Truyện cổ tích: Nàng Kháy

Thi Thi - Ngày 03/07/2024 20:22 PM (GMT+7)

Câu chuyện kể về một cô gái xinh đẹp được sinh ra từ trong quả trứng, cũng như ca ngợi tình nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung.

Truyện cổ tích: Nàng Kháy - 1

Nội dung truyện cổ tích Nàng Kháy

Ở làng kia, có một chàng mồ côi tên là Hoa Long. Ngày ngày, Hoa Long phải đi làm thuê cho thổ ti để kiếm miếng cơm ăn, đêm về nghỉ ở túp lều tranh nhỏ bé. Bé hơn cả chuồng ngựa nhà thổ ti.

Hoa Long nghèo lắm. Nhà chàng chẳng có gì đáng tiền. Chỉ có một con chó rất khôn. Hễ chàng đi đâu, nó theo đi đấy.

Một hôm, Hoa Long đi phát nương. Quanh nương cỏ tranh, cỏ lác, lai sậy mọc xanh um. Bỗng con chó dũi đầu vào đám cỏ tranh sủa mãi. Sốt ruột, Hoa Long dừng tay cày, chạy lại xem. Chàng tìm, bới hoài mà chẳng thấy vật gì. Hôm sau, hôm sau nữa, con chó vẫn cứ sủa mãi chỗ ấy nhưng Hoa Long chẳng buồn để ý. Đến hôm sắp cày xong đám ruộng, con chó lại dũi đầu vào bụi cỏ tranh sủa dữ dội hơn.

Vừa sủa, chân nó vừa cào vào đất, đuôi nó ngoáy lộn tít. Dừng không được, Hoa Long thả trâu vào bới giúp. Bới mãi sâu vào bụi rậm, chàng được một quả trứng lạ. Hoa Long phủi đất, bỏ vào túi đem về. Để vào đâu cũng sợ vỡ, cuối cùng chàng cất vào một cái chĩnh, lót rơm cẩn thận phía dưới rồi cất gọn ở góc nhà.

Từ ngày có quả trứng, mỗi hôm đi làm về, chàng đều thấy một điều lạ. Buổi đầu chàng thấy có nước uống, lại là nước chè. Vừa uống, chàng vừa nói to:

– Cám ơn hàng xóm thương con mồ côi, nấu nước cho uống thơm lắm!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bà hàng xóm nói vọng sang:

– Nào ai nấu hộ đâu. Gần trưa bà thấy khói ở bếp, nhưng không thấy có người.

Hôm sau, Hoa Long cài cửa cẩn thận mới đi làm. Trưa về, anh lại thấy có cả cơm canh sẵn sàng, hãy còn nóng nguyên. Bụng đói, người mệt, chàng ăn rất ngon lành nhưng vẫn băn khoăn chẳng biết ai nấu giúp.

Từ đó, ngày nào đi làm về, chàng cũng có cái ăn. Đến một bữa nọ, sau khi cày được mấy đường, chàng bỏ cày, lẻn về rình xem. Nhưng chàng chờ mãi chẳng thấy bóng người nào. Mãi đến gần trưa, một cô gái từ trong chĩnh chui ra. Hoa Long trong lúc vội vàng vấp ngã. Thấy động, cô gái chui ngay vào chĩnh, biến mất. Hoa Long chỉ thấy quả trứng như cũ. Hôm ấy, chàng tự nấu lấy cơm ăn.

Hôm sau, Hoa Long vẫn đi cày như thường lệ. Nửa buổi, chàng lại lẻn về, tay thủ sẵn hòn đá, lặng lẽ nấp vào một chỗ kín. Cũng bằng giờ hôm qua, cô gái xinh đẹp lại từ trong chĩnh bước ra. Chàng cố nén đợi xem cô làm ăn thế nào. Hoa Long thấy cô bẻ que cho vào nồi, một lúc hơi cơm chín đã bốc lên. Thịt cá, rau, canh cô cũng lấy lá có sẵn trong nhà mà làm ra. Khi cơm canh đã dọn lên, Hoa Long dang thẳng cánh tay nóm hòn đá vào chĩnh. Vỏ trứng và chĩnh vỡ tan.

