Nữ giám đốc Hà Nội suýt mất con ở hồ bơi resort: Ám ảnh kể lại giây phút bé đuối nước

Huyền Đỗ - Ngày 22/07/2022 11:59 AM (GMT+7)

Đến bây giờ, chị Huyền Trang vẫn còn xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc con gái bé bỏng được vớt lên từ dưới nước, mắt nhắm nghiền và da dẻ, môi tái nhợt.

Vào những ngày hè nắng nóng, bố mẹ thường cho con đi bơi, đi du lịch sông nước hay tắm biển. Thời điểm này cũng ghi nhận số lượng trẻ em đuối nước tăng cao. Dù đã có nhiều cảnh báo và biện pháp phòng vệ, tai nạn thương tâm vẫn xảy ra ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Theo thống kê, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, đã có 113 trường hợp trẻ tử vong vì đuối nước. 

Không ai có thể lường trước được tai nạn cho đến khi nó xảy ra. Bà mẹ 2 con Đặng Thị Huyền Trang (tên thường gọi Ngọc Lạc - Hà Nội), hiện là CEO của một công ty mỹ phẩm, vừa trải qua những giây phút kinh hoàng khi con gái bị đuối nước tại một hồ bơi trong resort. Rất may mắn gia đình đã phát hiện kịp thời, sơ cứu đúng cách, giành lại sự sống cho con. Hiện tại con gái chị Trang - bé Bao Bao đã phục hồi sức khỏe. Dù rất đắn đo nhưng bà mẹ CEO quyết định chia sẻ câu chuyện của gia đình mình để nâng cao cảnh giác cho các phụ huynh.

Chị Huyền Trang và 2 con.

Chị Huyền Trang và 2 con.

Chỉ 1 phút sơ sẩy và ám ảnh suýt mất con

Nhân dịp nghỉ hè, gia đình chị Huyền Trang tranh thủ đưa 2 con là bé Khánh An (5 tuổi) và Gia Bảo (2 tuổi) đi nghỉ dưỡng ở một resort tại Sapa (Lào Cai). Lúc 17h30 chiều thứ 7, cả nhà sử dụng bể bơi của resort. Các con chị Trang chơi ở hồ bơi trẻ em, có trang bị đầy đủ phao và có sự giám sát của người lớn. Bản thân con gái chị Trang cũng được học bơi, tự bơi được 1 đoạn ngắn, từ 3 tháng đã tiếp xúc với hồ bơi và 5 tháng tuổi đã ra biển.

Bé Khánh An (tên thường gọi là Bao) được 5 tuổi và được học bơi từ nhỏ.

Bé Khánh An (tên thường gọi là Bao) được 5 tuổi và được học bơi từ nhỏ.

Có lẽ người mẹ 2 con chẳng thể ngờ được tai nạn có thể ập đến gia đình mình chỉ trong tích tắc, chính xác hơn là khoảng 1 phút. Chị Trang nhớ lại: "Trước giờ mình cứ nghĩ 30 giây - 1 phút chẳng là gì cả. Nhưng đối với con nhỏ ở dưới nước chỉ vài giây bất cẩn lơ là của người lớn sẽ phải trả giá bằng cái giá quá đắt. Chỉ chưa tới 1 phút không để ý đến con, đang bơi với em Mô, tự nhiên linh tính thế nào lại hốt hoảng hỏi "Bao Bao đâu?", nhìn quanh bể bơi chỉ thấy phao bơi và quả bóng của con mà không thấy con.

Con đi bơi từ hồi bé xíu, được học bơi ở trường và rất thích bơi, mình luôn mang cho con chiếc phao bơi riêng vừa với con và để con tự bơi được. Bao có đến hơn chục cái phao - rất rất nhiều phao. Nhưng chỉ không để ý chưa tới 1 phút, con mải chơi đuổi theo quả bóng bị trượt chân tuột phao, ngã xuống nước chới với. 

Nghe chú Hải nói: "Bao đang lặn",  mình hét lên: "Bao không biết lặn" vì mình biết con rất ghét nước vào mặt. Lúc đó chú đã nhảy xuống bể bế con lên luôn. Chú bảo thấy con đang nằm ngửa bơi và há miệng nên người lớn tưởng con đang bơi, cho nên ranh giới giữa đuối nước và đang bơi trong bể bơi mong manh lắm". 

