Các bà mẹ chú ý đến bàn tay cậu bé với món đồ lem nhem màu nâu nhìn không ra hình dạng.
Mới đây trên fanpage Lý Hải Minh Hà cũng vừa cho biết bé Mio, con trai út của gia đình cô đang bị mắc tay chân miệng, thu hút sự chú ý của các bậc cha mẹ.
Minh Hà chia sẻ: "Tình hình nhà Hà thì đang phải cách ly em Mio. Tội nghiệp bọn nhỏ bị cách ly. Em nhớ anh chị, anh chị nhớ em thấy thương. Chưa nói là ảnh thèm ăn đủ thứ mà lở hết trong miệng, cổ họng nên chỉ cầm nhìn mà nuốt nước miếng, không ăn được. Theo kinh nghiệm của Hà thì ít nhất 4-5 hôm mới ăn được còn bây giờ thì phải chấp nhận em ăn được gì ăn, ăn đồ mát, uống sữa, nước trái cây... ".
Sau lời chia sẻ của bà mẹ 4 con, rất nhiều chị em bỉm sữa đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng, hỏi thăm sức khoẻ bé Mio. Đặc biệt, nhìn loạt ảnh Mio do mẹ Minh Hà chụp, nhiều chị em cũng không thể không thốt lên "thương quá" khi chú ý đến bàn tay cậu bé với món đồ lem nhem màu nâu nhìn không ra hình dạng.
Hoá ra, do bị tay chân miệng nên cổ họng Mio bị lở loét. Cậu bé rất thèm ăn socola nhưng lại không thể ăn nên cầm giữ khư khư rồi ngủ thiếp đi đến mức socola chảy hết ra tay và ga giường.
"Báo hại mẹ phải thay nguyên cái ra giường vì socola chảy ra", Minh Hà cười khổ nói.
Bà mẹ 4 con cũng nhắn nhủ các bậc cha mẹ: "Em nào nhà Hà cũng trải qua 1 hoặc vài lần bị tay chân miệng do đi học bị lây nên cũng có chút kinh nghiệm. Bệnh Tay Chân Miệng đang có dịch. Các mẹ nhớ chú ý những biểu hiện trong miếng giấy Hà cầm này, nếu có phải đưa con đi cấp cứu ngay nha. Nguy hiểm đó nhé".
Dịch bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại thường vào những dịp tháng 9,10 đầu năm học, khi trẻ nhỏ quay lại trường lớp. Việc tiếp xúc với bạn bè dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo.
Cha mẹ nên chú ý để giảm nguy cơ mắc bệnh chân tay miệng cần thực hiện những điều sau:
- Rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Hãy tạo thói quen này cho trẻ làm hàng ngày.
- Hãy đảm bảo chế độ ăn chín, uống sôi, cho trẻ ăn khoa học, không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ. Mọi đồ dùng cần phải sạch sẽ và hợp vệ sinh.
- Lau sạch đồ chơi, những bề mặt trẻ tiếp xúc hàng ngày để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Nghi ngờ có mầm bệnh hoặc nơi có mầm bệnh không cho trẻ tiếp xúc.
Ngoài ra, nếu nghi ngờ con bị tay chân miệng, hãy quan sát những dấu hiệu này:
- Bé bị sốt: Thường thì ở dạng bệnh nhẹ bé chỉ sốt nhẹ, sốt cao nhưng dễ hạ. Còn nếu sốt cao mà không hạ sốt được thì đó là dấu hiệu bệnh nặng.
- Tổn thương da xuất hiện: Những tổn thương như rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối…
- Ở một số trẻ em có hiện tượng bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, bị tiêu chảy và quấy khóc nhiều.
Với những dấu hiệu này thì được gọi là bệnh chân tay miệng cấp độ 1. Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào các bố mẹ cũng nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.