Từ nhỏ đến lúc trưởng thành, ông Nguyễn Văn Bé (SN 1949, ngụ ấp Long Châu, P. Tân Lộc, TP. Cần Thơ) hoàn toàn lành lặn. Nhưng sau đó, những biến cố bất ngờ ập đến đã khiến ông đột ngột bị câm, mù.
Cuộc đời lão nông nghèo có lẽ sẽ trôi qua trong câm lặng và tăm tối như vậy, nếu không có một ngày ông đột nhiên… chết lâm sàng. Trực tiếp báo cho chúng tôi về trường hợp hy hữu này, ông Nguyễn Văn Thâu (Trạm trưởng y tế P. Tân Lộc) khẳng định: “Sau lần chết lâm sàng ấy, ông Bé đột ngột sáng mắt, nói được trở lại. Tôi rất mong, các nhà khoa học biết đến và nghiên cứu trường hợp đặc biệt này”.
Những biến cố bất ngờ
Trong ngôi nhà gỗ tại con hẻm nhỏ thuộc xóm Rạch Ruộng (tổ 19, ấp Châu Long, P. Tân Lộc), ông Bé mở đầu câu chuyện: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ tôi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Sau này, tôi lấy vợ, sinh con như bao người khác. Cuộc sống cứ trôi đi bình yên cho tới năm tôi 27 tuổi thì tai họa ập xuống”. Nhớ lại biến cố đầu tiên, ông Bé cho biết: “Nói chuyện này nhiều người sẽ cảm thấy khó tin nhưng đó là sự thật. Hôm đó, tôi cùng ông Hai Bơ và ông Dẻ (những người cùng địa phương – PV) đi cuốc đất thuê cho nhà cụ Vốn. Tới gần 11h trưa thì bỗng nhiên, tôi thấy từ phía khu nhị tỳ (nghĩa trang) thì có một đám khói đen kịt bay lên rồi bao trùm khắp cơ thể mình. Chưa kịp hiểu xem đó là hiện tượng gì, tôi bị ngã xuống, khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm chuyền nước biển trong Bệnh viện Thốt Nốt. Khi đó, tôi cảm thấy cơ thể vẫn bình thường, không có cảm giác mệt mỏi của bệnh tật. Nhưng dù nghe rất rõ mọi người hỏi han, tôi lại không tài nào cất giọng trả lời được”.
Ông Bé kể lại những biến cố kỳ lạ mình đã trải qua.
Sau gần một tuần điều trị tại Bệnh viện Thốt Nốt, các bác sĩ cũng không tìm ra nguyên nhân gây bệnh nên chuyển ông lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, hai bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã trực tiếp theo dõi và điều trị cho ông. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định ông có thể đã mắc chứng đông máu thần kinh trung ương. Tuy nhiên sau hai năm, chứng câm của ông Bé không được cải thiện là bao. Các bác sĩ đành cho ông xuất viện, không quên dặn mỗi tháng tái khám một lần. Vì kinh tế đã kiệt quệ sau đợt điều trị 2 năm nên ông Bé không thể tái khám theo lời dặn của bác sĩ, chấp nhận kiếp sống khuyết tật. Mỗi lần muốn trò chuyện, ông phải dùng bút viết ra. Từ đó, bà con lối xóm gọi ông bằng cái tên Bé “câm” cho đến tận bây giờ.
Sự việc bỗng nhiên bị câm không phải chuyện lạ thường duy nhất tới với ông Bé. Vào năm 1997 khi đang đánh cờ tại quán giải khát của ông Tư Lễnh cùng ấp, ông cảm thấy khó chịu trong người, hai mắt nóng lên. Thấy chuyện bất thường, ông bỏ ngang ván cờ, chạy một mạch về nhà kêu vợ cạo gió, xoa dầu. Nhưng vợ càng xoa bóp, cạo gió bao nhiêu, ông càng cảm thấy khó chịu bấy nhiêu, đôi mắt dần tối sầm và cuối cùng không còn nhìn thấy gì nữa. Thấy vậy, vợ ông liền hô hoán bà con hàng xóm sang giúp đưa ông đi bệnh viện cấp cứu. Sáng hôm sau, ông Bé hồi tỉnh nhưng đôi mắt thì mù hẳn. Nhãn cầu vẫn đen láy nhưng bất động. Một lần nữa, các bác sĩ lại “bó tay” trước chứng bệnh kỳ lạ của ông. Vậy là bỗng chốc, ông tuyệt vọng trở thành kẻ câm, mù.