Nữ giám đốc Hà Nội suýt mất con ở hồ bơi resort: Ám ảnh kể lại giây phút bé đuối nước - 3

Đến tận bây giờ, nhiều ngày sau khi vụ việc xảy ra, chị Huyền Trang vẫn không thể quên được hình ảnh con gái được bế lên từ hồ bơi. "Cả đời này mẹ sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc kinh hoàng khi con được vớt lên từ dưới nước, mắt nhắm nghiền và da dẻ, môi tái nhợt như thế nào. Nó ám ảnh đến mức cả đêm đó khi con về phòng rồi mẹ vẫn sợ đến mức dăm chục phút lại kiểm tra hơi thở của con, nhịp tim của con. Ám ảnh đến mức không dám ngủ, tự trách bản thân đến mức buốt hết cả đầu, phải niệm Phật để tâm an tĩnh lại", chị Huyền Trang thổn thức. Thậm chí chị Trang còn nghĩ đến lựa chọn tiêu cực nếu chẳng may con bị làm sao...

Nghẹt thở giành lại sự sống cho cô con gái bé bỏng

Linh tính của người mẹ và phản ứng nhanh chóng của người thân có mặt ở hồ bơi đã phần nào giúp bé Bao thoát khỏi nguy hiểm. Chị Trang dù hoảng loạn nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh để thực hiện các động tác sơ cấp cứu cho con. Chị kể: "Con được đưa lên bờ, sau đó mình bế vác con lên vai xóc cho nước và đờm dãi chảy hết ra ngoài tầm 2 lần, sau đó cởi đồ bơi ướt và ủ ấm khăn cho con".  Đầu óc chị Trang gần như trống rỗng, chỉ có thể lặp đi lặp lại 2 câu: "Mẹ yêu con", "Mẹ xin lỗi con".

Rất may mắn, ở hồ bơi lúc đó có 2 vị khách người Thụy Điển đều là bác sĩ. Chính họ đã hỗ trợ gia đình cứu sống bé Bao. Bác sĩ hướng dẫn đặt con gái chị Trang nằm nghiêng xuống đất cho con thở đều, tránh bị hóc đường thở khi nôn ra. Sau khi nhịp tim mạch đập con ổn hơn, có thể ra hiệu trả lời, gọi "Mẹ" và môi hồng hào hơn. 

Nữ giám đốc Hà Nội suýt mất con ở hồ bơi resort: Ám ảnh kể lại giây phút bé đuối nước - 4

"Giây phút cô bác sĩ nói với mình "Con đã ổn rồi" là bao nhiêu sức lực lúc đón con từ bể bơi lên tới khi con hồng hào trở lại đã mất sạch, chân tay run rẩy ngã xuống ngay tại chỗ, nước mắt chảy không ngừng. Bản thân tự trách mình vô cùng vì đã không bảo vệ được con, không để mắt đến con", chị Trang bộc bạch. Sau đó, gia đình đưa con đến bệnh viện trung tâm để làm kiểm tra oxy trong máu, chụp phổi, các xét nghiệm cần thiết,...

Khi sự cố xảy ra, bé Bao rất mệt và yếu. Con gọi mẹ và muốn được ở gần mẹ. Chị Trang cho biết: "Con mất 1 đêm ngủ mê mệt và không ăn uống được gì. Sáng sớm hôm sau con dậy uống ít nước gạo rang, ăn cháo và ngủ thêm, tầm vài tiếng thì con ổn định tinh thần lại. Tâm lý con sang ngày hôm sau sợ bơi 1 chút, con thích nghi nhanh nên vui vẻ hoạt bát như ngày thường".

Nữ giám đốc Hà Nội suýt mất con ở hồ bơi resort: Ám ảnh kể lại giây phút bé đuối nước - 5

Cô bé được chuyển đến bệnh viện làm kiểm tra sau sự cố.

Cô bé được chuyển đến bệnh viện làm kiểm tra sau sự cố.

Đến bây giờ, chị Trang vẫn còn xúc động khi hồi tưởng lại toàn bộ sự việc. Chị trải lòng: "Để sinh ra và nuôi dưỡng một em bé không phải chuyện đơn giản, vì là trẻ nhỏ nên các con thường hiếu động và không tự bảo vệ được chính mình. Người lớn hiện nay thường dành nhiều thời gian để sử dụng điện thoại, nhiều khi vô tình không chú ý đến con và trong 1 giây phút bất cẩn nào đó trẻ nhỏ thường dễ găp sự cố không mong muốn, đặc biệt trong hồ bơi. Mình mong sau sự cố của con gái mình các ba mẹ nên dành thời gian cho con nhiều hơn, lưu ý để mắt đến con để có thể bảo vệ được con thật tốt".

Nữ giám đốc Hà Nội suýt mất con ở hồ bơi resort: Ám ảnh kể lại giây phút bé đuối nước - 7

Chia sẻ thêm về cách giáo dục con, nữ giám đốc cho biết: "Mình nuôi dạy con theo hướng để con tự lập và có thể phát triển được suy nghĩ, cá tính, sở thích riêng của con. Mình lắng nghe và tôn trọng điều con muốn hay không muốn, cố gắng không bắt ép con làm những điều con không thích. 