Cô gái hết đường chạy. Hoa Long chạy ra, năm lấy tay cô, cô gái bẽn lẽn nói:

– Em chưa thành người đâu, hãy còn thiếu xương. Chàng tìm cho em một đôi đũa cả làm xương bả vai, mười đôi đũa  làm xương sườn và một vỏ bầu làm xương sọ.

Hoa Long vội đi kiếm đủ ba thứ ấy. Bấy giờ cô gái càng trở lên linh lợi, càng nhìn càng yêu.

Cô gái từ trong quả trứng nở ra, nên dân làng gọi là nàng Kháy (nghĩa là nàng Trứng).

Được cô gái trẻ, đẹp làm vợ, Hoa Long bỏ cả việc làm thuê, suốt ngày chỉ loanh quanh ở nhà nhìn ngắm vợ.

Biết chồng quá thương không dứt ra được, nàng Kháy vẽ hai tấm hình của mình bảo chồng đem cắm ở hai đầu bờ để lúc nào cũng nhìn thấy. Nàng dặn chồng dù có nóng nực đến đâu cũng không được huýt sáo gọi gió đến.

Từ đó Hoa Long mới chịu đi cày. Đường cày đi hay xá cày lại, chàng đều nhìn thấy vợ. Thích quá, chàng cày một mạch đến trưa mới nghỉ. Một hôm, trời nóng bức, mồ hôi nhễ nhại, chàng buột miệng huýt sáo gọi gió, phút chốc gió bão ù ù nổi lên, cuốn theo đi cả tấm hình người vợ. Bấy giờ Hoa Long mới nhớ lời vợ dặn, nhưng đã quá muộn.

Mất hình vợ, Hoa Long buồn chán không chịu đi làm. Vợ khuyên bảo mãi, chàng đành miễn cưỡng ra đồng.

Tấm hình nàng Kháy bay đến kinh đô, có hai tên gian thần cướp được nộp vua dâng công. Tên vua hiếu sắc hứa sẽ thưởng hậu cho kẻ nào tìm được người đẹp trong tấm hình. Hai tên gian thần liền cải trang giả làm khách buôn, quyết đi tìm người đẹp.

Một buổi sáng, khi Hoa Long đang cày, bỗng có hai khách buôn từ đâu đến gặp, họ hỏi chàng:

– Anh đi cày từ sáng đến giờ được bao nhiêu đường?

Hoa Long không biết trả lời thế nào, khất với khách chiều sẽ trả lời. Về nhà, chàng đêm chuyện nói lại với vợ. Nàng Kháy bảo:

– Chàng cứ hỏi lại họ: Hai ông ở đâu đến, đến đây đã đi được bao nhiêu bước chân?

Chiều lại, Hoa Long cứ thế mà nói. Hai người khách không trả lời được. Họ bắt đầu để ý đến chàng.

Ngày thứ hai, hai người khách nọ lại hỏi Hoa Long:

– Chúng tôi muốn mua trâu, cần một chiếc thừng bằng tro dắt nó mới chịu đi, anh có làm được không?

Hoa Long không biết làm thừ bằng tro thế nào, khất ngày mai sẽ trả lời.

Về nhà, chàng thuật lại cho nàng Kháy nghe. Nàng bảo:

– Chàng cứ lấy giẻ vặn thừng ròi châm lửa đốt sẽ có.

Hoa Long làm theo lời vợ. Bọn khách buôn phải chịu thua. Họ đoán chắc nhà Hoa Long hẳn phải có một người tài trí tuyệt vời. Họ lại thách chàng một việc thứ ba:

– Anh hãy xâu sẹo cho tôi một đàn kiến đỏ. Mai chúng tôi đến lấy, sẽ trả nhiều tiền.

