vị thế mạnh mẽ và đòi hỏi con phải tuân theo ý kiến của họ mà không lắng nghe cảm xúc thật sự của con, rất có khả năng rằng trong tương lai, con sẽ hối hận về những quyết định đã đưa ra và đổ lỗi cho bố mẹ.
Để giúp con trẻ phát triển năng lực quyết đoán, bố mẹ nên tạo điều kiện cho con có nhiều cơ hội để lựa chọn, đưa ra những gợi ý hợp lý mà không can thiệp quá mức. Bố mẹ cần khuyến khích con tự đưa ra quyết định cuối cùng, từ đó giúp trẻ rèn luyện khả năng tự lập và tính trách nhiệm.
Một trong những khía cạnh quan trọng của sự phát triển ở trẻ là khả năng ra quyết định một cách quyết đoán.
Học giỏi nhưng kỹ năng giao tiếp kém
Giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ xã hội, và tạo dựng sự gắn kết với người khác. Khi trẻ không thể giao tiếp một cách tự tin và hiệu quả, trẻ có thể cảm thấy cô đơn và bị cách biệt khỏi nhóm bạn bè. Điều này dễ khiến trẻ mất đi cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội.
Đồng thời, khả năng giao tiếp kém có thể ảnh hưởng đến sự phát triển học tập của trẻ. Trong môi trường học tập, giao tiếp là yếu tố quan trọng để thảo luận, chia sẻ ý kiến và tương tác với giáo viên và bạn học. Khi trẻ không thể diễn đạt ý kiến của mình một cách rõ ràng hoặc không tự tin trong việc tham gia vào các hoạt động nhóm, kết quả học tập của trẻ sẽ ngày càng giảm sút.
Ngoài ra, trẻ có tính cách này còn có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết xung đột và xử lý các tình huống xã hội phức tạp. Giao tiếp hiệu quả là yếu tố quan trọng trong việc đàm phán, giải quyết mâu thuẫn. Khi trẻ không có khả năng giao tiếp tốt, trẻ có thể gặp vất vả trong việc giải quyết các rắc rối trong cuộc sống và thậm chí còn trở thành mục tiêu của bắt nạt hoặc lạm dụng xã hội.
Để giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, bố mẹ nên cung cấp cho con những cơ hội để trẻ thực hành và rèn luyện, cũng như hỗ trợ và định hướng từ phía gia đình ngay khi con còn nhỏ.
Khi trẻ không thể giao tiếp một cách tự tin và hiệu quả, trẻ có thể cảm thấy cô đơn và bị cách biệt khỏi nhóm bạn bè.