Trước khi nhập viện để điều trị ung thư vú, chị Oanh dành đúng 2 ngày cho con đi chơi, xem phim, ăn kem, pizza, uống cà phê và chụp một bộ ảnh kỷ niệm.
Chị Kim Oanh (33 tuổi) xuất thân từ vùng quê yên bình Bắc Giang, khi lớn lên chị ra thủ đô Hà Nội học tập và sau đó lập nghiệp tại nơi này. Những tưởng sau khi đã có công việc ổn định và một tổ ấm nhỏ cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua giống như tuổi thơ của mình Nhưng cuộc đời luôn có những biến cố khó lường.
Cách đây 4 tháng sau khi cầm tờ kết quả khám bệnh, chị điếng người một lúc vì biết mình mắc phải căn bệnh mang tên ung thư vú. Suốt 4 tháng qua, chị vừa điều trị bệnh vừa cố gắng sống vui vẻ bên cậu con trai Trung Đức (6 tuổi), tập trung hoàn thành nhiệm vụ của một người mẹ sẽ phải làm.
Chị Kim Oanh (33 tuổi) là mẹ của bé Trung Đức (6 tuổi)
Trước khi nhập viện điều trị ung thư, hai mẹ con đi chụp một bộ ảnh kỷ niệm
Bà mẹ sinh năm 1986 nhớ lại, cách đây gần một năm chị sờ thấy ngực có một cục nhỏ, một phần vì chủ quan, phần vì cuộc sống bận rộn cơm áo gạo tiền, chăm lo con cái nên cũng ít thời gian quan tâm đến sức khoẻ bản thân.
Theo thời gian cục u đó vẫn hiện hữu và ngày càng to hơn, linh cảm cho thấy cơ thể đang có dấu hiệu bất thường song chị vẫn nấn ná việc đi khám. Chị sợ nếu đi khám phát hiện ra bệnh mà không chữa thì lo, còn nếu chữa thì chi phí rất tốn kém.
Chỉ đến khi khối u bắt đầu lớn dần làm vùng ngực bị đau chị mới quyết định âm thầm đi khám và kết quả bác sĩ thông báo chị bị ung thư vú. “Vốn là người mạnh mẽ nên mình bình tĩnh đón nhận sự việc. Đồng thời không quên gặng hỏi bác sĩ rằng “Bệnh của em có khả năng chữa khỏi không? Và hướng điều trị thế nào? Đã phải nhập viện luôn chưa? Bác sĩ nói phải nhập viện gấp để có hướng điều trị, để lâu không thể nói trước được điều gì” – chị Oanh nhớ lại.
Những hình ảnh trong album mới sau khi chị phát hiện ung thư vú
Trên đường lái xe từ viện chị Oanh đi về thật nhanh để kịp đón con ở trường, nước mắt cứ trào ra khi nghĩ đến con. Con còn quá nhỏ giờ mẹ bị bệnh thì ai sẽ là người chăm sóc? Rồi chị tiếp tục nghĩ đến người phụ nữ đã dưỡng dục sinh thành ra chị nơi quê nhà, bà sẽ như thế nào khi hay tin con gái mắc bệnh khó chữa.
Đó cũng là dịp chị Oanh dành trọn thời gian bên con
Lấn áp mọi cảm xúc chị cố trấn tĩnh lại để vào trường đón con. Chị trở về nhà chị vẫn cơm nước cùng cả nhà như bình thường. Đến tối muộn khi nằm cạnh con nước mắt chị trực trào ra, kìm nén mãi rồi cũng thành tiếng khóc nấc khi ôm con.
Con trai thấy mẹ khóc nên gặng hỏi: “Mẹ ơi! Mẹ làm sao thế? Sao mẹ lại khóc? Mẹ nói đi. Mình ôm con và nói mẹ không sao?” Lúc ấy mình thấy ân hận và trách bản thân nhiều lắm. Trách sự chủ quan về sức khoẻ, vô trách nhiệm với chính bản thân mình” – mẹ 8X nói.
Điều mà chị trăn trở nhất sau khi biết tin mắc ung thư có lẽ là hai chữ gia đình. Với người mẹ trẻ kém may mắn ấy là còn cả một tổ ấm, nơi mà con trai đang rất cần hơi ấm và sự dạy dỗ của mẹ. Ý thức được việc không có sự lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận và chữa trị. Chị quyết định sẽ nhập viện nhưng không phải ngay hôm nhận kết quả mà là sau một tuần khi đã giải quyết hết các công việc dang dở từ việc công ty, kinh doanh, con cái, tài chính...
Chị Oanh cho biết: “Trước khi bước vào hành trình điều trị bệnh ung thư, mình đã cố gắng thu vén tất cả những việc còn đang dang dở. Ứng tạm cho con kỳ nghỉ hè sớm hơn dự định, mình dành đúng 2 ngày cho con đi chơi quanh Hà Nội, cho con đi xem phim, ăn kem, pizza, 2 mẹ con đi uống cà phê và không quên làm một bộ ảnh kỷ niệm...”.
Xốc lại tinh thần chuẩn bị những gì tốt nhất cho cuộc chiến chống ung thư ở phía trước. Tại bệnh viện chị được chuyển vào khoa Ngoại của bệnh viện để điều trị, sau khi có thêm các kết quả và hội chẩn chị được chuyển sang khoa Nội 5 để điều trị hoá chất trước. Sau khi khối u teo nhỏ lại sẽ tiến hành mổ và trị xạ, kết hợp 1 năm truyền thuốc đích.
