Trong một số trường hợp, nếu cha mẹ cho trẻ ăn trứng sai cách có thể vô tình gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Trứng chứa một lượng protein chất lượng cao, lecithin, vitamin và các dưỡng chất khác, có thể bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu cha mẹ cho trẻ ăn trứng sai cách có thể vô tình gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Chị Tiểu An hiện đang cùng gia đình sinh sống tại Trung Quốc, cậu con trai đầu lòng của chị hiện đã được hơn 5 tháng tuổi. So với những đứa trẻ khác vẫn đang bú mẹ, cậu bé có vẻ thích thú và tỏ ra muốn ăn sớm bữa ăn của người lớn. Mỗi khi con thấy cha mẹ đang ăn thì em đều mở miệng, muốn nếm thử.
Lúc này, Tiểu An nhận ra đã đến lúc cần bổ sung thêm thực phẩm cho con. Vì vậy, các thực phẩm bổ sung như bún hoặc ngũ cốc được đưa dần vào thực đơn hàng ngày của bé.
Tiểu An vẫn thận trọng về theo dõi phản ứng của con trai, nhưng dần dần chị phát hiện ra em bé có vẻ ham muốn bữa ăn người lớn rất mạnh. Để bồi bổ cho con, Tiểu An đã từ từ thêm trứng vào thực đơn và cho cậu bé ăn nhiều hơn.
Tuy nhiên, sau một thời gian trên cơ thể bé nổi rất nhiều mụn nhỏ màu đỏ. Sau khi đến bệnh viện khám, bác sĩ chỉ ra rằng mụn nhỏ màu đỏ này thực chất là dị ứng protein.
Các chuyên gia nhi khoa chỉ ra rằng, trứng tuy giàu dinh dưỡng nhưng cũng có yêu cầu cao đối với dạ dày của trẻ. Đối với những bé còn quá nhỏ, đường ruột và dạ dày chưa phát triển hoàn thiện, việc ăn trứng quá nhiều không những không bổ sung được dinh dưỡng mà còn tăng gánh nặng cho dạ dày, chưa kể một số trẻ có thể dị ứng với trứng.
Trên thực tế, không chỉ có trứng mà ngay cả những thực phẩm tưởng chừng như bổ dưỡng như ngũ cốc thô, cơm canh, nước ép rau củ cũng được các bác sĩ nhắc nhở rằng cha mẹ nên chú ý và thận trọng hơn khi cho con ăn, đặc biệt đối với những bé sơ sinh dưới 1 tuổi.
Cơm chan canh
Cho trẻ ăn cơm chan canh là thói quen vẫn được nhiều bà mẹ áp dụng, vì nước canh giúp trẻ ăn dễ dàng, ngon miệng hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thường xuyên cho trẻ ăn cơm chan canh có thể gây ảnh hưởng đến một số bộ phận trên cơ thể, thậm chí gây bệnh.
Nguyên nhân là nước sẽ làm loãng dịch vị, khiến thức ăn trong dạ dày chưa kịp tiêu hóa đã vào ruột non, dễ gây các bệnh về tiêu hóa.
Mặt khác, mặc dù nước canh sẽ khiến trẻ dễ nuốt hơn nhưng cũng gây phản tác dụng khi lượng cơm và thức ăn trôi tuột vào dạ dày mà chưa được nhai kỹ. Điều đó khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn. Nếu duy trì lâu dài, bạn sẽ mắc bệnh đau dạ dày.
Đối với những bé còn quá nhỏ, đường ruột và dạ dày chưa phát triển hoàn thiện, việc ăn trứng quá nhiều không những không bổ sung được dinh dưỡng mà còn tăng gánh nặng cho dạ dày.
Ngoài ra, khi cho trẻ ăn cơm chan canh có thể tạo cảm giác no giả và ít giá trị dinh dưỡng. Khi nhai thức ăn, enzyme trong nước bọt tiết ra hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, rất có lợi cho sức khỏe.
Ngược lại, khi chan cơm cùng canh, dịch tiêu hóa bị nước pha loãng khiến quá trình hấp thu dinh dưỡng giảm, tạo cảm giác nhanh no nhưng thực chất lượng dinh dưỡng rất ít.