Hoa Long nhận lời. Về nhà, theo kế của nàng Kháy, chàng lấy một sợi chỉ to bôi mỡ, rồi chăng ngang mặt đường.

Hôm sau, bọn khách đến, thấy đàn kiến ăn mỡ bu lấy sợi chỉ như một xâu kiến thật. Họ hẹn ngày mai sẽ đến lấy thừng kiến và trả tiền. Lần này, chúng đã thấy mặt nàng Kháy. Mừng rỡ, chúng hối hả về tâu vua.

Chẳng bao lâu, chúng trở lại, đem theo chiếu chỉ của nhà vua truyền bắt nàng Kháy. Hai vợ chồng than khóc vang trời dậy đất. Biết không cưỡng được, nàng Kháy bảo sứ thần hãy khoan chút để để vợ chồng dặn dò nhau. Nàng gạt nước mắt nói nhỏ vào tai chồng:

– Chàng hãy cầm lấy hạt cam này. Sau khi em đi, chàng đem trồng ngay. Hễ có con chim nào đến ăn, chàng bắn chim rồi nhặt lông làm áo. Bao giờ cam chín, áo cũng phải xong. Chàng làm thêm túi đựng cam. Nếu ai hỏi mua cam, chàng bảo giá năm quan một quả. Họ sẽ bảo: Đắt thế có mà vua mua. Chàng hỏi chỗ ở của vua rồi đem đến bán cho hắn.

Nói rồi, nàng lên võng, từ biệt chồng ra đi. Cũng từ đấy nàng không nói, không cười.

Thấy nàng Kháy xinh đẹp, tên vua ác độc mừng lắm. Nhưng hắn không khỏi băn khoăn vì nàng không nói không cười. Hắn ra lệnh cho triều đình cúng tế, bói toán, nàng vẫn nín lặng. Hắn lại hứa sẽ thưởng cho kẻ nào làm cho hoàng hậu khỏi bệnh u sầu, bắt mọi người làm trò mua vui cho nàng. Ngay cả đến nhà vua cũng thân chinh làm trò, nhưng nàng Kháy vẫn trơ ra như người không hồn.

Ngắm nhìn nàng thì được, nhưng hễ chạm vào nàng là rụng rời cả chân tay. Đã có lúc, tên vua muốn hạ chiếu giết nàng, nhưng hễ nhìn đến dung nhan nàng, hắn lại tiếc. Hắn lại hết sức chiều chuộng nàng. Tên vua trao cho nàng một thanh gươm, bảo muốn giết ai thì giết. Bữa kia, có gánh hát đến nhảy múa cho nàng xem. Mọi người đều cười vui nhưng riêng nàng chẳng hề hé miệng. Vua ra lệnh chém hết cả đoàn, nàng nhăn mặt lắc đầu. Vua cũng phải nghe theo vì khi nàng nhăn mặt, nàng càng xinh đẹp bội phần. Nhà vua như bị bỏ bùa mê, không dám cưỡng ý.

Từ ngày vợ bị bắt đi, Hoa Long ngày đêm thương nhớ. Chàng không đi làm thuê nữa, ngày ngày chỉ chăm chỉ bắt chim, bẫy thú. Được con nào, chàng lại lấy lông tích lại và dùng thịt nó thay cơm. Chàng săn bẫy lại hay gặp may như có người xua đuổi chim thú đến.

Không ngày nào, chàng không săn được. Dần dà, lông thú đã đủ chắp một cái áo. Chỗ còn thừa, Hoa Long làm một cái túi đựng cam. Khi cam chín, chàng hái cam đem bán. Cam vườn chàng quá to, lại đẹp nên nhiều người hỏi mua. Nhớ lời vợ dặn, chàng đặt giá năm quan một quả. Nghe chàng nói, mọi người lắc đầu, bĩu môi, bảo có mà bán cho vua. Hoa Long mặc áo lông chim, xách túi đầy cam, hỏi đường đến cung vua. Con chó năm xưa cũng xăm xăm chạy theo chàng.

