Nghe bác sĩ nói em bé mang gen dị tật bẩm sinh ở tuyến yên giống bố song vợ chồng chị Đông, anh Nguyên vẫn vui vẻ đón nhận.
Hai năm trở lại đây, trong căn nhà trọ ở huyện Củ Chi (TP.HCM) của đôi vợ chồng khuyết tật Hoàng Thị Đông (Sinh năm 1985) và anh Trần Văn Nguyên (Sinh năm 1990, vận động viên khuyết tật của đội tuyển quốc gia môn điền kinh) rộn rã tiếng cười hơn bởi sự xuất hiện của bé Trần Nguyên Khôi (sinh năm 2019).
Những người dân xung quanh đây ai cũng đều biết tới tổ ấm nhỏ ấy, họ được yêu quý vì tinh thần vượt lên số phận dù cơ thể gặp khiếm khuyết. Điều mọi người ngưỡng mộ hơn cả chính là nghị lực cùng nhau viết nên câu chuyện tình cổ tích, để rồi bên nhau thực hiện thiên chức làm cha mẹ, nuôi dạy con khôn lớn.
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Đông, anh Nguyên tại TP.HCM.
Tìm đến nhà trọ của hai vợ chồng chị Đông lúc chị say sưa hát những bài quen thuộc trước đây chị từng hát rong trên đường phố, còn anh Nguyên đang tất bật tập huấn xa nhà. Nhìn cô bé Nguyễn Hoàng Yến Nhi (Sinh năm 2013, con gái riêng của chị với chồng cũ) và bé Khôi Nguyên – kết tinh của hai mảnh ghép hoàn hảo đùa nghịch bên thêm nhà, người phụ nữ U40 mỉm cười hạnh phúc.
Nhớ lại những ngày đã qua, chị không thể ngờ mình lại có cuộc sống như hiện tại. Chị kể, trước đây chị vốn là một cô ca sĩ hát rong đường phố và các sân khấu nhỏ. Còn anh Nguyên cũng có một tuổi thơ êm đềm, nhẹ nhàng như bao đứa trẻ thôn quê khác ở Bình Định. Thế nhưng, đến một ngày người thân của anh phát hiện có vẻ ngắn hơn mấy anh em khác. Thế rồi càng lớn dần, anh càng thấy mình ngắn, mãi sau này anh mới biết bản thân bị dị tật bẩm sinh ở tuyến yên.
Năm 2017, lần đầu tiên anh vinh dự trở thành vận động viên của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2017.
Trưởng thành, anh Nguyên chỉ cao 1,3 mét. Hoàn thành cấp ba, rồi theo học cao đẳng về điện, anh Nguyên tìm được công việc ổn định trong một công ty điện ở TP.HCM. Song cuộc đời anh chỉ thực sự sang một trang mới khi bước chân vào con đường làm vận động viên, anh miệt mài tập luyện các môn phóng lao, ném đĩa và dần cảm thấy yêu thích những bộ môn này. Năm 2017, lần đầu tiên anh vinh dự trở thành vận động viên của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2017 (Asean Para Games 9) và đoạt đến 2 HCV ở nội dung ném lao, đẩy tạ, mang vinh quang về cho Việt Nam.
Chị Đông tâm sự: “Như một cơ duyên, chúng mình gặp nhau khi cả hai vào làm trong công ty điện cùng nhau. Lúc đó anh vẫn chưa theo sự nghiệp thể thao. Vì cùng cảnh ngộ nên chúng mình dễ đồng cảm. Sau vài bữa đi chơi chung với bạn bè thì anh đánh liều rủ mình hẹn hò riêng”.
Yêu nhau nhiều như vậy song anh chị chịu không ít thử thách bởi gia đình anh Nguyên cật lực phản đối mối quan hệ này. Nhiều lần cố thuyết phục bố nhưng không được, anh đành tự bảo vệ hạnh phúc của mình. Hai người chỉ đi đăng ký kết hôn, không có đám cưới.
