Trẻ 10 tháng tuổi sẽ có nhiều sự thay đổi về trí tuệ và thể chất, trở nên hiếu động hơn. Vì vậy, cha mẹ cần phải chăm sóc cho bé đúng cách để giúp con phát triển khỏe mạnh một cách toàn diện.
CÁC CHỈ SỐ CỦA TRẺ 10 THÁNG TUỔI
Thông thường, cân nặng của trẻ lúc này sẽ gấp 3 lần so với lúc mới sinh. Tốc độ phát triển của mỗi bé sẽ không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào yếu tố di truyền, môi trường và chế độ dinh dưỡng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, chuẩn cân nặng và chiều cao của trẻ 10 tháng tuổi như sau:
- Đối với bé trai:
+ Chiều dài: từ 68,7 - 77,9cm; trung bình: 73,3cm
+ Cân nặng: từ 7,4 - 11,4kg; trung bình: 9,2kg
- Đối với bé gái:
+ Chiều dài: từ 66,5 - 76,4cm; trung bình: 71,5cm
+ Cân nặng: từ 6,7 - 10,9kg; trung bình: 8,5kg
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 10 THÁNG TUỔI
1. Vận động trẻ 10 tháng
- Tự do khám phá thế giới xung quanh: trẻ có thể bò khắp nơi, đứng dậy khi đang ngồi, từ từ ngồi xuống hoặc vịn tay đi xung quanh.
- Đã có thể cầm những đồ vật nhỏ bằng tay, phát hiện đồ vật quanh mình một cách nhanh chóng.
- Học được cách xếp hình đồ vật hoặc chồng các cốc lên nhau.
- Trẻ có thể giữ đồ chơi một tay và tay kia làm việc khác.
2. Giao tiếp trẻ 10 tháng
- Bé bắt chước được mọi thứ xung quanh như: chải tóc, gọi điện thoại…
- Trẻ lắng nghe âm thanh của từ ngữ và theo dõi phản ứng của người lớn đối với mỗi tình huống để đánh giá. Ví dụ nếu mẹ khóc khi xem phim buồn thì bé cũng buồn rầu theo.
- Đã có thể hiểu và làm theo những yêu cầu đơn giản như: tạm biệt, vỗ tay….
- Nhận biết tên gọi của mọi thứ xung quanh và phản ứng khi nghe thấy tên mình.
- Trẻ sẽ nói từ đầu tiên khi được 10 hoặc 11 tháng tuổi. Thông thường, các từ hay nói đầu tiên là mẹ và bố.
3. Ghi nhớ trẻ 10 tháng
- Vào thời điểm này, khả năng nhớ của trẻ đã ngày một tốt hơn.
- Bé có thể nhận ra nhiều khuôn mặt quen thuộc, ghi nhớ đồ chơi để ở đâu và đường đi.
4. Tính cách trẻ 10 tháng
- Những đặc điểm tính cách riêng biệt đã bắt đầu xuất hiện ở trẻ như: thích giao tiếp xã hội, hay mỉm cười hoặc nhút nhát, e dè.
- Bé học cách phát triển những suy nghĩ của riêng mình. Khi không thích một điều gì đó, trẻ sẽ phản đối.
XÂY DỰNG LỊCH SINH HOẠT CHO TRẺ 10 THÁNG TUỔI
7 giờ sáng: Đánh thức trẻ dậy, cho bé bú sữa mẹ hoặc ăn sữa bột.
9 giờ sáng: Lúc này bé đã bắt đầu đói, mẹ nên cho trẻ ăn dặm bột hoặc cháo.
10 giờ sáng: Cho trẻ đi ngủ khoảng 1 tiếng.
11 giờ sáng: Sau khi bé thức giấc thì nên cho trẻ uống sữa.
13 giờ trưa: Cho bé ăn trưa bằng cháo hoặc bột ăn dặm.
14 giờ chiều: Bé đi ngủ khoảng 1 giờ.
15 giờ chiều: Cho bé ăn
15 giờ 15 - 17 giờ chiều: Bé chơi cùng gia đình
17 giờ tối: Trẻ ăn dặm
18 giờ 15 tối: Cha mẹ trò chuyện cùng bé, xem một ngày trẻ đã làm gì, chơi gì hoặc kể chuyện cho con.
19 giờ tối: nên cho bé uống sữa và đi ngủ.
CHĂM SÓC TRẺ 10 THÁNG TUỔI ĐÚNG CÁCH
1. Vui chơi với bé
- Đầu tiên, cha mẹ phải chú ý biết cách lựa chọn những loại đồ chơi phù hợp, kích thích trí não cũng như các giác quan của trẻ phát triển. Một vài lưu ý khi mua đồ chơi cho bé như sau:
+ Đồ chơi phải an toàn, vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng, nhiều màu sắc.
+ Nên mua cho trẻ nhiều đồ chơi hình con vật, búp bê, hình khối.
+ Các loại bóng đa dạng về màu sắc và kích thước sẽ giúp trẻ luyện tập cơ bắp, phát triển thị giác cùng khả năng nhận biết.
