Nếu nhận thấy trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ đừng quá lo lắng mà hãy tìm hiểu nguyên nhân nhằm có phương pháp điều trị thuận lợi nhất.
Sốt phát ban là một trong những loại bệnh phổ biến ở trẻ, đặc biệt là trẻ trước 2 tuổi, nhưng đây không phải là bệnh quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp hiếm, tình trạng sốt quá cao có thể dẫn đến biến chứng, điều này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Trên thực tế, rất dễ nhầm lẫn sốt phát ban ở trẻ em với các căn bệnh phổ biến thường gặp khác như cảm lạnh hay dị ứng… Nếu nhận thấy con bị sốt phát ban, cha mẹ đừng quá lo lắng mà hãy tìm hiểu nguyên nhân trẻ bị sốt phát ban để điều trị thuận lợi nhất.
Nguyên nhân trẻ bị sốt phát ban là gì?
Không giống như bệnh thủy đậu và các bệnh do virus khác ở trẻ em thường có tốc độ lây lan nhanh chóng, sốt phát ban hiếm khi bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, cần lưu tâm đến các dấu hiệu do bệnh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm.
Nguyên nhân trẻ bị sốt phát ban là virus herpes 6, nhưng các loại siêu virus herpes khác cũng có thể gây bệnh này.
Cũng như các bệnh do virus khác, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, sốt phát ban sẽ lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp hoặc nước bọt của người bệnh.
Sốt phát ban là một trong những loại bệnh phổ biến ở trẻ, đặc biệt là trẻ trước 2 tuổi.
Do đó, nếu một trẻ khỏe mạnh dùng chung cốc với trẻ bị bệnh hoàn toàn có thể bị nhiễm virus. Bệnh có thể lây truyền ngay cả khi không có triệu chứng phát ban mà chỉ mới ở giai đoạn sốt.
Mặc dù do virus và có khả năng lây lan nhất định, nhưng sốt phát ban hiếm khi bùng phát thành dịch. Có nghĩa là về mặt lây nhiễm, sốt phát ban khó lây hơn các căn bệnh khác như tay chân miệng hay sốt xuất huyết.
Do đó, cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ bị sốt phát ban, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có phương hướng điều trị kịp thời cho con.
2 triệu chứng phổ biến khi trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ nên lưu tâm
Thông thường, sẽ mất khoảng một hoặc hai tuần để virus sinh sản, phát triển và gây ra các triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng của bệnh sốt phát ban ở trẻ em thường bao gồm:
Sốt cao đột ngột
Triệu chứng đầu tiên và rõ ràng nhất là trẻ bị sốt cao đột ngột ( thường trên 39,4 độ C ).
Sốt có thể kéo dài từ 3 đến 5 ngày rồi sau đó khỏi hẳn mà không cần dùng thuốc.
Trẻ có thể bị ho đau họng chảy nước mũi trước hoặc trong thời gian sốt.
Trong một số trường hợp, trẻ cũng có thể bị nổi hạch ở cổ và phát âm ra âm thanh không giống bình thường.
Triệu chứng phổ biến khi trẻ bị sốt phát ban là sốt ở nhiệt độ cao.
Phát ban sau sốt
Sau khi các cơn sốt biến mất, phát ban bắt đầu phát triển.
Ban đầu, cơ thể bé sẽ xuất hiện những nốt nhỏ màu đỏ, phân bố dàn trải hoặc thành từng mảng lớn trên một vùng da nhất định.
Những nốt đỏ này thường không sưng, có thể xuất hiện chân trắng bao quanh.
Thường thì chúng bắt đầu nổi lên ở vùng lưng, bụng và ngực sau đó lan tràn đến vùng cổ tay, cánh tay. Chân và mặt ít khi xuất hiện phát ban.
Phát ban ở trẻ bị sốt phát ban không gây ngứa và khó chịu, có thể kéo dài nhưng thường ít hơn 3 ngày hoặc chỉ vài giờ tùy tình trạng và cơ địa của từng bé.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh - Nguyên Trưởng khoa Nội 1, bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ giúp các bậc cha mẹ giảm đi lo lắng về vấn đề này thông qua các lời khuyên hữu ích.
Trẻ sốt phát ban có những biểu hiện gì? Trường hợp nào nên điều trị tại nhà, trường hợp nào nên đưa bé đi bệnh viện?
Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Ban đầu, trẻ có dấu hiệu sốt vừa đến cao từ 38-40 độ C kèm theo các triệu chứng như viêm họng, sổ mũi, chán ăn, nôn ói, tiêu chảy nhẹ.
Sau khoảng 3-5 ngày hết sốt thì sẽ phát ban lan rộng ở ngực, lưng, bụng và có thể rải rác ở tay chân, mặt, sẽ biến mất sau vài ngày đến 1 tuần.
Trẻ bị sốt phát ban có thể điều trị tại nhà nếu bé không sốt cao, không nôn ói nhiều, vẫn tỉnh táo với các hoạt động bình thường.
Lúc này, cha mẹ phải đưa trẻ đến bệnh viện nếu sốt cao liên tục, nôn ói, mệt mỏi, khó thở, li bì, co giật, bứt rứt, quấy khóc và phát ban nhiều.
Trẻ bị sốt phát ban nên ăn gì và kiêng gì?
Trẻ nên ăn lỏng, dễ tiêu và đầy đủ chất dinh dưỡng, tốt nhất là nên chia thành nhiều bữa nhỏ để hấp thu tốt hơn.
Phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, nước chanh, cam hoặc các loại nước ép trái cây giúp bé tăng đề kháng .
Không nên ăn đồ dầu mỡ, chiên xào, các loại hải sản dễ gây dị ứng hoặc các loại thực phẩm bé chưa từng ăn.
Đối với các bé có tiền căn dị ứng, khò khè chưa loại trừ hen suyễn thì không nên cho bé ăn trứng, bò, hải sản khi bé bị sốt phát ban.
Trẻ bị sốt phát ban có được tắm không? Cha mẹ cần lưu ý điều gì ?
Ba mẹ vẫn tắm cho con mỗi ngày bằng nước ấm không nên kiêng gió, kiêng nước sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao.
Luôn giữ cho cơ thể bé sạch sẽ và khô thoáng tránh bị nhiễm trùng da và giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Nếu trẻ có kèm ho hoặc đau rát họng thì có thể cho bé uống thuốc ho thảo dược để làm giảm các triệu chứng viêm, sưng.
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý ngày 2-3 lần để làm sạch mũi cho bé.
Nhớ cho bé nghỉ ngơi, hạn chế chơi hay tiếp xúc với anh chị em trong gia đình để tránh lây nhiễm .