Trong một số trường hợp, việc ép buộc trẻ phải "ngoan hiểu chuyện" quá mức có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý như lo âu, ám ảnh hoặc các hành vi bất thường.
Trong xã hội hiện đại, việc nuôi dạy trẻ trở thành vấn đề được rất nhiều bố mẹ quan tâm. Một trong những mục tiêu lý tưởng mà các bậc phụ huynh luôn hướng tới chính là có được những đứa con "ngoan hiểu chuyện". Nhưng liệu phẩm chất này có thật sự quan trọng và cần thiết với sự phát triển của trẻ?
Trẻ ngoan, hiểu chuyện được hiểu là trẻ biết nghe lời, tuân thủ các quy tắc và không gây rắc rối. Những đứa trẻ như vậy thường được gợi là "con ngoan". Tuy nhiên, sự "ngoan" này đôi khi lại không phản ánh đúng bản chất sự phát triển toàn diện của trẻ.
Ảnh minh họa.
Thực tế, không phải lúc nào trẻ "ngoan" cũng là điều tốt. Trường hợp, trẻ ngoan nhưng lại thiếu tinh thần khám phá, sáng tạo và chủ động thì sự phát triển trí tuệ, thể chất và tính cách sẽ bị ảnh hưởng. Hay khi trẻ quá ngoan còn có thể trở nên thiếu tự lập, suy nghĩ bị giới hạn và dễ bị lợi dụng.
Trong một số trường hợp, việc ép buộc trẻ phải "ngoan hiểu chuyện" quá mức còn có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý như lo âu, ám ảnh hoặc các hành vi bất thường. Trẻ có thể trở nên sợ hãi, né tránh và phản ứng cực đoan khi không đáp ứng được những kỳ vọng của bố mẹ. Do đó, đã có nhận định cho rằng, đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện thường dễ gặp các vấn đề về tâm lý.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã chia sẽ những kiến thức hữu ích, giúp bố mẹ có cái nhìn sâu về việc nuôi dưỡng con phát triển lành mạnh và bền vững.
Thưa chuyên gia, có nhận định cho rằng, những đứa trẻ ngoan, hiểu chuyện thường gặp vấn đề tâm lý? Chuyên gia nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ rằng, khi ai đó đưa ra nhận định này đã dựa trên một cơ sở nhất định, nhưng điều này chưa được dựa trên cơ sở nghiên cứu, quan sát một cách toàn diện. Ví dụ, đặt vào văn hóa Việt Nam, trẻ ngoan thường được hiểu là nghe lời người lớn.
Trong trường hợp, trẻ không đồng tình nhưng vẫn nghe lời theo, dễ dẫn đến tình trạng uất ức. Hay khi trẻ đặt nhu cầu, cảm xúc của người khác lên trên, sẽ vô tình quên đi mong muốn của bản thân, lúc này trẻ sẽ dễ gặp vấn đề về tâm lý. Đây cũng là một cơ sở để chứng mình cho nhận định trên.
Tuy nhiên, việc trẻ thường xuyên nghe lời người lớn, có thể xuất phát từ việc trẻ đã được nghe giải thích, hiểu. Trường hợp này, trẻ thực sự suy nghĩ người lớn đã đúng, và trẻ vâng theo điều đúng đó để tránh đi vào vết xe đổ. Theo tôi nghĩ, mối tương quan này không ảnh hưởng đén việc trẻ có gặp vấn đề về tâm lý hay không.
Tiếp theo, chúng ta nên xét thêm nhiều khía cạnh, ví dụ như hoàn cảnh sống, tính cách bố mẹ, phương pháp nuôi dưỡng, yếu tố về cấu trúc, chức năng não... để đưa ra nhận định chính xác hơn về điều này.
Có phải sự sự kỳ vọng cao từ gia đình, nhà trường và xã hội về việc phải luôn "ngoan, hiểu chuyện" là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vấn đề tâm lý ở trẻ không? Tại sao?
Đây có thể là một nguyên nhân gián tiếp. Khi trẻ tiếp nhận sự kỳ vọng cao từ gia đình, nhà trường và xã hội, vô tình khiến trẻ bị áp lực, tự mình đặt áp lực cho bản thân, phải trở nên "ngoan, hiểu chuyện" theo đúng mức độ kỳ vọng.
Khi trẻ nhận thấy mình không đạt được kỳ vọng đó, lúc này sẽ dễ dẫn đến các vấn đề về tâm lý. Ngược lại, trường hợp đứa trẻ xem sự kỳ vọng cao này là động lực để phát triển bản thân mỗi ngày, vươn tới sự trưởng thành thì đó lại không phải vấn đề, mà là cơ hội giúp trẻ cải thiện bản thân, trưởng thành về tâm lý.
Vì vậy, điều này còn tùy vào nhận thức của trẻ. Trẻ nên xem bản thân có tự tin để đáp ứng được kỳ vọng đó hay không, hoặc trường hợp khác trẻ tự tin tìm ra phương cách riêng để đạt được điều mong muốn.
Việc cảm thấy mình luôn phải giấu đi cảm xúc thật của bản thân vì sợ bị phê bình hay không được chấp nhận có phải là một trong những gánh nặng tâm lý lớn đối với trẻ ngoan, hiểu chuyện không? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của các em?
Theo tôi là có. Nếu trẻ lo lắng bản thân bị phê bình hay không được chấp nhận, về lâu dài trẻ sống trong dằn vặt, lo sợ, thay vì sống trong môi trường an toàn, được thấu hiểu, cảm thông. Điều này khiến cho trẻ gặp vấn đề về việc phát triển giá trị, lòng yêu thương, chấp nhận bản thân.
Theo chuyên gia, việc trẻ ngoan, hiểu chuyện thường bỏ qua những nhu cầu cơ bản của mình như tự do, được chấp nhận, được bày tỏ cảm xúc... có thể dẫn tới hậu quả gì? Bố mẹ nên làm gì để giúp con cân bằng và phát triển tinh thần tốt hơn?
Hiện nay, sức khỏe tinh thần chung của xã hội đang ở mức báo động, và trẻ em nói riêng cũng đầy áp lực, đây là vấn đề lớn.
Nếu bản thân trẻ đặt áp lực bản thân phải đạt danh hiệu luôn "ngoan, hiểu chuyện" theo tiêu chuẩn của người lớn, đến mức phải bỏ qua những nhu cầu như tự do, được bày tỏ cảm xúc... thì sẽ khiến trẻ dễ gặp vấn đề về tinh thần như căng thẳng quá độ, chứng lo âu,... từ dó dẫn đến trầm cảm ở trẻ em.
Trẻ dần mất năng lượng, niềm tin vào bản thân, niềm tin vào người khác, hay tình yêu thương của mọi người, dần mất niềm hi vọng vào tương lai.
Vì vậy, điều đầu tiên bố mẹ nên làm gương cho con, tạo cuộc sống cân bằng yêu thương bản thân, đáp ứng nhủ cầu của mình nhưng không quên những người xung quanh.
Thứ hai, trước khi bố mẹ đặt cho con danh hiệu "con ngoan hiểu chuyện", bố mẹ cần giải thích "Trẻ ngoan và hiểu chuyện và gì?", khi nào, với ai, mức độ như thế nào.... Hãy giải thích trong những tình huống cụ thể, để trẻ biết bản thân cần làm gì.
Ví dụ, khi người lạ đề nghị giúp đỡ, trẻ nhận thấy người lạ này sẽ có ý đồ xấu, lúc này trẻ sẽ biết cách nhận diện. Từ đó, tự trang bị kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân, phát triển tinh thần và sống cân bằng hơn.