Với trẻ nhỏ, ngoài chế độ ăn hợp lý thì việc bổ sung sữa hàng ngày, ngủ đủ giấc là điều vô cùng quan trọng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Những năm gầy đây Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em. Theo đó, hiện tỷ lệ suy dưỡng thấp còi ở Việt Nam hiện đang ở mức 26%. Nếu tính theo tỷ lệ này thì ở Việt Nam, hiện tại cứ 4 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ngoài yếu tố di truyền thì còn liên quan rất nhiều đến yếu tố dinh dưỡng. Điển hình như việc sử dụng nhiều đồ ăn nhanh, dùng quá nhiều đồ uống có đường, sử dụng không đủ lượng sữa theo khuyến cao…
Trước thực trạng trên, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ thì sẽ để lại nhiều hệ lụy đối với sự phát triển cả về trí tuệ và thể chất. Bởi trẻ suy dinh dưỡng cũng đồng nghĩa với việc sức đề kháng kém, từ đó cơ thể rất dễ mắc bệnh tật và gây khó khăn trong điều trị.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Để làm được điều đó, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng các mẹ cần kết hợp nhiều biện pháp trong chăm sóc dinh dưỡng cũng như sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là một số “bí quyết” giúp trẻ tăng cường sức đề kháng tốt, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 10 tuổi.
Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm:
Khi lựa chọn các loại thực phẩm nên chọn các loại thực phấp giúp nâng cao sức đề kháng cho trẻ, đặc biệt không nên quá trú trọng các loại thực phẩm giàu đạm, protein mà quên đi các loại rau, củ quả vì đây là nguồn thực phẩm cung cấp các loại vitamin rất cần thiết cho cơ thể.
Theo đó, có thể chọn các loại thực phẩm như thịt bò, cá, tôm, cua, gan động vật, trứng…đây là những thực phẩm không chỉ giúp tăng đề kháng cho bé mà còn rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Ngoài ra, cần bổ sung các loại hạt, rau nhiều màu sắc, các loại hoa quả như chuối, cam, quýt…đây là những thực phẩm bổ sung vitamin C, B6, Kali…rất tốt.
- Bổ sung thêm sữa hàng ngày:
Đối với trẻ dưới 6 tháng nên dùng sữa mẹ hoàn toàn và các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ bú đến 18- 24 tháng tuổi. Bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất giúp tăng miễn dịch và đề kháng cho trẻ.
Trẻ trên 1 tuổi và những trẻ lớn hơn có thể bổ sung thêm các loại sữa phù hợp, bởi trong sữa có những chất mà thực phẩm không có hoặc rất có rất ít. Tuy nhiên, việc sử dụng sữa bổ sung cho trẻ cần phải lưu ý đối với từng trẻ, bởi có thể trẻ hợp sữa này nhưng lại không hợp sữa khác. Hoặc đối với trẻ suy dinh dưỡng thấp còi thì cần phải bổ sung lại sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng….
Hay với những trẻ có vấn đề về hệ tiêu hóa (được bác sĩ khám và kết luận) thì cần bổ sung những thực phẩm lợi khuẩn đường ruột như lợi khuẩn probiotic. Vi khuẩn lành mạnh này là một phần của hệ thống miễn dịch và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Trong ruột, lợi khuẩn probiotic giúp phá vỡ các thực phẩm con người ăn vào để cung cấp một nguồn năng lượng cho các tế bào trong ruột. Probiotic được tìm thấy trong thực phẩm và cả các chất bổ sung (probiotic có thể là tự nhiên hoặc đã được thêm vào trong giai đoạn chế biến). Các thực phẩm này gồm sữa chua, đồ uống từ sữa chua, sữa lên men và chưa lên men, đậu tương lên men và một số nước hoa quả, đồ uống đậu nành.
Cho trẻ uống đủ nước
Ngoài chế độ dinh dưỡng cần phải bổ sung cho trẻ đủ lượng nước mỗi ngày. Bởi nước có tác dụng đào thải chất độc hại ra ngoài cơ thể và giúp tăng cường trao đổi chất ở trẻ… Vì thế, thói quen uống đủ nước mỗi ngày là rất quan trọng. Lượng nước cần thiết cho trẻ phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và cường độ hoạt động, vui chơi của từng bé.