Đối với trẻ nhỏ, chan nước canh khiến trẻ ăn nhanh, no ảo, dẫn tới thiếu chất. Về lâu dài, thói quen này sẽ tạo thành phản xạ lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm ở trẻ.
Các loại ngũ cốc thô
Các loại ngũ cốc thường được các bà mẹ bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng cho con vì chứa nhiều calo, không chứa gluten và ít khi gây ra phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý liều lượng và cho trẻ ăn đúng cách, bởi nếu áp dụng sai phương pháp có thể tạo ra những tác động ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Trước tiên, đánh giá chung về các loại ngũ cốc đó là chúng rất khó tiêu. Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn rất non nớt do đó nếu cho trẻ ăn nhiều, sẽ dễ bị đầy bụng và táo bón.
Amylase là một enzyme cần thiết để tiêu hóa tinh bột, đây là thành phần chính trong ngũ cốc. Cơ thể trẻ sơ sinh bắt đầu sản xuất ra enzyme này sớm nhất là từ 6 tháng tuổi.
Vì thế nếu cha mẹ cho bé ăn ngũ cốc từ tháng thứ 4-5, trẻ sẽ rất khó tiêu hóa hoặc thậm chí không thể tiêu hóa được.
Ngoài ra, cha mẹ nên hạn chế trẻ dưới 1 tuổi tự ăn các loại hạt, vì chúng có thể gây hóc, ngạt thở. Tốt nhất nên bổ sung các sản phẩm này theo dạng xay nhuyễn vào chế độ ăn của trẻ và dưới sự giám sát của người lớn.
Thực tế cho trẻ ăn cơm chan canh không mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe, cha mẹ nên chú ý khi cho con ăn.
Nước ép hoa quả
Nước ép trái cây nguyên chất là thức uống được nhiều người ưa thích vì chúng có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhưng không phải đối tượng nào cũng nên sử dụng loại nước này.
Theo Tiến sĩ Steven Abrams, tác giả chính của nghiên cứu và là Trưởng khoa nhi tại Trường Y khoa Dell, Đại học Texas ở Austin, trẻ sơ sinh uống nhiều nước trái cây hơn trong giai đoạn đầu đời thường có xu hướng thích uống nước ngọt và đồ uống chứa đường sau này.
Ngoài ra, trong quá trình chế biến rau quả thành nước quả, cấu trúc xenlulozơ đã bị phá hủy, nếu đun lại nước rau quả sẽ còn lại rất ít chất dinh dưỡng.
Do đó, tùy từng giai đoạn phát triển của trẻ, các bậc cha mẹ nên nghiên cứu và cân nhắc kỹ lượng nước ép trái cây cho trẻ uống mỗi ngày.
Để giúp các bậc phụ huynh trang bị thêm những kiến thức khi sử dụng trứng hay các loại thực phẩm khác trong bữa ăn của trẻ, bác sĩ Nguyễn Khôi - Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2 sẽ giúp cha mẹ giải đáp những câu hỏi xung quanh vấn đề này.
Chào bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết trứng có lợi cho sức khỏe như thế nào?
Trứng là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất trên hành tinh. Toàn bộ quả trứng chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để biến một tế bào đơn lẻ phát triển thành một con gà. Do đó, không bàn cãi gì rằng trứng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây tôi xin liệt kê 10 lợi ích đã được nghiên cứu và công bố rộng rãi:
Cực kỳ bổ dưỡng: Một quả trứng luộc chứa (1):
Vitamin A: 6% RDA (RDA: nhu cầu hằng ngày)
Folate: 5% RDA
Vitamin B5: 7% RDA
Vitamin B12: 9% RDA
Vitamin B2: 15% RDA
Phốt pho: 9% RDA
Selenium: 22% RDA
Trứng cũng chứa một lượng lớn vitamin D, vitamin E, vitamin K, vitamin B6, canxi và kẽm, Choline và nhiều chất dinh dưỡng vi lượng khác.
Năng lượng khoảng 77 calo từ 6 gam protein và 5 gam chất béo.