Bà Lan - mẹ ông Bé rất vui mừng khi nghe lại tiếng con trai sau 20 năm.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thâu, Trưởng trạm Y tế phường Tân Lộc (Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho biết: “Chuyện ông Bé chết đi sống lại thì bà con ở đây đều rõ cả. Về mặt khoa học, tôi nghĩ chuyện này cũng có thể lý giải được. Ông Bé có thể đã chết lâm sàng nên tuy ngừng thở mà não bộ vẫn hoạt động. Điều khó hiểu ở đây là chuyện sau khi sống lại, ông Bé đột nhiên hết câm, hết mù. Tôi nghĩ có một cơ chế nào đó đã tác động đến ông ấy. Nhưng cơ chế đặc biệt ấy là gì thì tôi mong các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu”. |
“Trước ngày bị mù, tôi đi làm ngoài đồng thì gặp một luồng ánh sáng trắng chiếu ngang qua mặt. Nghĩ là ánh nắng mặt trời nên tôi tiếp tục làm việc cho tới khuya mới về. Không ngờ sáng hôm sau thì xảy ra chuyện kinh khủng như vậy. Tới giờ, tôi cũng không thể hiểu ánh sáng hôm đó là gì, không biết nó có phải nguyên nhân khiến tôi bị mù không. Khi bị mù, tôi chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát, phần nữa là vì không muốn liên lụy tới mẹ già, vợ con. Nhờ có sự giúp đỡ của mọi người, những lời khuyên ngăn của mẹ, tôi mới thông suốt tư tưởng để tiếp tục cuộc sống. Sau đó, gia đình liên tục đưa tôi đi khám nhưng tất cả các thấy thuốc đều lắc đầu bó tay vì không tìm ra nguyên nhân bệnh. Không những thế, khi nghe mọi người xì xào tôi bị ma quỷ ám, vợ còn âm thâm đi mời thầy cúng, xin bùa về chữa cho tôi, nhưng đều bất thành…”, ông Bé nhớ lại. Sau khi chạy chữa vô vọng, ông Bé chấp nhận cuộc sống tật nguyền bằng cách tìm công việc phù hợp để tự nuôi sống bản thân. Ông nghĩ ra ý tưởng làm thúng bán cho mọi người. Thúng của ông bán rất chạy vì mọi người đều thương cảm và muốn ủng hộ cho người đàn ông bất hạnh bỗng dưng mất đi ánh sáng.
Chuyện lạ khó lý giải
Những tưởng số phận đã sắp đặt cho ông Bé cuộc đời bất hạnh như vậy, nhưng bất ngờ 4 năm sau, điều kỳ diệu lại xảy đến. “Hôm đó là ngày lễ Vu lan (15/7/2001, Âm lịch), gia đình tôi cũng tổ chức cúng chay cho những vong hồn lưu lạc ngoài đường. Khi mọi người bày biện lễ vật xong, con trai mới dắt tôi ra thắp nhang làm lễ khấn vái. Sau bài khấn, tôi đã nguyện rằng: “Con khổ quá rồi, nếu Trời Phật bắt con câm, mù như thế này thà mang con đi, cho con bớt khổ, gia đình con bớt khổ… Nếu không, xin cho con khỏi câm, khỏi mù, con sẽ dùng cả phần đời còn lại đi làm từ thiện giúp đời”. Sau khi nguyện xong, tôi cảm thấy đầu óc choáng váng rồi ngất lịm lúc nào không biết”, ông Bé nhớ lại. Kể về sự việc hôm đó, bà Huỳnh Thị Trúc (SN 1952, vợ của ông Bé) cho biết: “Thấy ông ấy kêu đau đầu rồi nằm vật ra sân, tôi kêu hai đứa con trai ra đỡ ông vào nhà thoa dầu, xoa bóp. Nhưng càng xoa, ông càng kêu đau rồi tự nhiên lao từ trên giường xuống đất. Khi đỡ lên thì cả nhà tá hỏa phát hiện ông ấy đã ngưng thở, người cứng đơ… Tôi liền tri hô mọi người tới cứu giúp, nhưng khi xem xét, mấy người hàng xóm nói rằng ông ấy đã “ra đi” rồi…”.
