Họ cho biết Lydia không phải là mẹ ruột của 4 đứa trẻ mà cô sinh ra, do đó, cô bị cáo buộc tội danh lừa đảo phúc lợi.
Mẹ trẻ 4 con bị buộc tội lừa đảo
Lydia Fairchild (26 tuổi) sống cùng bạn trai lâu năm Jamie và 3 đứa con ở thủ đô Washington, Mỹ. Sau nhiều năm ở bên nhau, mối quan hệ của họ bắt đầu rạn nứt đến nỗi không thể cứu vãn được, Lydia đã quyết định chia tay bạn trai dù đang mang bầu đứa con thứ 4.
Lydia thời còn hạnh phúc bên chồng và các con.
Cuộc sống nuôi nấng 4 đứa con chưa bao giờ là dễ dàng, một thời gian sau, Lydia và Jamie buộc phải nộp đơn xin trợ cấp liên bang và đây là lúc họ khám phá ra một chuyện động trời.
Lydia và 4 người con của mình.
Một trong những thủ tục bắt buộc của đơn xin trợ cấp là kết quả kiểm tra ADN. Lydia và Jamie phải chứng minh được rằng họ chính là bố mẹ ruột của các con. Tất nhiên là Lydia chả có vấn đề gì với việc này, dù sao 4 đứa trẻ cũng là do cô sinh ra. Tuy nhiên, vài ngày sau, Lydia vô cùng bàng hoàng khi nhận được thông báo từ cơ quan Dịch vụ xã hội. Họ cho biết Lydia không phải là mẹ ruột của 4 đứa trẻ mà cô sinh ra, do đó, cô bị cáo buộc tội danh lừa đảo phúc lợi.
Lydia một mực khẳng định: "Tôi đã mang thai các con và sinh ra chúng. Chẳng có gì đáng ngờ trong việc này cả". Lydia cũng đã gọi cho bác sĩ Leonard Dreibach. Ông này xác nhận chính ông là người đã đỡ đẻ cho Lydia trải qua 3 lần vượt cạn, nhưng kết quả ADN đã chống lại cô. Mọi chi tiết trong lời khai của Lydia và Jamie cũng đều trùng khớp với nhau. Tuy nhiên, điều này không những không được thừa nhận mà Jamie còn bị buộc tội đồng phạm.
Lydia bên cạnh chồng và các con.
Mọi hy vọng còn lại của Lydia dường như bị dập tắt khi cơ hội thứ 2 đến với người mẹ 4 con khi cô được thực hiện thêm một lần xét nghiệm ADN, nhưng kết quả vẫn như lần trước: Lydia không có quan hệ huyết thống với 4 người con của mình.
Cuối cùng, một vị luật sư đã đồng ý giúp đỡ Lydia. Cô được kết nối với một người phụ nữ sống ở Boston, Karen Keegan, cũng từng gặp phải trường hợp tương tự. Khi đó, các chuyên gia y tế đã tìm ra sự thật rằng: ngay sau khi thụ thai, Karen kết hợp với một quả trứng đã được thụ tinh khác trong tử cung. Nói cách khác, Karen là chị em song sinh của chính mình!
Cô Karen cũng từng gặp phải trường hợp tương tự Lydia.
Những trường hợp như Karen trên thế giới này rất hiếm và Lydia thắc mắc không biết liệu cô có nằm trong số đó hay không. Dù sao đi nữa thì đây cũng là cơ hội cuối cùng để cô chứng minh mình là mẹ ruột của các con. Lydia sau đó được thu mẫu từ niêm mạc tử cung và may thay ADN của các tế bào này giống ADN của các con cô.
Thì ra, bào thai “song sinh” bị Lydia “thâu tóm” đã “sống nhờ” trong buồng trứng của cô. Sau 16 tháng đau khổ vì dù mang thai nhưng không có bằng chứng là mẹ đẻ, Lydia cuối cùng cũng được minh oan...
Chimerism- Hiện tượng di truyền hiếm gặp
Di truyền học đã làm sáng tỏ hiện tượng hai tế bào trứng đã thụ tinh, thành hai phôi, nghĩa là có cấu trúc di truyền khác nhau, nhưng lại kết hợp thành một bào thai trong thời kỳ đầu mang thai. Bào thai này là tổ hợp những mô của cả hai phôi với hai hệ gene khác nhau, vì thế khi sinh ra một người có hai màu mắt, hai màu da đối xứng dọc hai bên,... Về bản chất, Chimerism là hiện tượng “thai trong thai”, ra đời một con người được tạo thành từ 2 bộ vật liệu di truyền khác nhau và có thể coi người này là “một cặp song sinh”.
Taylor Muhl, 33 tuổi, nữ ca sĩ kiêm người mẫu, ở California cũng là một trong số ít “chimera” trên thế giới.
Ca “Chimera” đầu tiên tại Việt Nam
Những trường hợp “thai trong thai” vô cùng hiếm gặp trên thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện 1 trường hợp tại Bắc Giang.
Cụ thể, người chồng 30 tuổi bắt đầu nghi ngờ khi thấy vợ sinh con sớm hơn dự tính và mối ngờ cũng lớn lên vì con trai càng lớn càng không giống bố. Khi con trai lên 4 tuổi, người chồng cuối cùng đã quyết định tìm đến phòng xét nghiệm ADN để kiểm tra huyết thống.
Tuy nhiên, điều lạ lùng là anh đã tìm đến 3 Trung tâm xét nghiệm thì 2 Trung tâm không thể kết luận do kết quả phân tích gene rất lạ lùng, mâu thuẫn, một trung tâm còn lại thì khẳng định ADN của anh khác đứa bé, nghĩa là không có quan hệ huyết thống.
Trong khi người vợ một mực khẳng định đứa bé là con của chồng, sau nhiều lần phân tích gene lại cho ra nhiều kết quả mâu thuẫn. Để đi đến cùng sự thật, mẫu sinh phẩm của ông nội đứa trẻ cũng được phân tích và cũng thật bất ngờ, đứa bé có AND không giống ông nội, một ý tưởng đã lóe lên trong đầu các chuyên gia. Họ nghi ngờ đây có thể là hiện tượng Chimera hiếm gặp.
Kết quả phân tích cuối cùng giải oan cho người vợ.
Lần này, các chuyên gia tiến hành phân tích cả mẫu máu, tóc, niêm mạc miệng và tinh trùng của người cha. Kết quả cho thấy: mẫu máu cho kết quả phân tích giống kết quả các mẫu tóc và tế bào niêm mạc miệng ở 2 lần phân tích trước - không cùng huyết thống trong khi đó mẫu tinh trùng chứng minh người con thật sự có cùng huyết thống với người bố. Có lẽ người vui mừng nhất là mẹ cháu bé vì cô đã giải được “oan”.