+ Nếu muốn luyện tập thính giác cho bé thì lựa chọn những loại đồ chơi phát ra âm thanh.
+ Loại đồ chơi có thể kéo đẩy giúp trẻ vận động cơ tay, tay sẽ thêm khỏe.
+ Những đồ chơi thông minh như: sách kèm hình ảnh, xếp hình….làm tăng cường khả năng vận động trí não của bé.
- Việc cha mẹ chơi với trẻ sẽ giúp tăng cường khả năng phát triển các giác quan của bé, khiến cho trẻ cảm thấy vui vẻ, được yêu thương. Phụ huynh có thể áp dụng các cách sau đây:
+ Cùng con xem các cuốn sách có màu sắc sặc sỡ, nhiều hình ảnh. Sau đó, chỉ cho bé nhìn và gọi tên các nhân vật trong đó.
+ Cho trẻ nhìn thấy một quả bóng hay đồ chơi nào đó. Giấu nó đằng sau lưng rồi yêu cầu bé đi tìm. Nếu trẻ kiếm được thì tiếp tục lặp lại trò chơi.
+ Cùng bé bỏ đồ chơi vào đầy một cái hộp. Sau đó đổ ra để trẻ tự chơi một mình.
+ Trong trường hợp trẻ bị ngã, hãy động viên bé tự đứng dậy và nói cho trẻ biết cha mẹ rất vui khi con làm được như vậy.
+ Để cho trẻ cầm ngón tay và tự bước đi.
+ Nói chuyện nhiều với bé, ôm ấp và yêu thương trẻ.
Cha mẹ cần phải biết cách vui chơi với trẻ
2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 10 tháng
- Năng lượng cần thiết để cung cấp cho trẻ trong giai đoạn này là khoảng 800-1000 calo/ngày.
- Bé cần được ăn 3 bữa chính và thêm các bữa phụ, chia đều trong ngày. Trong khẩu phần ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm cơ bản: 20-25g chất tinh bột (gạo, đỗ, ngũ cốc…), 30-40g chất đạm (thịt, cá, tôm…), 10g chất béo (dầu, mỡ), 10-15g vitamin và khoáng chất (rau xanh, củ quả...). Với những trẻ biếng ăn thì có thể cho ăn nhiều bữa hơn, các món ăn phải đa dạng, liên tục thay đổi.
- Mỗi ngày, thực đơn của trẻ 10 tháng tuổi cần phải có sữa, chế phẩm từ sữa hoặc một số món ăn chế biến có kết hợp sữa. Ngoài ra, cha mẹ cần tăng cường cho trẻ ăn hoa quả chín và uống các loại nước ép hoa quả để bổ sung vitamin, chất xơ và khoáng chất cho cơ thể bé. Lưu ý phải chọn những loại hoa quả thích hợp với hệ tiêu hóa của trẻ em.
Khẩu phần ăn của bé 10 tháng phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm cơ bản
3. Cách cho bé ăn
- Đến độ tuổi này, bé sẽ có một số cử chỉ như giành muỗng, thò tay bốc thức ăn hoặc với cốc uống nước. Khi đó, cha mẹ không nên ngăn cản, nghĩ bốc thức ăn là mất vệ sinh mà cần hỗ trợ con trẻ để tạo bầu không khí thoải mái, vui tươi, giúp bé vui thú và ăn ngon miệng.
- Lúc trẻ ăn, cha mẹ chuẩn bị cho bé một vài vật dụng sau: thìa, ly hoặc đồ chơi trẻ em. Để trẻ ngồi chung bàn với cả nhà và ăn thử một chút thức ăn của người lớn.
- Không nên dùng quá nhiều đồ chơi không phù hợp ở trong bữa ăn, sẽ khiến trẻ mất tập trung khi đang ăn.
- Tránh cho trẻ xem các thiết bị điện tử, video ca nhạc, phim hoặc bế đi rong trong lúc ăn. Những hành động này sẽ hình thành thói quen không tốt, ảnh hưởng đến tiêu hóa và sự phát triển vị giác của bé.
Cho trẻ ăn đúng cách sẽ giúp bé ngon miệng, phát triển tốt
NHỮNG LƯU Ý KHI CHĂM SÓC BÉ 10 THÁNG TUỔI
- Chú ý tiêm phòng đầy đủ cho bé để nâng cao sức đề kháng, phòng tránh một số các bệnh cho trẻ. Độ tuổi này trẻ cần tiêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não mủ và vắc xin phòng bệnh quai bị và mề đay.
- Tăng cường nói chuyện với bé để khuyến khích trẻ nói.
- Tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
- Để ý tới hiện tượng táo bón thường gặp ở trẻ. Từ đó điều chỉnh khẩu phần ăn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để có cách xử lý kịp thời.
- Vì ở giai đoạn này, trẻ thích được di chuyển, khám phá và học hỏi. Cha mẹ chú ý tạo ra khu vực chơi an toàn cho bé, tránh những vật có thể gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho trẻ.