Không ít người đàn ông lần đầu lên chức bố đã làm được việc rất cao cả.
Trẻ sơ sinh mới chào đời chưa có nhu cầu uống sữa nhiều nhưng những giọt sữa non đầu tiên của mẹ lại vô cùng dinh dưỡng. Chính vì lý do đó ngay sau khi sinh con, mẹ nên nhanh chóng kích sữa về sớm vừa giúp con sơ sinh được hưởng dòng sữa non nóng mà mẹ lại cảm giác dễ chịu, không bị căng cứng vì tắc sữa.
Mới đây câu chuyện chia sẻ đi tìm dòng sữa non cho con mới chào đời của một ông bố bỉm sữa nhận được sự quan tâm của mọi người. Cụ thể, người đàn ông này cho biết vợ anh vừa sinh con xong nhưng chưa có sữa. Trong khi con sơ sinh đang khát sữa mẹ, vợ thì sữa chưa về nên ông bố bỉm cũng không biết phải làm thế nào.
Thật may ngay lúc đó, nữ hộ sinh đã đưa ra cho anh một lời khuyên về cách thông sữa cho vợ. Mặc dù có đôi chút ngại ngùng nhưng vì con thơ khát sữa mẹ, vì người vợ đang chịu đau nhức vì tắc tia sữa nên người đàn ông đã gạt bỏ hết những ánh mắt xung quanh để làm tròn thiên chức làm chồng làm cha của mình.
Anh nói: "Vợ sinh xong, con khát sữa mà sữa mẹ chưa thông. Chị hộ sinh bảo 'Thông tia sữa cho vợ đi em, đứng ngây ra đấy...' Thế là lần đầu tiên tôi làm chuyện ấy giữa đám đông, nhắm mắt làm lấy làm để giữa không gian 20 người. Ông bà nào xác nhận giúp tôi, tìm đồng đội".
Ảnh chụp màn hình Đình Diệu.
Câu chuyện tưởng chừng như hài hước, không có thực của người đàn ông lần đầu làm bố bỉm lại được mọi người khen ngợi và tán dương. Không ít người cho rằng anh thật dũng cảm "thấy anh rất đúng chuẩn 2 chữ 'Đàn Ông' và là người chồng, người cha luôn ấy ạ. Không việc gì phải ngại, không giúp vợ giúp con mới hổ thẹn!" - một người dành lời khen ngợi.
Và trên thực tế khi được hỏi, nhiều người mới thú nhận bản thân cũng từng rơi vào trường hợp đó và sẵn lòng giúp vợ, giúp con mà mặc ai chê ai cười. "Tôi cũng từng giống như anh, vì con vì vợ nên chẳng suy nghĩ gì nhiều"; "Mình cũng làm này, mình không ngại thì ai nói gì, quan trọng là bố giúp sữa mẹ về cho con là được rồi".
Một số bà mẹ bỉm cũng tự hào khoe thêm: "Thế là chồng em không cô đơn rồi. Cũng y như anh luôn, ông nói ngại tới già"; "Không có gì xấu hổ đâu anh ơi, một người chồng người cha tuyệt vời"; "Chồng em làm 2 lần với 2 lần em sinh con anh ơi. Vì con là làm được hết"; "Đợt đẻ bé đầu mình mãi sữa chưa về, kiểu chưa biết cho con ti thế nào cho đúng ý nên con vừa không hợp tác dẫn tới sữa không về, chồng thì quay ra đòi thông quay vào đòi thông, mình thì sợ có tí sữa non ổng uống hết lên dứt khoát không cho chứ 1 cữ ông ăn 4 bát cơm thì thử hỏi có tí sữa non hết đời mất, may sao về nhà thì tối hôm ý dần quen vào quỹ đạo lên sữa cũng kịp về"; "Vào phòng sinh khoa sản quá là điều bình thường toàn các chị các mẹ và các bà chăm con cháu mọi người không ngại nhưng mình ngại"...