Chiều đến, chàng gặp một con sông lớn, lại không có đò. Vừa lúc ấy con chó bơi qua sông đã quay trở lại, mõm ngoạm vạt áo chàng lôi đi.

Sực nhớ lời vợ dặn, Hoa Long liền ôm cổ con chó để nó đưa sang sông. Khi đến bờ bên kia, con chó thở dốc mấy cái liền rồi chết. Từ trong mồm nó bay ra một con ong. Thương tiếc con vật trung thành, chàng ngồi khóc than mãi không thôi. Con ong cứ bay liệng quanh đầu Hoa Long. Lại nhớ lời vợ dặn nếu con chó không sống nữa, hễ thấy con gì trong mồm chó bay ra, hãy đi theo nó.

Con ong cứ bay thong thả dẫn đường cho chàng. Đó là con đường có vừng mọc do nàng Kháy rắc hạt khi ngồi kiệu vào cung. Ngày đi, đêm nghỉ, ròng rã năm tháng Hoa Long mới tới kinh đô.

Nàng Kháy vẫn câm điếc. Đến một hôm, thấy có con ong vàng lượn quanh đầu, nàng biết có điềm báo chồng đã đến. Nàng ra hiệu cho thị nữ đưa ra vườn dạo mát. Chợt nghe tiếng lính canh quát đuổi một người mặc áo bằng lông cầm thú, nàng bỗng nhiên gọi bảo bọn lính không được đuổi người ấy. Quân lính thấy nàng nói được, lấy làm lạ, vội vào tâu vua.

Hí hứng hơn được kho vàng, nhà vua vội hỏi nàng Kháy:

– Cớ sao hôm nay nàng lại nói được?

Nàng Kháy trả lời:

– Trông thấy anh chàng mặc áo lông chim, tự nhiên thiếp buồn cười thế là cười được, muốn nói, tự nhiên nói được. Nếu bệ hạ mặc chiếc áo đó, chắc thiếp còn cười được hơn thế.

Nhà vua liền đổi áo mũ cho Hoa Long. Khi hắn vua mặc xong, nàng Kháy ra lệnh bắt tên vô đạo khoác áo lông thú ở đâu vào quấy rối triều đình. Y lệnh, quan quân vây chặt lấy, đem hắn tống vào giam trong ngục. Vợ chồng Hoa Long lại được sum họp. Họ sống với nhau hạnh phúc đến già.

Truyện cổ tích: Nàng Kháy - 3

Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui

Truyện cổ tích: Nàng Kháy - 4

1

Chàng mồ côi tên là là gì?

Hoa Long.

Thành Long.

2

Túp lều tranh của Hoa Long được ví bé hơn vật gì? 

Bé bằng cái thuyền.

Bé hơn chuồng ngựa.

3

Cô gái từ trong quả trứng nở ra, nên dân làng gọi là gì?

Nàng Kháy.

Nàng bánh bao.

Nếu bạn trả lời đầy đủ các câu hỏi trên, hãy nhấn "Xem thêm kết quả"

Truyện cổ tích: Nàng Kháy - 5

Truyện cổ tích: Nàng Kháy - 6

Truyện cổ tích: Người họ Liêu và Diêm Vương
Câu chuyện kể về một người họ Liêu làm đơn kiện Diêm Vương, vì cả dòng họ bị quỷ sứ bắt nhầm.

Dạy con 3-5 tuổi

Theo Thi Thi Sưu tầm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Câu chuyện kể về tấm lòng hiếu thảo của người con Út, được chim thần mách cho lá thuốc hay cứu sống mẹ.

Tin bài cùng chủ đề Dạy con tình cảm