Ngoài thời gian học ở trường và học ngoại khóa các môn con thích học như múa, vẽ, cờ vua... thì khi mình thường dành thời gian cho các con đi chơi vào các buổi tối, kể chuyện cho con trước khi ngủ, trò chuyện cùng con vào cuối ngày hoặc đưa các con đi chơi xa vào cuối tuần. Mình cũng chú trọng giúp con phát triển các kĩ năng mềm như cách nói chuyện, ứng xử trong giao tiếp, xử lý những tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Nhà có 2 chị em nên mình cũng muốn các con biết yêu thương nhau, chăm sóc cho nhau, mẹ không can thiệp nhiều khi hai chị em có xích mích nhỏ mà để các con tự giải quyết và làm hoà".

Nữ giám đốc Hà Nội suýt mất con ở hồ bơi resort: Ám ảnh kể lại giây phút bé đuối nước - 8

Lưu ý khi phụ huynh đưa con đi bơi, du lịch sông nước

Từ những trải nghiệm của mình, chị Huyền Trang rút ra một số kinh nghiệm cho các bậc phụ huynh khi đưa con đi bơi hay du lịch sông nước. 

- Không dùng điện thoại khi trông con

- Không hoàn toàn tin tưởng vào bảo vệ, an ninh hồ bơi, người nhà mà ba mẹ phải tự để mắt đến con vì khoảng cách giữa việc con đang bơi hay lặn và đuối nước mong manh lắm nên tuyệt đối không thể chủ quan!

- Kể cả khi con biết bơi hay có mang phao thì vẫn phải để mặt đến con. Sự cố ở hồ bơi, ao hồ sông suối không ai nói trước được điều gì. Chuột rút, phao xịt, tuột phao, trượt chân... khó mà lường trước được.

- Nên học sơ cứu để mình có thể giúp con ngay khi có sự cố. Không phải lúc nào cũng may mắn gặp được bác sĩ, gọi được bác sĩ tại thời điểm cần thiết đâu ạ. Trộm vía Bao quá may mắn khi ngã nước mà gặp đến 2 cô bác sĩ đang ở ngay tại bể bơi.

Khi con bị đuối nước cần nhanh chóng làm các thao tác sau 

- Đưa con ra khỏi nước ngay khi thấy dấu hiệu lạ như chới với, hoảng sợ, lặn dưới nước lâu bất thường...

- Kêu cứu và xin trợ giúp từ những người xung quanh. Sự giúp đỡ của những người xung quanh vô cùng quan trọng, nhất là khi trong số họ có những người có khả năng sơ cứu hoặc là bác sĩ, hoặc gọi cấp cứu....

- Đặt con nằm nghiêng xuống sàn (có lót khăn) và kiểm tra hơi thở, nhịp tim của con. Nếu không có dấu hiệu thở hay có nhịp tim thì cần nhanh chóng thực hiện ép tim và hô hấp nhân tạo cho con

- Tiếp tục đặt con nằm nghiêng xuống đất để con có nôn thì không bị ngạt đường thở (lót khăn hay quần áo cho con đỡ lạnh)

- Kiểm tra con có hơi thở hay nhịp tim không? Liên tục gọi tên con, hỏi con những câu hỏi để con phải trả lời như: "Con có nghe thấy Mẹ nói gì không?", "Con có lạnh không?", "Con gọi Mẹ đi..."

- Móc đờm dãi trong họng con nếu có, giúp con nôn ra ngoài

- Cởi quần áo ướt cho con và ủ ấm cho con vì con sẽ rất lạnh.

- Cho con nằm nghỉ ngơi 1 lúc, khi thấy con ổn hơn như sắc mặt hồng hào, đồng tử mắt linh hoạt và xe cấp cứu vừa đến thì đưa con đi bệnh viện làm các xét nghiệm kiểm tra luôn.

- Không cho con ăn uống sau 2 tiếng đuối nước.

- Nếu con không ăn uống được vì yếu, ba mẹ rang gạo rang và thêm nước sôi cho thêm vài hạt muối đun lên cho con uống nước cho hồi sức. Ăn nhẹ nhàng để con quen dạ.

- Con sẽ bị lạnh nên ủ ấm cho con, sấy tóc che đầu cẩn thận vì con yếu người dễ bị gió vào.

 

Sau vụ bé trai tử vong vì đuối nước cạn, cha mẹ HỌC GẤP những kiến thức này
Khi thấy con có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, đau ngực... sau khi đi bơi, bố mẹ cần đưa con ngay đến phòng cấp cứu để thực hiện các kiểm tra.

Tai nạn trẻ em

Theo Huyền Đỗ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em