"Cho con cháu bú sau sinh rất tốt chuyện như cơm bữa trong viện khoa sản khi các anh nhìn người lạ cho con họ bú và ngược lại cũng vậy họ nhìn vợ mình cho con bú thôi. Sinh thuờng chứ sinh mổ đi lại với chưa có sữa cho con nhìn đến khổ".
Bên cạnh đó cũng không ít người bày cách cho các ông bố bà mẹ bỉm sữa lần đầu lên chức rằng hiện nay có rất nhiều cách có thể thông tia sữa hiệu quả cho mẹ, giúp sữa về nhiều đủ cho các bé bú mà không cần bố phải quá vất vả. Các bố mẹ có thể tham khảo thêm TẠI ĐÂY.
Chồng giúp vợ chữa tắc tia sữa có thực sự mang lại hiệu quả?
Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Bộ Nông nghiệp) cho rằng: “Chỉ nên nhờ đến chồng bú mút kích thích sữa ra khi không còn phương án nào cả vì miệng người lớn cũng là nguyên nhân gây rất nhiều bệnh mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy, và những bệnh đó có thể lây truyền qua động tác mút cho đứa trẻ ví dụ như một số bệnh viêm gan…”
Bác sĩ cũng cho biết thêm khi bị tắc tia sữa thì việc đầu tiên các bà mẹ nên làm là xoa nắn và cho con bú đúng cách bằng cách ngậm hết cả đầu vú. Nếu cương cứng quá gây đau đớn cho người mẹ thì nên chườm lạnh, tránh để áp-xe nhiễm khuẩn hoặc viêm vú thì phải nghĩ đến chuyện sử dụng kháng sinh. Hiện nay có rất nhiều dụng cụ để hút sữa bằng tay, hay bằng động cơ có thể làm vệ sinh một cách đơn giản.
Các biện pháp để phòng tránh tắc tia sữa sau sinh
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung thì nuôi con bằng sữa mẹ là bản năng hoàn toàn tự nhiên, cho nên cần cho con bú càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hiện nay tâm lý chung của phụ nữ là sợ con bị đói nên khi đến bệnh viện sinh con, các bà mẹ đều chuẩn bị sẵn bình sữa để cho con bú trong những ngày đầu tiên mà không cho con bú từ sớm. Đây là quan điểm sai lầm, các khuyến cáo của thầy thuốc cũng đã nói rất nhiều về điều này. Bởi cho con bú bình ngay từ đầu sẽ khiến cho phản xạ mút của đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng do thói quen. Động tác mút từ sớm sẽ kích thích sữa rất tốt, hơn nữa nhu cầu ăn ban đầu của trẻ chỉ cần một vài giọt sữa của mẹ là đủ nên các mẹ cũng không cần quá lo lắng.
Bác sĩ cũng cho biết sản phụ không nên kiêng bất cứ thức ăn gì, trước đây người mẹ ăn được gì thì sau sinh vẫn duy trì và uống nhiều nước và sữa, chỉ cần tránh đồ ăn tái sống. Người mẹ ăn nhiều và ăn uống hợp lý thì sữa sẽ tiết nhiều hơn.
Mẹ có thể dùng lá bắp cải ướp lạnh để chườm lạnh giúp bớt đau.
Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Kim Dung, ngay từ khi mang bầu các bà mẹ phải xoa bóp đầu ngực của mình và bôi kem an toàn để đầu tia sữa không bị tắc bởi các đầu vẩy. Và nên cho con bú sớm ngay từ khi ra khỏi bụng mẹ.
Khi ngực bắt đầu cương thì chị em nên cho các loại lá, ví dụ như lá cây bắp cải để vào ngăn mát tủ lạnh và chườm lên ngực để làm dịu cơn đau. Đặc biệt là khi cho bú phải cho bú hết một bên, nếu bú chưa hết sữa chúng ta phải vắt ra hết mới chuyển sang bên khác. Thực hiện các biện pháp như vậy các bà mẹ sẽ hạn chế được tình trạng tắc sữa sau sinh.