Mối tình của anh chị từng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình anh Nguyên.
Làm cha mẹ là thiên chức thiêng liêng của mỗi người, nhưng làm cha mẹ với một cơ thể lành lặn đã khó, với người khuyết tật điều đó còn khó hơn gấp trăm vạn lần. Thời điểm mang bầu bé Nguyên Khôi chị phải đối mặt với vô vàn thử thách. Bởi nghĩ cho con nên giai đoạn mang thai chị gần như tạm dừng những công việc phải di chuyển nhiều, dồn tất cả thời gian lo nghĩ cho em bé. Chị lên mạng xem các thông tin như ăn uống như nào để bé được khỏe, tham khảo ý kiến các mẹ ở hội nhóm để trang bị thêm kiến thức chăm sóc con.
Quãng thời gian mang thai, hai vợ chồng chị Đông đều lo lắng và hiểu rằng cha mẹ khuyết tật thì con khó tránh khỏi gen di truyền. Dẫu vậy, trong sâu thẳm suy nghĩ, họ vẫn hy vọng sẽ có phép màu nào đó đến với con yêu.
Thai 6 tháng, anh chị nghe bác sĩ thông báo bé theo gen bệnh giống bố. “Biết sẽ phải nghe những thông tin như vậy nhưng hai vợ chồng mình cũng đã động viên nhau và vui vẻ đón nhận sự chào đời của con” – bà mẹ 8X chia sẻ.
Để rồi cuối cùng họ vẫn được bên nhau vun đắp hạnh phúc.
Kể từ khi con chào đời, bao khó khăn dường như nhân lên gấp đôi gấp ba. Vì cơ thể hai vợ chồng đều khiếm khuyết nên gặp rất nhiều vất vả trong việc chăm sóc em bé. Chị chẳng thế bế được con, mẹ ít sữa, bé lại chẳng chịu uống sữa ngoài và liên tục quấy khóc. Vì quá áp lực và mệt mỏi, đến tháng thứ 6 sau sinh chị Đông chính thức mất sữa, bằng mọi cách phải tập cho bé bú sữa công thức.
Cuộc sống vốn thiếu thốn lại phải mua sữa ngoài, kinh tế càng trở nên cạn kiệt nhưng nghĩ đến bố mẹ nuôi mình khôn lớn đến giờ chị lại có động lực cố gắng hơn. Chị bảo: “Kinh tế của gia đình do 2 vợ chồng tự lực thôi. Ông bà già yếu, chưa kể anh em bên ngoại nhà mình đều là người khuyết tật nên không thể giúp được gì. Dù cuộc sống có chật vật nhưng ngôi nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Bé Nguyên Khôi bây giờ 2 tuổi, con giống bố y đúc, nhanh nhẹn, thông minh. Anh xã thường xuyên phải đi tập luyện xa nhà nên mình vừa làm mẹ vừa làm cha luôn”.
Bé Nguyên Khôi giống cha như đúc.
Chia sẻ về mối quan hệ giữa chồng và con gái riêng của mình, chị Đông cho biết, chừng ấy thời gian yêu và về chung một nhà, anh Nguyên luôn đối xử tốt với con riêng của vợ. Thời gian chị bận sinh nở, một tay anh chăm sóc bé Yến Nhi mà không một lời phàn nàn. Bởi trong thâm tâm, anh luôn coi đứa trẻ đó như máu mủ của mình. Anh cũng không có suy nghĩ phân biệt con chung, con riêng.
Cuộc sống hiện tại của hai vợ chồng cái đủ cái không. Dẫu biết hành trình phía trước vẫn còn rất dài và còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên mình cảm thấy may mắn vì có một người chồng hết mực yêu thương vợ con. Có như vậy mới thấy trân trọng cuộc sống và thêm tin yêu vào người đã nguyện cả đời hy sinh, đồng cảm và sẻ chia để mọi thứ được bình yên như hiện tại.