Thúy Diễm cũng thừa nhận bé có thói quen này từ nhỏ và cô chưa giúp con trai bỏ được.
Trẻ nhỏ thường có thói quen và rất thích mút tay. Mút tay đem lại cho bé cảm giác an toàn nên con có thể mút tay khi chơi, khi ngủ. Tuy nhiên, thói quen này đôi khi sẽ kéo dài khi bé lớn và đem lại nhiều trở ngại về sức khỏe hàm răng mà mẹ không ngờ tới.
Mới đây, nữ diễn viên Thúy Diễm đã đăng tải một bức ảnh đang ôm ấp con trai Bảo Bảo ngủ ngon lành. Tuy nhiên, mọi người liền chú ý đến cái tay của cậu nhóc đang để trong miệng. Mặc dù đã 3 tuổi, nhưng Bảo Bảo vẫn còn giữ thói quen này là không nên. Chính vì thế, rất nhiều người đã lên tiếng nhắc nhở bà mẹ cần loại bỏ thói quen này cho con vì những nguy hại khó lường.
- Tập cho bảo bảo thói quen ngủ đừng nút tay nữa Diễm, để bé thay răng có hàm răng đẹp, giống như bé của mình quen mút tay rồi bỏ không được, giờ thay răng cái 2 răng cửa đưa ra như thỏ vậy á, lớn phải tốn tiền đi niềng.
- Đúng y luôn. Bé mình hồi xưa trùm mút tay, mút tay mới ngủ được giờ lớn rồi rắng hơi bị đưa ra ngoài, giờ hối hận ghê. Nghĩ sao không dùng biện pháp mạnh với con.
- Có bạn mút tay mạnh quá mà bẹp luôn ngón tay đấy. 2 nữa là mút tay vậy sau này ảnh hưởng nhiều đến hàm răng lắm bạn.
- Đúng rồi chị. Nhóc em của em cũng mút tay từ nhỏ tới lớn, tới khi lớn tay bị mưng mủ luôn á vì nước miếng chứa nhiều vi khuẩn lắm. Tích tụ lâu thành ra mủ. Phải đi mổ nữa ấy.
Đứng trước lời khuyên của mọi người, bà mẹ Thúy Diễm cũng chỉ biết ngậm ngùi đau lòng bởi cô biết mút tay ở độ tuổi con là không hợp lý nữa nhưng không có cách nào có thể bỏ được tật này cho con.
Một số cư dân mạng đã bày cho bà xã Lương Thế Thành mẹo hay bỏ tật mút tay cho con
Sự thật về những nguy hại khi trẻ mút tay?
Cắn, mút ngón tay là thói quen phổ biến của trẻ nhỏ hiện nay. Do không để ý hoặc cho rằng, đó là sự phát triển tự nhiên của bé…nên nhiều bố mẹ cứ mặc nhiên để bé kéo dài những thói quen ấy. Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ không hề biết những nguy cơ tiềm ẩn mà các bé có thể mắc phải do mút ngón tay kéo dài.
Theo BS Nguyễn Hoàng Dương cho biết trên Thế giới trẻ, những thói quen mút ngón tay không đơn giản như các bậc phụ huynh nghĩ. Nếu thói quen kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khớp cắn, cơ hàm của trẻ nhỏ.
BS Dương cho biết, từ trong bào thai, bé đã có phản xạ tự nhiên là mút ngón tay. Vì vậy, khi được sinh ra thì bé xuất hiện 2 phản xạ đầu tiên là nếm mút và bám víu. Đó là phản xạ khả năng sinh tồn. Ví dụ, bé mút ti mẹ để ăn sữa. Thường phản xạ này sẽ kết thúc sớm khi trẻ 2-3 tuổi.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trẻ 4-5 tuổi vẫn có thói quen mút ngón tay do thường xuyên bị đói hoặc mút bàn tay, cắn móng tay do bị tổn thương về tâm lý như: bố mẹ bận việc nên tách con sớm…Thói quen mút ngón tay kéo dài này thường để lại những hậu quả nghiêm trọng về răng lợi.
Cụ thể, thời kỳ trẻ thay răng, việc mút ngón tay trong miệng thường xuyên sẽ cản trở hoạt động của lưỡi, cơ xương hàm không vận động đúng chức năng nên xương không phát triển hết.
Ngoài ra, việc đưa ngón tay ở giữa 2 hàm răng thì sẽ gây ra hiện tượng làm chìa răng cửa, đẩy răng cửa của hàm trên đi ra phía trước, và đẩy răng cửa hàm dưới về phía sau. Từ đó gây ra 2 hậu quả: Tăng độ cắn chìa, tức người bình thường tăng khoảng 20-40mm, còn các bé thì dài hơn và có khoảng hở giữa hai hàm răng; thứ 2 là lưỡi bị hạ thấp xuống vì ngón tay giữ vào đó và làm giảm hoạt động lưỡi. Hơn nữa, bàn tay không được vệ sinh mà đưa vào miệng thì sẽ dễ bị viêm nhiễm răng miệng.
BS Dương cũng cảnh báo thêm, thói quen trên đều có nguy cơ bị hở hàm, dẫn đến trẻ sẽ thở bằng miệng thay cho thở bằng mũi bình thường. Và việc này sẽ gây viêm nhiễm đường hô hấp, hội chứng rối loạn giấc ngủ, nguy hiểm hơn là hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Từ đó, BS đưa ra lời khuyên, các cha mẹ hãy tập dần cho con bỏ thói quen càng sớm càng tốt, khoảng trước 3-4 tuổi. Ngoài ra, trẻ mút ngón tay do bị ảnh hưởng tâm lý thì các cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để được điều trị kịp thời.