Truyền hóa chất 15 ngày rụng hết tóc, ngày ngày con cầu nguyện cho mẹ sống bất tử
Mang trong mình căn bệnh ung thư vú nhưng bà mẹ trẻ chưa một ngày nào cho phép mình bỏ cuộc và thôi nuôi nấng những mục tiêu. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại cũng như những định hướng chăm sóc nuôi dạy con, chị Oanh cho biết, trừ những lúc yếu do truyền thuốc thì chị vẫn theo sát bên con, chị quan niệm bố mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc và tạo điều kiện tốt nhất cho con, chơi đùa kèm cặp con học hành, những ngày sự kiện chính quan trọng của con như khai giảng chị vẫn đồng hành đưa con đến lớp dự chào năm học mới.
Chị Oanh quan niệm bố mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc và tạo điều kiện tốt nhất cho con
Với mong muốn giúp con phát triển toàn diện: Thể chất, trí thông minh, trí tuệ xúc cảm và năng lực vượt qua nghịch cảnh, chị Oanh cũng không quên rèn tính riêng biệt, tính tự lập, tự do mang tính kỷ luật cho con.
Dù dạy con theo bất cứ hướng nào, chị luôn đề cao các hoạt động trải nghiệm. Thông qua đó mẹ sẽ được hướng dẫn và cùng con phát triển, tạo nên sự đồng điệu trong suy nghĩ, sống bản lĩnh, giúp con dễ dàng nhận thức và chấp nhận sự thật, vượt qua mọi khó khăn và thử thách giống như chính mẹ của mình.
Thường ngày chị hướng dẫn con phải biết chia sẻ công việc với mọi người xung quanh. Những lúc mẹ đi viện về chân tay đau buốt bé lại bóp chân tay cho mẹ, trong công việc hàng ngày đến bữa cơm nhiệm vụ của bé là bê nồi cơm và cất nồi cơm, bé đã tự tắm tự chọn quần áo mặc ở nhà và đi học.
Bé Trung Đức 6 tuổi và đã biết phụ mẹ đóng hàng để bán
Với chị Oanh thì bé Trung Đức chính là liều thuốc tinh thần, là động lực lớn lao để chị giữ vững tinh thần cho việc điều trị bệnh. “Con mới chỉ 6 tuổi nhưng là một đứa trẻ rất hiểu chuyện. Mẹ truyền hoá chất được 15 ngày tóc rụng hết, mới đầu sợ con chưa quen nên mình vẫn đội tóc giả, sau dần dần đội khăn. Một lần bé tình cờ nhìn thấy cái đầu trọc của mình bé ngạc nhiên hỏi: “Mẹ ơi tóc của Mẹ đâu?”.
Sau đó mình có giải thích với bé là mình bị ốm uống thuốc nên tóc bị rụng. Bé có vẻ thích thú với cái đầu của mình. Cứ đi học về là hắn lột ngay cái mũ, cái khăn trên đầu mình ra, ghì đầu, ghì cổ mình rồi nói: Yêu cái đầu trọc này thế, nhớ cái đầu trọc này thế... Rồi hắn gọi cái đầu của mẹ là cái lốp xe” - người mẹ kém may mắn nhắc lại.
Cậu bé Trung Đức hay nói đầu của mẹ giống bánh xe
Khi được mẹ hỏi rằng con yêu đầu trọc của mẹ hiện tại hay thích đầu mẹ như xưa, con trai thỏ thẻ vào tai mẹ là muốn tóc mẹ dài như trước. Mỗi tuần một lần cứ vào sáng thứ 5 chị Oanh lại lóc cóc từ quê ra Hà Nội để truyền thuốc. Mỗi lần thấy mẹ lên xe bé cũng chạy theo hỏi: Bao giờ mẹ về? Mẹ đi mấy ngày?
Nhìn ánh mắt dõi theo mẹ, chị Oanh kìm lòng và không quên nhắn con trai: “Mẹ bị bệnh nên phải đi điều trị, hằng ngày Trung Đức cầu nguyện cho mẹ nhé, con cứ chắp tay xin chúa, xin các cụ tổ tiên phù hộ cho mẹ Oanh con khỏe mạnh sống bên con mãi.
Nói rồi con chắp tay cầu nguyện: “Con xin chúa, xin các cụ tổ tiên phù hộ cho mẹ Oanh con sống bất tử bên con”. Mẹ hỏi sao lại là bất tử, Trung Đức bảo: Bất tử là mãi mãi mà mẹ”, nghe xong mà tim đập rộn ràng”.
Chị Oanh bên con nhân ngày khai giảng
Gần 4 tháng chung sống với bệnh tật, với nghị lực sống phi thường chị Oanh đã tiếp sức cho rất nhiều bệnh nhân ung thư cũng có hoàn cảnh giống mình. Tính đến thời điểm bây giờ, theo những lời chị oanh chia sẻ, chị đã trải qua 6 đợt truyền hoá chất. Còn 2 mũi nữa là chị đủ 8 mũi hoá chất để chuẩn bị sang liệu trình mới.
Nhờ cơ địa đáp ứng thuốc tốt nên sức khỏe chị cũng có tiến triển tích cực. Việc chỉ phải làm chính là sống vui vẻ, lạc quan, mạnh mẽ đứng lên và nuôi dạy các con sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Có như vậy chị mới thấy mình làm đúng với thiên chức của một người mẹ.
“Cuộc sống này đáng sống lắm, cái chết không phải quá đáng sợ, cuộc sống vô thường nên bạn đừng quan tâm mình sẽ sống được bao lâu mà hãy sống trọn vẹn, ý nghĩa từng ngày” – Chị Kim Oanh nói.