Chứa nhiều Cholesterol, nhưng không ảnh hưởng xấu đến lượng cholesterol trong máu
Giúp tăng HDL: HDL được cho là một Cholesterol “tốt” giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Chứa Choline: một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự hình thành cấu trúc và chức năng não bộ.
Có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim do làm thay đổi các hạt LDL từ LDL nhỏ, đậm đặc (xấu) thành LDL lớn.
Chứa Lutein và Zeaxanthin: Chất chống oxy hóa có lợi ích cho sức khỏe của mắt.
Chứa Omega-3: Axit béo omega-3 được biết đến là chất làm giảm nồng độ triglyceride (một yếu tố nguy cơ bệnh tim).
Chứa tất cả các axit amin thiết yếu với tỷ lệ thích hợp.
Không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và có thể giảm nguy cơ đột quỵ
Gây cảm giác no khiến bạn ít ăn hơn, điều đó giúp bạn giảm cân.
Có ý kiến cho rằng, trứng gà nằm trong "danh sách đen" những thực phẩm không nên cho trẻ ăn dưới 1 tuổi? Bác sĩ nghĩ sao về nhận định này?
Trứng gà rất giàu các hàm lượng chất dinh dưỡng tốt như các vitamin, Lutein, Zeaxanthin, choline,... giúp hỗ trợ phát triển tốt về não, hệ thần kinh và cơ thể con người nên một số bà mẹ thường cho con trẻ bổ sung nhiều hơn nhu cầu trong mỗi bữa ăn.
Điều này sẽ làm cho trẻ bị khó tiêu, thậm chí là tiêu chảy, nặng hơn sẽ gây ra một số tác dụng phụ khác. Bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ lúc này vẫn chưa đủ trưởng thành và sự bài tiết của các enzyme tiêu hóa khác nhau là không đủ.
Nếu ăn quá nhiều trứng thì sẽ gia tăng gánh nặng lên dạ dày và ruột cho trẻ. Cho nên, trứng không nằm trong “danh sách đen” như mọi người nghĩ.
Vậy khi nào có thể bắt đầu cho trẻ ăn trứng và ăn như thế nào là hợp lý và an toàn nhất?
Trứng là một trong những thức ăn đầu tiên tuyệt vời nên giới thiệu cho trẻ trong giai đoạn nhũ nhi. Chúng cung cấp một lượng dinh dưỡng dồi dào, dễ nhai cho trẻ nhỏ và cách chế biến lại đơn giản.
Ngoài ra, mặc dù trứng là một trong những thực phẩm gây dị ứng hàng đầu đối với trẻ em, nhưng bạn không nên tránh dùng trứng cho trẻ khi trẻ đã bắt đầu sẵn sàng ăn dặm, thường là từ 6 tháng tuổi.
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc trì hoãn việc cho trẻ ăn các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng như trứng, sản phẩm từ sữa bò, bơ, đậu phộng, các loại hạt hoặc cá đến sau 1 tuổi, có thể làm tăng khả năng bị dị ứng sau này của trẻ. Vì lý do này, các chuyên gia khuyến cáo nên giới thiệu trứng cho trẻ trước một tuổi để có thể bảo vệ chống lại dị ứng.
Để đảm bảo an toàn khi cho trẻ ăn trứng, bạn nên bắt đầu giới thiệu cho trẻ một số loại thực phẩm ít gây dị ứng hơn (như trái cây, rau hoặc ngũ cốc dành cho trẻ em), bạn sẽ biết khi trẻ chuyển sang ăn trứng, trẻ dễ bị dị ứng với trứng hay không?
Khi bạn cho trẻ ăn trứng lần đầu tiên:
Cho trẻ ăn một hoặc hai miếng để an toàn (1 – 2 muỗng canh). Tăng từ từ, từ 1 lần/ngày, sau 2 lần/ngày…
Cho trẻ ăn riêng, không kèm với các loại thực phẩm khác có thể gây dị ứng, như bơ đậu phộng, sản phẩm từ sữa bò và cá.
