Người vợ lúc này sốt ruột quá, lấy cành cây to hơn, đập vỡ trái bầu, một loạt đứa bé nữa chui ra, lần này không ai bị dính bụi khói cả...
Nội dung truyện cổ tích quả bầu mẹ
Thuở ấy, rất xa xưa trong lịch sử, ở nước ta có một người con trai và một người con gái, nhà rất nghèo, đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
Hai người thường vào rừng kiếm thức ăn. Một hôm gặp một con dúi, liền đuổi theo bắt. Dúi chui vào hang để núp, hai người đào đất lên, bắt được.
Dúi nói lên tiếng người, van xin tha cho và nói thêm:
– Anh chị tha cho tôi, thì tôi cho biết một việc quan trọng này.
– Việc gì thế, mày nói trước đi.
– Trời sắp sập rồi. Sẽ có mưa to làm ngập tất cả đó.
– Thế biết làm sao bây giờ?
– Anh chị muốn sống thì hãy lấy một khúc gỗ thật to, đục rỗng bên trong, mang theo thức ăn đủ 7 ngày, rồi vào trong đó mờ ở. Nhớ lấy sáp ong bịt kín miệng khúc gỗ lại thành như mặt trống.
Ảnh minh họa.
Qua 7 ngày đêm, anh chị hãy lấy lông nhím chọc thủng sáp ong, nếu không thấy nước rỉ vào thì phá mặt trống mà ra. Thế là sống.
Hai người liền tha cho dúi và ngay tức khắc làm y như lời dúi dặn.
Mưa bắt đầu đổ xuống, mưa to, mưa không ngớt. Nước dâng lên mãi, làm ngập chìm tất cả. Khúc gỗ như chiếc trống, bềnh bồng trên mặt nước suốt 7 ngày đêm, rồi dần dần nằm yên.
Hai người làm theo lời dúi dặn để chui ra. Hóa ra khúc gỗ đang mắc trên ngọn cây. Hai người bấu cành cây xơn xác bẩn thỉu để lần xuống.
Xuống đến đất, nhìn thấy cảnh hoang tàn vắng lặng, hai người chia nhau đi tìm bà con. Hai người đi hai ngả, đi mãi, băng qua làng xóm điêu tàn. Không một bóng người. Nhưng rồi cuối cùng cũng thấy đằng xa có ai đi lại.
Cả hai người cùng chạy đến, nhưng hóa ra vẫn là hai người đó thôi. Buồn rầu, mệt mỏi, ngồi nghỉ một chốc hai người lại chia tay đi tìm lần nữa, rồi nhiều lần nữa, nhưng vô ích, không còn ai trên “mảnh đất” này nữa!
Mấy con chim còn sống sót, đậu trên cành cây khô, nói lên tiếng người, khuyên hai người kết làm vợ chồng để duy trì nòi giống.
Sau đó, người vợ có mang. Bảy năm, bảy tháng, bảy ngày sau, sinh ra một trái bầu. Người chồng muốn đập vỡ, vứt đi. Người vợ không cho và đem gác lên giàn bếp.
Một hôm, đi làm nương về, hai người nghe có tiếng cười đùa trong nhà. Chạy vào thì thấy im bặt. Người chồng nhìn quanh quẩn, nhìn lên giàn bếp, áp tai vào trái bầu, nghe có tiếng rì rầm.
Đúng là tiếng người. Anh mang xuống, lấy dao định đập vỡ trái bầu, nhưng người vợ sợ chạm vào con, bèn lấy một cành cây, dùi thủng trái bầu. Hai đứa bé chui ra đầu tiên, mình mẩy dính đầy bụi khói, nên đen thui.
Hai vợ chồng mừng quá, dùi rộng miệng bầu ra, nhiều đứa bé khác chui ra, bị dính ít bụi khói hơn, nên da chỉ ngăm ngăm. Người vợ lúc này sốt ruột quá, lấy cành cây to hơn, đập vỡ trái bầu, một loạt đứa bé nữa chui ra, lần này không ai bị dính bụi khói cả.
Những người ra đầu tiên, sau này là người Kháng, người Vân Kiều, những người ra sau là người Thái, người Tày, người Lự, người Ê đê, v.v… những người ra sau cùng là người Kinh.
Đó là câu chuyện “Quả bầu mẹ” của người dân tộc Kháng.
Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui