Thảo Hân làm mẹ 2 con khi còn khá trẻ nhưng rất khéo léo trong cách nuôi dạy con.
Trẻ nhỏ chưa ý thức được nhiều trách nhiệm của bản thân khi gia đình bỗng có thêm thành viên mới mà ngược lại các bé hay có cảm giác ra rìa nên ganh tỵ, tức giận nhiều hơn. Vì vậy để một đứa trẻ yêu thương, biết giúp đỡ bố mẹ chăm sóc, dỗ dành em nhỏ, cách nuôi dạy và giáo dục của bố mẹ là vô cùng quan trọng. Và có lẽ vợ chồng nam diễn viên Quách Ngọc Tuyên đã làm rất tốt điều này nên nhận được thành quả ngọt ngào.
Cách đây ít giờ trên trang cá nhân của anh Vi Cá chia sẻ đoạn tin nhắn giữa anh và vợ trẻ kém 16 tuổi, để lộ cách dạy con rất khéo léo. Ông bố 2 con cho hay những ngày cuối năm anh phải đi làm việc xa nhà nên thỉnh thoảng nhắn tin về cho vợ hỏi han tình hình sức khỏe cũng như các con thế nào.
Thật ấm áp dành cho Quách Ngọc Tuyên khi bà xã báo tin ở nhà rất yên bình, thậm chí còn gửi cho anh hình ảnh hai con ở nhà rất yêu thương, quấn quýt nhau. Cô con gái đầu lòng của Quách Ngọc Tuyên mới chỉ 4 tuổi nhưng đã biết cách dỗ dành em khóc cực dịu dàng, ngọt ngào khiến bố mẹ phải "rụng tim" vì sự đáng yêu này.
Quác Ngọc Tuyên bày tỏ sự yên tâm khi đi xa nhà nhưng cũng nhớ vợ và các con nhiều khi thấy con gái mình 4 tuổi nhưng đã rất trưởng thành.
Trên thực tế để con gái Bào Ngư đạt được những cảm xúc, tình yêu thương dành cho em như hiện tại là nhờ rất nhiều vào cách giáo dục của vợ chồng Quách Ngọc Tuyên và cách cả hai cho con gái tiếp cận em trai từ những ngày đầu tiên có sự xuất hiện của bé.
Theo đó từ khi Thảo Hân - vợ Quách Ngọc Tuyên mang bầu, bé Bào Ngư đã luôn được ở bên cạnh mẹ, yêu thương em "gián tiếp" qua chiếc bụng bầu của mẹ. Ngoài ra vào thời điểm mẹ sinh em trai, Bào Ngư cũng đã được gia đình đưa ngay vào bệnh viện để gặp mẹ và bế em sơ sinh.
Cuối cùng là kể từ ngày em trai được trở về nhà, bà mẹ 2 con Thảo Hân luôn tạo điều kiện cho con gái được gần gũi và yêu thương em. Có lẽ nhờ tất cả những điều đó mà Bào Ngư mới là cô bé 4 tuổi nhưng đã rất ra dáng chị lớn và vô cùng khéo léo trong cách giao tiếp với em trai của mình.
Hành động và cử chỉ yêu thương em của con gái Quách Ngọc Tuyên chính là niềm mơ ước của nhiều bà mẹ bỉm khác bởi không phải đứa trẻ nào cũng làm được điều này. Vì vậy, như đã nói ở trên, các bậc cha mẹ nên khéo léo trong cách cho con lớn biết sự có mặt của em và dành những tình cảm đặc biệt cho em:
Nếu con lớn còn dưới 18 tháng tuổi
Việc giúp bé hiểu về sự tồn tại của đứa em là cần thiết trước khi đứa em ra đời và càng cần thiết hơn nếu trẻ dưới 18 tháng tuổi. Đó cũng là cách mà cha mẹ giúp trẻ phát triến về nhận thức về "sự tồn tại" của "2", thay vì chỉ là "1". Hãy bắt đầu khi bé thứ 2 có thể "đạp vào bụng bạn". Đứa trẻ thứ nhất sẽ rất tò mò tại sao mẹ mình thường nói chuyện với "em bé". Bé vẫn chưa hiểu "em bé" là như thế nào? Cha mẹ có thể làm như thế này:
- Hãy nói cho trẻ biết: “Mẹ có 1 em bé sẽ ra đời vài tháng nữa, con có muốn nghe em bé nói chuyện với con không”. Hãy để bé nghe tiếng đạp của bé thứ 2 vài lần trong ngày. Hãy nói với bé: Con hãy chạm tay vào bụng mẹ, em bé sẽ nghe con nói đó.
- Hãy cho bé biết “Em bé sẽ ra đời như thế nào?” bằng việc cho bé 1 con búp bê hoặc 1 món đồ chơi bé thích và nói em bé ra đời như cách mà con dành sự yêu thích này lên món đồ này, con có thích món đồ này không và con có muốn bảo vệ món đồ này không? Hãy cho bé biết, em bé ra đời con có thương em bé không? Cứ nhắc lại các câu hỏi và trò chuyện.
Nếu con lớn đã hơn 18 tháng
Lúc con thứ 2 còn trong bụng mẹ
Việc để bé lớn hơn 18 tháng tuổi hiểu sự có mặt của em bé sẽ dễ dàng hơn. Cứ hãy cho bé biết mẹ sẽ có em bé và em bé sẽ làm em của con. Bé tuổi này có thể nhận thức là "em của bé". Vẫn những hành động ở trên dành cho bé dưới 18 tháng tuổi, nhưng ở đây bạn sẽ nhấn mạnh hơn khái niệm "anh/chị và em".
Lúc con thứ 2 chào đời
Vào ngày em bé thứ 2 chào đời, hãy cho bé thứ nhất nhìn mặt em bé, đừng trì hoãn điều này sau 72 giờ (trừ những trường hợp đặc biệt) vì trẻ thứ nhất cần tạo một liên kết đặc biệt với bé thứ 2 này. Khi bé thứ nhất vào xem em bé, hãy gọi bé thứ 1 vào.
Khi cả hai bé cùng chơi với nhau
Khi em bé thứ 2 lớn và chơi cùng bé thứ 1: Bé thứ 2 sẽ cố bắt chước bé thứ 1 về mọi thứ như cách chơi, cách đi và cách giành nói chuyện/chơi với mẹ. Do đó việc 2 bé hay xung đột là điều dễ hiểu. Khi hai bé xung đột thì không nên trách mắng hay la bé thứ 1 hoặc yêu cầu bé thứ nhất phải nhường em.
Ảnh minh họa
Cách hành xử đúng nhất là mẹ sẽ tách 2 bé ra và cả 2 bé không ai được lấy món đồ chơi đó và mẹ sẽ giữ nó đến khi em bé chơi lại. Dĩ nhiên cả hai bé đều khóc, nhưng sẽ quên ngay và quay lại chơi cùng. Chọn 1 thời điểm nào đó dạy 2 bé biết cách chia sẻ lẫn nhau bằng chính món đồ đó: Cho bé lớn chuyền sang bé nhỏ hơn và để bé nhỏ truyền lại cho mẹ, và mẹ sẽ truyền lại cho bé lớn. Bài tập này đều có ích cho tất cả các bé từ 10 tháng - 48 tháng tuổi.
Nếu bé nhỏ có tuổi dưới 18 tháng tuổi, bạn đợi khi bé nhỏ ngủ, hãy lựa những quyển sách có câu chuyện về tình anh em để kể cho bé lớn nghe. Không cần nhấn mạnh “Con lớn phải nhường em” và nên nói theo cách “Nếu em ngã, con giúp em đứng dậy không?”, “Nếu em muốn chơi món này, con sẽ cho em chơi 1 lát nhé, rồi đến con”, “Nếu em khóc đòi mẹ, con ngồi chơi cái này và đợi mẹ 1 tí nhé, sau khi mẹ hỏi em có sao không và lại chơi với con nhé” và bạn làm động tác như giao kèo với bé.
Nếu bé thứ 2 lớn hơn 18 tháng tuổi, thì hãy đọc chuyện cho cả hai anh em nghe về tình anh em. Vẫn những câu hỏi ở trên, nhưng bạn hỏi ngược lại với bé nhỏ và xen kẽ câu hỏi giữa bé lớn và bé nhỏ.
Những hoạt động này sẽ giúp cả hai anh em dần nhận thức trách nhiệm và sự gắn bó cần có trong việc giao tiếp và ứng xử hành vi.