Ông Lê Văn Trường (SN1941, hàng xóm nhà ông Bé) cũng xác nhận: “Khi nghe thấy cô Hai (vợ ông Bé – PV) kêu cứu, tôi và ông Tăng (một người hàng xóm khác nhà ông Bé – PV) là người chạy sang đầu tiên, sau đó nhiều người khác cũng kéo đến. Sau nhiều lần sơ cứu mà ông Bé vẫn không hồi tỉnh, mọi người liền thông báo với gia đình lo liệu hậu sự. Nhưng khi sắp tới giờ nhập quan thì ông ấy bỗng nhiên sống dậy khiến tất cả vô cùng hoảng loạn”.
Ngôi nhà của người đàn ông nổi tiếng miền Tây.
“Khi tỉnh dậy, tôi cũng không biết chuyện gì đã xảy ra, chỉ thấy tự nhiên mắt rất sáng rõ. Tôi thấy trong nhà có rất đông người, còn vợ con, anh em thì đang khóc lóc thảm thiết dưới giường. Lời nói trong miệng tôi cũng bật ra một cách kỳ lạ. Tôi hỏi: “Nhà mình có chuyện gì mà đông người vậy? Có ai làm sao à mà khóc lóc ỉ ôi…”. Mới nghe tôi nói vậy, mọi người lập tức tỏ ra hoảng loạn rồi bỏ chạy hết ra ngoài. Các bậc cao niên còn hô người vào giữ tôi lại vì ngỡ tôi bị “ma quỷ” nhập xác. Sau khi tôi nhận ra được hết mọi người, họ mới tin là tôi còn sống…” ông Bé kể lại. Vậy là sau khi trở về từ cõi chết, ông Bé cũng hết câm, hết mù. “ Hơn 20 năm không được được nghe con nói chuyện, đùng một cái nó gọi: “Má”, khiến tôi cũng hết hồn. Nhưng đó là do Trời Phật thương, cho nó có thể nói được và mắt cũng tỏ tường lại. Đây là niềm vui khôn tả với cả gia đình chúng tôi. Người ta vẫn gọi nó là Bé “câm” nhưng nó không còn câm nữa…”, cụ Lan (SN 1927, mẹ ông Bé) chia sẻ.
Sau khi hết câm, mù một cách kỳ lạ, ông Bé đã làm đúng lời thề trước đây là dùng cả phần đời còn lại đi làm từ thiện. Để thực hiện điều đó, ông xin tham gia vào Hội Đông y từ thiện của khu vực, học bốc thuốc để giúp những người khó khăn. Để nâng cao chuyên môn, ông tham gia các buổi tâp huấn của Hội Đông y TP. Cần Thơ. Ông còn đi học Trung cấp Y học cổ truyền tại TP. Cần Thơ để có thể tự mình chữa bệnh cứu người. “Việc tham gia hội Đông y chữa bệnh cứu người một phần cũng là để thực hiện đúng lời hứa trước lúc “chết” của tôi, phần nữa cũng vì công việc này cũng mang lại cho tôi rất nhiều thứ. Tôi muốn trả cái nghĩa, cái ơn mà bà con dành cho tôi khi bệnh tật”.