Cho trẻ ăn vào ban ngày và theo dõi sự phản ứng của trẻ trong khoảng thời gian cho trẻ dùng, liệu trẻ có bị dị ứng hay không.
Nên bắt đầu bằng lòng đỏ trứng trước, sau khi nấu chính.
Vậy, cho trẻ ăn bao nhiêu trứng là đủ? Hiện tại các hướng dẫn ăn trứng cho trẻ thường không có chỉ dẫn chi tiết, tuy nhiên ta cũng có thể dựa vào nhu cầu các chất dinh dưỡng thiết yếu hằng ngày của trẻ để cho trẻ ăn một cách an toàn, như Choline hay cholesterol để đưa ra những hướng dẫn tương đương.
Một quả trứng luộc chín có khoảng 147 mg choline. Lượng khuyến cáo cho trẻ em là:
- 150 mg mỗi ngày từ 7 tháng đến 1 tuổi tương đương 1 quả trứng
- 200 mg mỗi ngày từ 1 đến 3 tuổi
- 250 mg mỗi ngày từ 4 đến 8 tuổi
- 375 mg mỗi ngày từ 9 đến 13 tuổi
- 550 mg mỗi ngày từ 14 đến 18 tuổi
Lưu ý: Khi sử dụng trứng gà trong thực đơn của trẻ, đặc biệt là trẻ nhũ nhi thì trứng không nên sử dụng trứng như một thực phẩm chính yếu trong khẩu phần bổ sung cho trẻ.
Vì đa số các chất dinh dưỡng như choline hay cholesterol còn có trong những thức ăn khác như thịt, rau, đậu, cá… nên bạn cần cân đong đo đếm sao cho trẻ thật sự không quá dư cũng như không quá thiếu. Nhìn chung, khuyến cáo đối với trẻ < 1 tuổi nên ăn 1 quả trứng mỗi ngày là đủ, đối với trẻ > 1 tuổi khuyến cáo nên 1-2 quả trứng mỗi ngày.
Nếu trẻ bị dị ứng trứng thì có những biểu hiện gì? Thông thường, triệu chứng sẽ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn sau khi ăn (hoặc thậm chí chạm vào) trứng như:
Các phản ứng trên da, chẳng hạn như sưng tấy, phát ban đỏ
Chảy nước mũi và hắt hơi
Đỏ hoặc chảy nước mắt
Buồn nôn, nôn hoặc tiêu phân lỏng.
Sốc phản vệ (hiếm gặp hơn): khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt hay ngất xỉu.
Khi trẻ có các biểu hiện trên bạn cần đến sự hướng dẫn của nhân viên y tế để xử trí kịp thời.
Cách chế biến nào là tối ưu cho trẻ hấp thu để có sự phát triển tốt hơn?
Tùy theo độ tuổi mà người lớn cần có những cách chế biến trứng riêng để cho trẻ có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng trong trẻ tốt nhất.
Trẻ 6-12 tháng: Lúc này nên cho trẻ sơ sinh ăn bột trứng hoặc nghiền nhuyễn hay nghiền một quả trứng luộc hoặc trứng bác và cho bé ăn. Để có độ đặc lỏng hơn, hãy thêm sữa mẹ hoặc nước.
Cách nấu bột trứng: Nấu chín bột mới cho trứng vào, đập lòng đỏ trứng vào bát đã có rau băm nhỏ, đánh đều trứng và rau, nồi bột sôi trên bếp đổ trứng và rau vào khuấy đều nhanh tay, bột sôi lên là được. Không nên đun kỹ quá trứng khó hấp thu, cũng không nên luộc chín trứng rồi nghiền lòng đỏ nấu bột vì qua nhiều lần chế biến trứng khó hấp thu.
Trẻ 1-2 tuổi: Có thể ăn cháo trứng, cũng tương tự như nấu bột trứng, khi cháo chín mới cho trứng, đun sôi lại là được, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên: Có thể ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán đúc thịt, trứng sốt cà chua ăn với cơm, tốt nhất là ăn trứng luộc chín tới.
Trong trường hợp bé bị dị ứng trứng, bác sĩ có thể gợi ý một số thực phẩm, món ăn nhiều dinh dưỡng cho trẻ nếu cần thay thế trứng?