Cho trẻ ăn một cách khoa học
Bổ sung dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng, tuy nhiên việc cho trẻ ăn thế nào cho đúng thì chưa được các bậc phụ huynh thật sự quan tâm. Để trẻ ăn uống một cách khoa học, các bậc phụ huynh cần xây dựng thời gian biểu cho con một cách khoa học, việc này cũng giúp cho trẻ tự giác ăn đúng giờ, đều đặn.
Thậm chí, trong trường hợp cần thiết cần phải thiết quân luật để trẻ ăn đúng giờ quy định. Ví dụ quy định chỉ 25-30 phút là phải ăn xong 01 bữa cơm, nếu sau thời gian đó trẻ không thực hiện đúng thì có thể không cho ăn. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn như: bim bim, bánh kẹo, đồ ăn nhanh…
Hoặc khi cho trẻ ăn bố mẹ cũng nên tập trung vào bữa ăn của trẻ, không nên làm phân tán, xao nhãng trẻ bằng cách cho trẻ xem tivi, điện thoại như vậy sẽ không tốt cho tiêu hóa của trẻ.
Cho trẻ ngủ đủ giấc
Một giấc ngủ sâu và đủ dài là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Ngủ đủ giấc giúp phát triển trí tuệ, chiều cao, cân nặng và tăng sức đề kháng cho bé. Ngoài ra, nó còn giúp trẻ có tinh thần thoải mái, vui chơi cả ngày.
Đặc biệt, không cho trẻ thức quá khuya vì điều này không chỉ khiến trẻ sáng hôm sau dậy mệt mỏi, mà còn ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, trí tuệ sau này. Tốt nhất cho trẻ đi ngủ trước 9-10 giờ tối.
Mỗi trẻ ở độ tuổi khác nhau sẽ, theo khuyến cáo: trẻ 4 - 12 tháng nên ngủ 12-16 giờ (bao gồm cả ngủ trưa); trẻ 1 - 2 tuổi nên ngủ 11-14 giờ (bao gồm cả ngủ trưa) trẻ 3 – 5 tuổi nên ngủ 10-13 giờ (bao gồm cả ngủ trưa).
Ngoài những vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cũng cho rằng không nên lạm dụng các loại thuốc cho trẻ, đặc biệt là các loại kháng sinh. Hạn chế việc cho trẻ sử dụng các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, thức ăn đường phố….
Mỗi gia đình cần có bảng theo dõi chiều cao, cân nặng để theo dõi hàng tháng, khi nào có dấu hiệu bất thường cần đưa đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị kịp thời không nên tự ý điều trị.
Trẻ ốm dặt dẹo vì suy dinh dưỡng, đề kháng kém
Thực tế trong quá trình khám và tư vấn dinh dưỡng, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng đã gặp những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng do bổ sung dinh dưỡng không hợp lý.
Đó là trường hợp của bé Đ.T.N. (ở Thái Nguyên) dù năm nay đã 6 tuổi nhưng cân nặng mới được có 16,5kg, chiều cao là 117,0cm. Ngay sau khi tiếp nhận, bác sĩ đã khám và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết cho bé N.
Kết quả cho thấy, bé bị suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu máu và cần phải điều trị (ngoại trú) theo đơn bác sĩ. Gia đình bé N. cho biết, trước đó bé rất hay ốm vặt, tuy nhiên do đợt này dù bồi bổ nhiều, nhưng không lên cân nên mới cho đi khám dinh dưỡng.
“Với trường hợp này tôi phải kê đơn điều trị kết hợp, ngoài thuốc còn có cả sữa uống bổ sung. Đặc biệt, tôi phải hướng dẫn rất cụ thể về chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn, cũng như thực hiện bữa ăn làm sao cho khoa học, không nên kéo quá dài thời gian bữa ăn”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Đến nay sau một thời gian thực hiện theo tư vấn của bác sĩ, bé N. đã tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi sát sao và đi khám định kỳ. Qua quá trình thăm khám cho nhiều bệnh nhi, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết, để trẻ phát triển khỏe mạnh thì việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ là vô cùng quan trọng, đặc biệt là giai đoạn trẻ từ 1 đến 10 tuổi.