Khi con bạn dị ứng với trứng, các thực phẩm sau sẽ dùng để thay thế trứng. Nói chung, các thực phẩm thay thế này cũng mang lại nhiều lợi ích về dinh dưỡng tất nhiên là không bằng trứng được.
Nước sốt táo: Nước sốt táo không đường là một chất thay thế tuyệt vời cho trứng trong hầu hết các công thức nấu ăn. Bạn có thể sử dụng một phần tư cốc (khoảng 65 gam) để thay thế một quả trứng.
Chuối nghiền: Bạn có thể dùng chuối nghiền hoặc các loại trái cây khác như bí đỏ và bơ để thay thế trứng. Dùng một phần tư cốc (65 gam) trái cây xay nhuyễn thay thế cho mỗi quả trứng bạn muốn.
Hạt lanh hoặc hạt Chia: Hạt lanh xay và hạt chia là những chất thay thế trứng tuyệt vời. Trộn 1 muỗng canh (7 gam) bột với 3 muỗng canh (45 gam) nước có thể thay thế một quả trứng.
Sữa chua hoặc sữa bơ: Bạn có thể dùng một phần tư cốc (60 gram) sữa chua nguyên chất hoặc sữa bơ để thay thế một quả trứng. Những chất thay thế này đặc biệt hiệu quả trong bánh nướng xốp và bánh ngọt.
Bột dong riềng: Bột dong riềng là một sự thay thế tuyệt vời cho trứng. Trộn 2 muỗng canh (khoảng 18 gam) bột với 3 muỗng canh (45 gam) nước để thay thế một quả trứng.
Bơ hạt: Bạn có thể sử dụng 3 thìa (60 gram) bơ đậu phộng, hạt điều hoặc bơ hạnh nhân cho mỗi quả trứng bạn muốn thay thế. Tuy nhiên, nó cũng có đến hương vị thơm ngon như trứng.
Trên đây là các hướng dẫn cơ bản nhất giúp các bạn có thêm chút kiến thức trong thực hành khi cho trẻ ăn trứng, chúc các bé thân yêu và bố mẹ luôn khỏe mạnh!
Cha mẹ cần lưu ý những điều gì khi cho trẻ ăn trứng?
Không sử dụng trứng như là thực phẩm chính yếu cho trẻ nhũ nhi (<1 tuổi): Trẻ nhũ nhi chưa có chức năng tiêu hóa chưa thật sự tốt nên dễ bị ảnh hưởng hơn hết, vì vậy ăn nhiều trứng sẽ tạo gánh nặng cho dạ dày trẻ.
Không cho trẻ ăn trứng nấu chưa chín: Trứng nấu không chín, khi ăn có thể dễ bị nhiễm khuẩn như vi khuẩn Salmonella, dù không bị rạn nứt. Vì vậy, nên cho trẻ ăn trứng đã làm chín. Trứng nên được rán trong 3 phút hoặc luộc trong 7 phút.
Cấu trúc của trứng sống rất chặt chẽ, làm cho protein khó để được tiêu hóa và hấp thụ. Chỉ khi trứng được nấu chín đủ thời gian, cấu trúc của protein trở nên lỏng lẻo nên dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ.
Không cho trẻ ăn trứng khi trẻ đang mắc bệnh cấp tính như sốt: Trứng chứa hàm lượng calo cao. Sau khi trẻ ăn trứng, để tiêu thụ được trẻ cần tiết nhiều enzym và năng lượng mức cao. Điều này không tốt cho trẻ đang bệnh.
Trẻ bị dị ứng trứng: Khi bạn cho trẻ ăn trứng và trẻ biểu hiện dị ứng, bạn nên ngưng ngay và báo ngay nhân viên y tế để có hướng dẫn kịp thời. Trong những lần sau bạn có thể cho trẻ thử ăn lại trứng nhưng nhớ rằng có thể trẻ sẽ không bị nhưng cũng có thể trẻ lại bị dị ứng và nếu biểu hiện dị ứng th2i những lần sau sẽ năng hơn lần đầu.